Chia sẻ về lý do đến với nghề, thầy Hồng Duy cho biết, hồi còn học cấp 3 khi chơi với các em, các cháu trong nhà, thầy cảm thấy rất thích trẻ con, vì sự hồn nhiên, vô tư, đáng yêu nên bắt đầu suy nghĩ đến việc sẽ trở thành giáo viên mầm non.
“Ban đầu tôi dự tính là theo khối B thiên về công nghệ sinh học, nhưng suy nghĩ kĩ, tới thời điểm làm hồ sơ dự thi, tôi đã đăng kí vào khoa giáo dục mầm non Trường ĐH Sài Gòn. Quyết định này khiến thầy cô và bạn bè rất bất ngờ. Ai cũng hỏi sao lại đổi ngành”.
Một ngày mới bắt đầu của thầy giáo mầm non |
Thầy Duy cũng chia sẻ thêm, thời điểm đó có trao đổi với gia đình về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, thầy được gia đình ủng hộ. “Mẹ tôi là người rất tâm lý, nói với tôi rằng, nếu con yêu thích, con cứ hãy theo đuổi nó đến cùng. Con tự quyết định tương lai của mình và mẹ rất tôn trọng lựa chọn của tôi”.
Cùng các con tập thể dục |
Nhắc đến phái mạnh theo ngành mầm non, nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, sự chịu khó, khéo léo... Nhưng với thầy Duy đó là lựa chọn đúng đắn và không quá đặc biệt.
Yêu thích công việc, nên thầy luôn làm tốt nhất mọi điều dành cho trẻ. Từ việc tập tết tóc, việc hỗ trợ trẻ ăn, dạy bảo trẻ, vỗ về yêu thương… Thầy vừa đóng vai trò là mẹ hiền, vừa giống như một người cha, người anh của trẻ.
|
“Mỗi ngày trôi qua, được chơi, được vui đùa, dạy bảo các con là điều tôi cảm thấy rất vui. Trẻ con rất vô tư, hồn nhiên, khi mình dành cho trẻ sự yêu thương từ trái tim mình, trẻ cũng đáp lại bằng tình yêu thương ấy. Kết thúc một ngày làm việc, bằng nụ cười hồn nhiên, cái vẫy tay chào của trẻ... là điều rất tuyệt vời".
Theo thầy giáo trẻ, dạy các con, mình cần sự kiên nhẫn, sử dụng từ ngữ dễ hiểu, dễ thương, phải nhẹ nhàng và tự mình sắm vai như một người bạn của trẻ để hiểu trẻ hơn. Điều quan trọng nhất, là yêu trẻ bằng cả trái tim mình.
Chăm lo bữa sáng cho trẻ |
Nhiều người vẫn nghĩ, trẻ mầm non đến trường chỉ việc chơi, ăn và ngủ… nhưng thực tế đây là bậc học vô cùng quan trọng, làm nền tảng bước đầu cho những cấp học tiếp theo nên thầy Duy cũng như các giáo viên mầm non khác luôn chuẩn bị rất kĩ lưỡng kế hoạch giảng dạy của mình.
Một ngày mới bắt đầu, thầy Duy có mặt khoảng 6h30 và bắt đầu đón trẻ vào lớp. Thầy trò cùng tập thể dục, cho trẻ ăn bữa sáng và bắt đầu một ngày học tập, vui chơi cùng các con.
Dạy trẻ những bài học thú vị |
Với tiết học về phân biệt bạn nam, bạn nữ, nhận biết các kí hiệu khi đi vệ sinh… nắm bắt được tâm lý trẻ con thích hình ảnh, màu sắc, thầy đã dùng những hình ảnh, biểu tượng phù hợp để kích thích sự chú ý của trẻ. Thầy cũng rất chú trọng đến việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho các con; dạy trẻ giao tiếp.
Dành cho trò sự tận tụy |
Là “mì chính cánh” duy nhất của trường, thầy cũng rất tích cực tham gia công việc như làm MC, hát và thậm chí tham gia múa phụ họa.
“Thời gian đầu cũng có những khó khăn, ví dụ như tết tóc cho bé gái mình cần phải học các cô đồng nghiệp. Lúc mới vào, tôi được phân làm giáo viên dạy trẻ từ 24-36 tháng tuổi. Ngày đầu cũng có chút lo lắng vì không biết trẻ đón nhận thầy giáo như thế nào.
Khi mới vào lớp, thấy một số bé khóc nhiều, cũng lo lắng, rồi từ từ vỗ về, bế các con lên, các con nín… thấy rất vui. Mỗi ngày qua, cứ quen dần với công việc nên càng yêu mến các con và muốn gắn bó với nghề hơn", thầy cho hay.
Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động bổ ích |
Là giáo viên nam, nên ban đầu một số phụ huynh cũng lo lắng, không biết chăm sóc các cháu như thế nào?. Khi đó, nhà trường giải thích cho phụ huynh hiểu, yên tâm. Ví dụ như, thầy sẽ hỗ trợ các bé nam vệ sinh, thay đồ… các bạn nữ có cô giáo cùng phụ trách lớp hỗ trợ.
Dành cho trẻ sự yêu thương và được nhận lại những tình cảm trìu mến từ trẻ |
Chia sẻ về thầy giáo duy nhất của trường, cô Hồ Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 Thành phố cho biết: thầy Duy là một giáo viên trẻ rất năng nổ, nhiệt tình, tận tụy với công việc, được các con và phụ huynh rất quý trọng.
Ngoài ra, thầy cũng có nhiều tài lẻ như làm MC, hát rất hay, trong nhiều hoạt động thầy đóng vai rất phù hợp nên các con thích như chú công an, ông già Noel... Khi mới vào công tác, nhà trường cũng đã mạnh dạn phân lớp 24-36 tháng để thầy phụ trách và thầy làm rất tốt.