Với xu hướng công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ phải đau đầu tìm cách để hạn chế cho trẻ tiếp xúc và nghiện xem tivi, điện thoại. Tuy nhiên việc làm thế nào để không làm trẻ hụt hẫng và thất vọng mà vẫn đảm bảo việc con sử dụng thiết bị điện tử đúng mục đích, đạt hiệu quả cao không phải là điều dễ dàng.
Cũng giống như rất nhiều phụ huynh đang loay hoay tìm giải pháp hợp tình hợp lý cho việc này, một bà mẹ có hai con nhỏ 6 tuổi và 8 tuổi đã quyết định “đăng đàn” hiến kế. Chủ trương của bà mẹ này không phải là bài xích hoàn toàn các thiết bị điện tử trong gia đình và cấm các con được tiếp cận chúng, thay vào đó chị dùng nó như là một đặc quyền, một phần thưởng dành cho con mỗi khi con làm tốt. Chị đã tạo cơ hội cho con được tự tìm kiếm cơ hội sử dụng tivi, điện thoại bằng chính khả năng của chúng.
Thay vì ngăn cấm trẻ dùng tivi, điện thoại, cha mẹ hãy cho con được thỏa mãn nhu cầu chính đáng đó theo cách khoa học và mang tinh thần trách nhiệm.
Chị tâm sự: “Thời thơ ấu của tôi phần lớn là những kỉ niệm tham gia các hoạt động bên ngoài như là đạp xe vòng vòng, chạy quanh công viên và chơi trò chơi với các bạn cùng xóm. Thời gian duy nhất tôi được xem tivi đó là sáng thứ 7 với bộ phim hoạt hình yêu thích. Vậy nên tôi cũng muốn các con mình được trải nghiệm cuộc sống năng động ở ngoài hơn là ngồi lì ở nhà với chiếc điện thoại trong tay. Nhưng biết làm sao được khi mà công nghệ phát triển quá nhanh, đi đến đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh một đứa trẻ “dán mắt” vào điện thoại hoặc máy tính bảng. Cậu con trai 8 tuổi của tôi thậm chí thích xây thế giới của mình bằng các viên gạch ảo trong trò chơi Minecraft hơn là xây lâu đài cát ngoài đời thực”.
Nói như thế không có nghĩa là bà mẹ này có ác cảm với các thiết bị điện tử, chị cho rằng bọn trẻ được lớn lên trong một thế giới công nghệ quả là điều tuyệt vời và khá thú vị. “Tôi không bao giờ muốn cấm các con sử dụng công nghệ khi ở nhà, nhưng tôi muốn hạn chế con tiếp xúc theo cách khoa học nhất và con sẽ được dùng công nghệ theo cách ứng dụng. Và đó chính là lí do vì sao tôi nảy ra ý tưởng các con phải trả phí dịch vụ mỗi khi muốn sử dụng điện thoại, máy tính bảng hay tivi. Để có thể trả phí, các con cần hoàn thành công việc vặt trong nhà, phù hợp với lứa tuổi của con để tự kiếm tiền và chi trả khi có nhu cầu”, chị cho biết thêm.
Bé có thể dùng tiền xu để "đổi" lấy thời gian xem chương trình tivi mà bé muốn thông qua các công việc vặt trong nhà.
Thay vì mù quáng đưa điện thoại cho con, quẳng cái điều khiến tivi mỗi khi con muốn xem thì bà mẹ này lại kích thích con tự tìm kiếm cơ hội. Chị giải thích, vì bọn trẻ hiện vẫn chỉ đang hướng đến nhu cầu dùng tivi, điện thoại chứ chưa quan tâm đến giá trị thực sự của đồng tiền mà chúng kiếm được nên chị mới áp dụng cách này. Thay vì trả tiền cho con vì con đã làm việc nhà thì tôi cho chúng tiền xu và quy định dùng số tiền đó để trả phí mỗi khi muốn sử dụng smartphone, ipad hoặc tivi.
Mỗi bé sẽ được mẹ đưa ra một danh sách các công việc phù hợp với lứa tuổi và chia thành ba loại:
- Loại công việc đáng giá một đồng xu (tương đương 15 phút xem) như là cho chó mèo ăn và uống nước.
- Công việc có giá trị hai xu (tương đương 30 phút xem) như là giúp mẹ chuẩn bị nấu cơm tối.
- Công việc đáng giá ba xu (tương đương 45 phút xem) ví dụ như tự giặt đồ.
Miễn là các bé hoàn thành xong bài tập về nhà và các các công việc đã nhận trách nhiệm thì bé được tự do sử dụng tiền xu để đổi lấy thời gian xem tivi, dùng điện thoại, cho dù đó là 15 phút hay 90 phút.
Thay vì trả tiền cho con vì con đã làm tốt việc nhà thì tôi cho chúng tiền xu và quy định dùng số tiền đó để trả phí mỗi khi muốn sử dụng smartphone, ipad hoặc tivi.
“Lúc đầu, các con tỏ rõ thái độ không vui khi phải trả tiền cho thời gian xem phim, hoạt hình hay là chơi game, nhưng sau đó các bé nhanh chóng nhận ra rằng nếu con thực sự muốn điều gì đó thì con sẽ phải làm việc và hành động để đạt được điều con muốn theo cách khoa học nhất. Điều này áp dụng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống, và tôi rất vui vì con học được bài học quan trọng này ngay từ khi còn nhỏ. Các bé sẽ học được cách sống có trách nhiệm với việc mình làm, cách quản lý đồng xu sao cho phù hợp và bé ngày càng tự tin hơn vào chính bản thân mình”.
Hãy để bé được tự chịu trách nhiệm với nhu cầu và sở thích của mình.
Đây quả thực là một cách hay dành cho các bậc cha mẹ khi con trẻ muốn xem tivi, điện thoại. Thay vì ngăn cấm, quát mắng hay đe dọa trẻ, tại sao chúng ta lại không cho con cơ hội được tự chịu trách nhiệm và tự tìm cách để thỏa mãn nhu cầu chính đáng đó. Điều quan trọng là trẻ phải hiểu được rằng công nghệ sinh ra là để phục vụ con người chứ không phải để con người chạy theo và mải mê với thế giới ảo mà quên mất nhiệm vụ thực của mình. Cha mẹ hãy giúp trẻ coi đó là một đặc quyền và phần thưởng ý nghĩa vì trẻ đã làm tốt việc của mình, vì con đã đặt tinh thần trách nhiệm và gia đình lên trên. Phần thưởng đó hoàn toàn xứng đáng cho con vì sự cố gắng, nỗ lực đó.