Thu hút học sinh lên thư viện
Nhằm thu hút học sinh tới thư viện đọc sách, nhiều trường học ở TPHCM đã mua sắm thêm nhiều đầu sách và nhất là cải tạo lại không gian để các em có thể đọc sách một cách thoải mái. Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, hiện có hơn 80% thư viện trường tiểu học đạt chuẩn tiên tiến, hiện đại.
Điển hình trong đó là thư viện của Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) với kinh phí đầu tư khoảng 1,8 tỷ đồng, trở thành thư viện đạt chuẩn hiện đại đầu tiên của TPHCM với sáng kiến “tích hợp” phòng học tiếng Anh, phòng tư vấn tâm lý, khu vực trưng bày và hướng dẫn sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, khu vực sân khấu hóa vào trong hoạt động của thư viện nên học sinh vô cùng thích thú.
Ngoài đầu tư thư viện đạt chuẩn, từ năm học 2010 - 2011, Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TPHCM đã bắt đầu đưa tiết học Đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của trường. Theo chia sẻ của cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường, trước khi đưa tiết học Đọc sách vào thời khóa biểu của HS, nhà trường đã tăng cường đầu tư về CSVC, cụ thể như mở rộng thư viện với gần 300 m2, bổ sung hàng trăm đầu sách và nhất là chỗ ngồi đọc sách được trải thảm, bố trí thêm ghế sofa.. khiến các em không cảm thấy mỏi khi đọc sách, các em có thể “nằm, ngồi” đọc sách tùy ý. Ngoại trừ lớp 1, thì tất cả các lớp ở khối 2, 3, 4, 5, mỗi tuần các em đều có một tiết Đọc sách tầm 35 phút.
Sau mỗi tiết Đọc sách, các em có thể viết một bài thu hoạch hoặc nếu thích HS có thể vẽ tranh hay các tổ nhóm có thể đóng kịch thể hiện nội dung cuốn sách mà các em vừa đọc. Theo cô Nguyễn Thị Thu Anh, phụ trách thư viện Trường TH Nguyễn Văn Trỗi thì thư viện của trường tiểu học mà các HS cứ lui tới thường xuyên để đọc sách rồi các con trò chuyện với nhau về nội dung cuốn sách, về nhân vật này, nhân vật kia, làm ở thư viện nhiều năm, điều này làm tôi cảm thấy rất vui và trân trọng lắm.
Tương tự, nhằm thu hút, khuyến khích HS đọc sách, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) đã có sáng kiến mở rộng chủ đề sách thông qua hình thức kêu gọi học sinh cùng đóng góp, chia sẻ những quyển sách mình yêu thích với tên gọi Tủ sách lưu động.
Tủ sách được đặt ngay sảnh ra vào của trường, trong đó ngoài các đầu sách do nhà trường sưu tập, còn có những quyển sách do chính học sinh đóng góp theo sở thích của từng em, một em đọc xong có thể giới thiệu cho nhiều bạn bè khác cùng đọc.
Ngoài khơi gợi cho các em HS đam mê đọc sách, chia sẻ về những tri thức từ sách, tủ sách cũng là hoạt động hướng đến tinh thần tương thân tương ái cho HS.
Theo chia sẻ của lãnh đạo các nhà trường, sau khi cải thiện về cơ sở vật chất, tạo không gian thoáng cho thư viện, tăng lượng đầu sách, số HS lên thư viện đã tăng lên rất nhiều, có nhiều em lúc tan trường còn dành chút thời gian để tham khảo hoặc mượn sách về nhà.
Hiệu quả từ sân chơi “Lớn lên cùng sách”
Ngoài mô hình sáng tạo từ các trường, nhằm hướng đến sự trưởng thành của HS qua quá trình đọc sách, duy trì và phát triển bền vững thói quen đọc sách và kỹ năng đọc ở HS, đồng thời lan tỏa của niềm đam mê đọc sách và văn hóa đọc trong môi trường học đường, Sở GD&ĐT TPHCM đã lần đầu tiên tổ chức sân chơi “Lớn lên cùng sách” cho các em HS trung học.
Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của hàng ngàn HS tham gia từ cấp trường, cấp quận rồi lên cấp TP, từ đó chọn ra 184 thí sinh tiêu biểu vào vòng chung kết diễn ra vào cuối tuần vừa qua. Qua phần trình bày về cuốn sách mình tâm đắc, em Nguyễn Phương Anh HS lớp 6, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7) người đạt giải Nhất của cuộc thi đã kêu gọi các bạn HS nên đọc sách nhiều hơn, nhất là những sách về lối sống, gương sáng hoặc về tình yêu thương như Tôi tài giỏi bạn cũng thế, Cha là bóng cả đời con, Nhật ký Đặng Thùy Trâm....
Bởi theo em, chính những quyển sách này đã giúp em từ một người nhút nhát, luôn tự ti về bệnh đốm trắng trên mặt và cổ của mình trở thành một người tự tin, không mặc cảm và yêu cuộc sống hơn. Không những thế, em còn khuyên các bạn sau khi đọc xong mỗi quyển sách thì nên tóm tắt nội dung theo sơ đồ tư duy để nhớ lâu hơn.
Hay như em Nguyễn Đắc Đình (lớp 8A1, Trường THCS Kiến Thiết) bày tỏ lo lắng khi trường em có hơn 900 HS nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 1/4 HS tìm đến thư viện. Rồi trong 20 HS đến thư viện thì chỉ có một bạn tìm hiểu về sách Lịch sử. Vì thế, em đã suy nghĩ phải làm cách gì đó để nhiều bạn yêu thích đọc sách về lịch sử hơn vì đây cũng là môn học em rất yêu thích và cũng là môn em thường xuyên tìm tòi và thấy thú vị khi đọc về chúng.
Sau khi lên ý tưởng, em đã cùng với các bạn làm nên mô hình đố vui dưới dạng mô hình Thành Nhà Hồ bằng những vật dụng gần gũi với HS. Trong đó có những câu hỏi thú vị, kèm với câu trả lời không phải đáp án mà là đường dẫn đến những quyển sách về lịch sử để các bạn đọc. Ý tưởng này đã được áp dụng tại thư viện trường em với mong muốn nhiều bạn tò mò và tìm đến sách Lịch sử nhiều hơn.