Để không còn những container đau lòng: Định hướng nghề nghiệp - Bao giờ và từ đâu?

GD&TĐ - Hướng nghiệp để HS biết mình ở đâu, cần gì và có thể làm gì trong tương lai càng trở nên quan trọng khi làn sóng ra nước ngoài lao động bằng mọi giá nở rộ thời gian gần đây. Vậy định hướng nghề nghiệp như thế nào là phù hợp, hiệu quả luôn là bài toán với các bậc phụ huynh và nhà trường.

Học nghề hay thi lên THPT, vào trường CĐ, ĐH là băn khoăn thường gặp của HS bậc THCS, THPT. Ảnh: IT.
Học nghề hay thi lên THPT, vào trường CĐ, ĐH là băn khoăn thường gặp của HS bậc THCS, THPT. Ảnh: IT.

Thay đổi tư duy

Cô Phạm Thị Thanh Huyền, Bí thư Đoàn Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) chia sẻ: Định hướng nghề có ý nghĩa rất quan trọng với học sinh, nhất là học sinh THPT vì đây là cấp học các em phải quyết định việc mình thi vào trường nào, làm nghề gì cho tương lai.

Theo cô Huyền, học sinh hiện nay có xu hướng lựa chọn khối ngành xã hội và kinh tế, khi ra trường các em dễ có cơ hội việc làm. Để hướng nghiệp hiệu quả, ngoài trang bị kiến thức, cơ hội tìm hiểu các ngành nghề do nhà trường tổ chức cần thêm sự hỗ trợ từ gia đình và những chính sách, định hướng từ các ban, ngành cấp trên.

Nhận định về công tác hướng nghiệp, cô Nguyễn Trang Nhung - Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái (Yên Bái) cho rằng: Công tác hướng nghiệp trong các trường miền núi, vùng khó còn nhiều bất cập khiến việc chọn nghề của HS kém hiệu quả, nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước thiếu chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa đạt về chất và lượng.

Cùng đó, một số cán bộ quản lý (CBQL), GV, phụ huynh HS chưa nhận thức đúng về công tác hướng nghiệp và việc chọn nghề của HS.

Xuất phát từ những bất cập và để nâng cao hiệu quả công tác định hướng nghề nghiệp, theo cô Nguyễn Trang Nhung, cần đổi mới nhận thức về công tác hướng nghiệp.

Cụ thể, hướng nghiệp ở trường THPT phải hướng đến nguyên tắc: Không có người bất tài, chỉ có những người không tìm ra đúng sở trường của mình. Hướng nghiệp là một quá trình thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước chứ không thể lựa chọn theo sở thích cá nhân hoặc không dựa trên những nhu cầu thực tế của xã hội.

Do đó, mỗi trường phải xác định được chỉ tiêu phân luồng HS sau tốt nghiệp THPT; Công tác hướng nghiệp phải được thực hiện đồng bộ qua dạy học các môn văn hóa, qua sinh hoạt hướng nghiệp và hoạt động ngoại khóa để giúp HS biết lựa chọn hướng học tập và nghề nghiệp tương lai một cách có ý thức, đặc biệt là hướng phân hóa, phân ban trong dạy học giúp HS tự hướng nghiệp cho bản thân trong quá trình học.

Mỗi năm học có một kế hoạch, mục tiêu hướng nghiệp khác nhau phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý HS và quá trình phát triển trong nhận thức về nghề của HS lớp 12.

Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả các bài học về hoạt động GD hướng nghiệp trong chương trình THPT thông qua tổ chức các bài học, trải nghiệm thực tế.

Ngoài ra, đội ngũ GV hướng nghiệp phải có kiến thức kỹ năng và biết kết hợp với Ban hướng nghiệp và cộng tác với một số bậc phụ huynh HS ở các ngành nghề khác nhau trong xã hội; Làm thật tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 12.

Theo thầy Phạm Xuân Thảo – Hiệu trưởng Trường THPT Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị): Định hướng nghề nghiệp tại trường diễn ra theo 2 hướng: Học nghề phổ thông với tỷ lệ 47% (trong đó có khoảng 12% chọn giải pháp đi lao động nước ngoài). Trên 5% còn lại HS học ĐH, CĐ. Số còn lại định hướng chọn nghề phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế xã hội địa phương.

