Thầy giáo trẻ vùng sông nước: Say nghề thì phải đổi mới sáng tạo

GD&TĐ - Vỏn vẹn 5 năm đứng trên bục giảng nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Minh Tài, Tổ trưởng bộ môn Vật lý, Trường THCS Quơn Long (Chợ Gạo, Tiền Giang) đúc kết rằng: “Đối với người giáo viên điều quan trọng là lòng tâm huyết với nghề, sự nhiệt tình trong công tác đồng thời không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức bản thân”.

HS say sưa thực hành trong tiết học Vật lý của thầy Nguyễn Minh Tài. Ảnh: NVCC
HS say sưa thực hành trong tiết học Vật lý của thầy Nguyễn Minh Tài. Ảnh: NVCC

Tâm huyết với từng giờ giảng

Tốt nghiệp ra trường năm 2014, tháng 1/2015 thầy giáo Nguyễn Minh Tài được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Quơn Long. Vừa mới ra trường, công việc đối với thầy thật mới mẻ, nhưng bằng trái tim đầy nhiệt huyết, thầy giáo trẻ đã không quản ngại khó khăn, học hỏi tìm tòi để có thể ứng dụng vào giảng dạy một cách hiệu quả nhất.

Chính vì vậy những tiết học Vật lý của thầy đã dần cuối hút các em học sinh. Đến năm thứ 3 công tác tại trường, thầy Tài được ban giám hiệu tin tưởng giao trọng trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý. 

Thầy tâm sự: Trước đó, ngôi trường nhỏ của huyện Chợ Gạo chưa năm nào có học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi. Thế nên khi nhận nhiệm vụ này tôi cũng không khỏi lo lắng. Ban đầu tôi có cảm giác buồn và hụt hẫng khi không có học sinh nào đăng ký tham gia học bồi dưỡng với môn của mình.

Có lẽ, vì một phần tôi là thầy giáo trẻ mới ra trường nên học sinh cũng không tin tưởng lắm. Đa phần các em lựa chọn được bồi dưỡng môn Toán, Hóa học. Nhưng do không đủ điều kiện nên nhà trường không thể tổ chức bồi dưỡng các môn học này, vì vậy các em đành chọn môn của tôi.

Tuy nhiên sau một thời gian thầy trò cùng ôn luyện, tôi dần được sự tin tưởng của học trò về năng lực chuyên môn. Các em luôn chăm chỉ hăng say với mỗi tiết học của tôi. Kết quả năm đó đội tuyển do tôi bồi dưỡng có 1 em đã đạt giải Nhì cấp tỉnh môn Vật lý. Sau này em học trò đó tâm sự: “Trước khi thầy về trường, em thi nhiều lần nhưng chưa bao giờ đạt được giải thưởng, nhờ có thầy mà em có được kết quả mà mình hằng mơ ước”. Tôi thực sự xúc động và vui mừng vì kết quả mà cả thầy và trò cùng nỗ lực cố gắng…  

Đặc biệt trong quá trình giảng dạy, thầy Tài còn linh hoạt đưa những câu tục ngữ, ca dao vào trong bộ môn Vật lý, điều này tạo không khí nhẹ nhàng hơn trong tiết học. Những câu tục ngữ như: “Nước chảy đá mòn” (chỉ lực đẩy và lực ma sát), “ Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm” (chỉ độ ẩm),  “Có công mài sắt có ngày nên kim” (lực ma sát)… giúp cho bài giảng của thầy dễ nhớ dễ hiểu, học sinh cảm thấy gần gũi dễ tiếp thu các kiến thức hơn.

Thầy Tài cho biết: Với cách vận dụng như thế học sinh rất thích thú, đồng thời kích thích tư duy làm cho các em ham thích tìm tòi, nghiên cứu từ những hiện tượng thực tế. Từ thực tiễn đó, năm học 2015 - 2016, thầy Nguyễn Minh Tài đã mạnh dạn tư vấn cho Ban Giám hiệu Trường THCS Quơn Long tổ chức cuộc thi Ý tưởng khoa học dành cho học sinh khối 8, 9 cấp trường.

