Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, nhiều bạn trẻ dù xem đây là thế giới “ảo”, nhưng lại vẫn muốn tận hưởng những cái “like” và “comment” như là thế giới “thật” của mình… đang tạo ra những biến tướng lệch lạc, nảy nở và lan truyền như một loại virus trong môi trường học đường.
Điều không thể phủ nhận những tiện ích phổ biến trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, tầm ảnh hưởng của mạng xã hội ngày càng sâu rộng đối với đời sống con người, đặc biệt giới trẻ. Thế nhưng, đằng sau nó là những mặt trái tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Cũng bởi tính “mở” không giới hạn nên thời gian qua có không ít những fanpage (trang cộng đồng) được học sinh lập ra công khai để nói xấu, lăng mạ cha mẹ, thầy cô, bạn bè với những lời lẽ cay độc và thô tục đến mức nhiều người lớn sửng sốt. Những gương mặt trẻ măng, còn mặc nguyên tấm áo đồng phục, sẵn sàng ghi hình và phát trực tiếp trên Facebook cảnh hút thuốc lá hay chửi thề một cách bài bản…
Đó là chưa kể hàng trăm vụ lừa đảo từ nhỏ đến lớn, từ nhẹ đến nghiêm trọng vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên
Facebook, đang gióng lên hồi chuông để cảnh tỉnh mọi người về mặt trái, về mối nguy hiểm đến từ thế giới ảo. Hay đúng hơn là về sự thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng ứng xử của con người với mạng xã hội.
Chính vì thế, việc tăng cường giáo dục ứng xử để ngăn chặn biến tướng đang rất cần được sự quan tâm của cả cộng đồng, trong đó một trong những công việc đầu tiên cần bắt đầu chính là từ sự quan tâm của mỗi gia đình đối với con em mình.
Bên cạnh đó mỗi nhà trường cần tập trung định hướng, trang bị cho học sinh, sinh viên có được những kiến thức pháp lý cơ bản của việc sử dụng mạng xã hội, để các thông tin của mình không bị lợi dụng, cũng như không xâm phạm đến các mảnh đời khác, không vi phạm pháp luật hay gây phương hại đến uy tín và vật chất của cá nhân hay tổ chức khác…
Các ngành chức năng cần tăng cường công tác phối hợp trong quản lý thông tin trên Internet, bảo đảm an ninh mạng, trong đó cần phát huy hơn nữa lợi thế của mạng Internet, cung cấp, cập nhật thường xuyên các thông tin, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước ta trên các báo điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch; xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội…
Tăng cường quản lý, nắm chắc hơn nữa tình hình việc sử dụng, hoạt động trên Internet nói chung cũng như tham gia mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị và cá nhân nói riêng; kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý, ngăn chặn những hành vi phát tán các thông tin, hình ảnh… có nội dung tiêu cực, phản cảm, tạo sự “miễn dịch” cho mọi người trước các tác động của mặt trái, tiêu cực trên mạng xã hội.