Thầy Thảo chia sẻ: So với trước đây, công tác hướng nghiệp phải có sự thay đổi linh hoạt để phù hợp với thời cuộc. Thời điểm hiện tại, nhà trường xây dựng xong kế hoạch hướng nghiệp nhưng chưa tiến hành hướng nghiệp cụ thể. Sau kết thúc học kỳ I sẽ triển khai bài bản và chuyên sâu cho HS toàn trường và đặc biệt khối 12.

Việc định hướng nghề nghiệp được trường triển khai cả trong các buổi họp phụ huynh HS. Về phía BGH sẽ đảm trách công tác hướng nghiệp thông qua hình thức triển khai qua thăm dò lựa chọn nghề nghiệp và trao đổi trực tiếp với HS.

Thầy Đỗ Quang Tám – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Thắng, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cũng chỉ ra: Công tác hướng nghiệp hiện nay còn thiếu hụt từ phía gia đình. Mới chỉ một số ít gia đình quan tâm định hướng nhưng đôi khi chưa sát thực và định hướng muộn.

“Công tác hướng nghiệp nếu để đến lớp 12 mới tiến hành sẽ bị muộn. Cần định hướng sớm từ bậc THCS, đến lớp 9 HS đã có thể xác định được mình chọn nghề gì”, thầy Tám nhận định.

Tại Trường THPT số 1 Bảo Thắng có một bộ phận nghiên cứu chuyên sâu về hướng nghiệp. Từ đó trao đổi, kết hợp với phụ huynh HS cùng thực hiện hướng nghiệp.

Mặt khác, BGH nhà trường làm việc với các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nhân lực; đơn vị có năng lực hướng nghiệp để nắm bắt thông tin, triển khai định hướng nghề nghiệp cập nhật phù hợp nhất.

Đa dạng hình thức

Sự phát triển của công nghệ 4.0 cũng như đời sống xã hội khiến nhu cầu nhân lực của các ngành nghề có nhiều thay đổi. Cô Đặng Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thụy Hương (Hải Phòng) trao đổi: Nhiều năm quan sát và tìm hiểu xu hướng chọn ngành, nghề của học sinh, nhà trường dự kiến xếp lớp theo định hướng xét tuyển như các lớp khối A, B, D, A1.

Vì vậy trong thời gian nhận hồ sơ lớp 10, nhà trường phân công 4 giáo viên có kinh nghiệm trong việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp để trao đổi, trò chuyện với phụ huynh, học sinh trước khi đưa ra quyết định. Hằng năm, nhà trường cũng tổ chức các chương trình, kết nối với các tổ chức hướng nghiệp để tư vấn chi tiết hơn cho các em.

Để nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, năm học 2019 – 2020, nhà trường đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với tâm lý lứa tuổi và nhà trường; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ GD nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong GD nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

Tại Trường THPT Hoàng Cầu, hằng năm, ngoài việc giáo dục nội dung hướng nghiệp theo công văn chỉ đạo của Sở và Bộ trong phân phối chương trình, nhà trường còn tổ chức đa dạng, phong phú các chương trình, hoạt động hướng nghiệp, tư vấn nghề cho học sinh như tổ chức các chương trình kết hợp với trường ĐH, CĐ, trung tâm tư vấn tuyển sinh để giới thiệu ngành nghề cho các em, mời chuyên gia về hướng dẫn, trang bị kiến thức hướng nghiệp, tổ chức các tiết giáo dục hướng nghiệp....

Nói vậy để thấy, giáo dục định hướng nghề nghiệp cho HS có vai trò quan trọng nhằm giúp các em có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân. Thầy Đỗ Quang Tám cũng cho rằng: Định hướng nghề nghiệp phải sớm và bám sát thực tế.

Định hướng mà không có dẫn chứng cụ thể, phụ huynh HS, HS sẽ khó tin tưởng. Cần định hướng rõ với cha mẹ các em việc học để có bằng cấp không quan trọng. Quan trọng là HS học theo ngành nghề gì? Học xong làm ở đâu? Việc làm phải đúng sở trường mong muốn của HS…

"Trong trường THPT, học tập vẫn là hoạt động chủ đạo. Các em không có kinh nghiệm về hoạt động lao động, không được cung cấp thông tin đầy đủ về các ngành nghề khác nhau trong xã hội. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình GD hướng nghiệp cho HS của nhà trường và trong đó vai trò của gia đình không thể xem nhẹ"Thầy Nguyễn Xuân Thanh, giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