Thầy Nguyễn Minh Tài (ảnh trái) chụp cùng HS đạt giải trong cuộc thi KHKT. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Minh Tài (ảnh trái) chụp cùng HS đạt giải trong cuộc thi KHKT.  Ảnh: NVCC

Lựa chọn cách dạy gắn với thực tế

Với năng lực chuyên môn giỏi, tâm huyết, nhiệt tình, tận tụy, thầy giáo trẻ Nguyễn Minh Tài đã được tập thể cán bộ, giáo viên tín nhiệm, học sinh và phụ huynh tin yêu. Từ năm học 2017 - 2018, dù ở tuổi 25 nhưng thầy Nguyễn Minh Tài được lãnh đạo nhà trường bổ nhiệm làm Tổ trưởng tổ Lý – Tin - Công nghệ. 

Dưới sự điều hành của người giáo viên trẻ, đầy năng lực này, tập thể của tổ bộ môn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng thầy Tài đã 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, vinh dự được nhận nhiều Giấy khen các cấp.

Đảm nhiệm giảng dạy môn Vật lý của khối 9, thầy đã mạnh dạn đưa các kiến thức thực tế vào trong bài giảng. Thông qua sự tương đồng giữa các kiến thức mới với kiến thức thực tế mà HS đã biết, thầy giúp các em nhớ lại kiến thức cũ, đồng thời mở rộng kiến thức mới lên một mức độ cao hơn theo từng đối tượng học sinh khác nhau.

“Khi gắn kiến thức thực tế vào bài giảng vật lý thông qua các câu hỏi mang tính mâu thuẫn, GV sẽ tạo ra những tình huống có vấn đề nhằm kích thích sự tò mò, đam mê khám phá để học sinh hứng thú tìm câu trả lời. Gắn kiến thức thực tế vào bài giảng thông qua các tình huống có vấn đề, GV sẽ tổ chức cho học sinh hùng biện, tranh luận bảo vệ quan điểm của mình.

Từ đó giúp các em khắc sâu được kiến thức và là cơ sở để học sinh hình thành các kỹ năng mềm, tư duy suy luận vấn đề một cách lôgic có khoa học. Bên cạnh đó, nhờ cách dạy này mà thầy cô sẽ hướng tới vấn đề giáo dục ý thức cho học sinh, giúp các em tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi gặp các tính huống tương tự trong thực tế đời sống”, thầy Tài chia sẻ như vậy.

Năm năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Nguyễn Minh Tài không ngừng sáng tạo trong giảng dạy cũng như việc cải tiến đồ dùng dạy học. Là môn học đòi hỏi thực hành nhiều với các thí nghiệm, thầy Tài đã nghiên cứu tích hợp các thí nghiệm có liên quan thành bộ thí nghiệm.

Tích hợp đồ dùng trong từng thí nghiệm riêng lẻ thành bộ dụng cụ thí nghiệm phục vụ dạy một chủ đề kiến thức có liên quan giúp quá trình giảng dạy thuận lợi hơn. Việc làm này giúp giáo viên ôn lại kiến thức bài trước cho HS khi thực hiện dạy các bài mới có thí nghiệm liên quan. Tích hợp các bộ thí nghiệm giúp quá trình ôn tập kiến thức của từng chương thuận tiện hơn, giúp học sinh nhớ lại kiến thức trực quan và sinh động hơn so với việc học thuộc lòng khô khan và nhàm chán”.

Quá trình giảng dạy có rất nhiều học sinh than phiền rằng, môn Vật lý quá khô khan, khó hiểu. Tuy nhiên môn học này rất gần gũi với cuộc sống, thế nên việc liên hệ thực tế sẽ giúp học sinh dễ dàng khắc sâu kiến thức. Thầy giáo Nguyễn Minh Tài nghĩ cần phải thay đổi trong việc truyền đạt kiến thức theo một hướng tiếp cận khác. Thầy đã lựa chọn việc dạy học dựa trên các thí nghiệm thực tế cũng như vận dụng các câu ca dao tục ngữ đề HS dễ hiểu, dễ hình dung hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.