Để du lịch Quảng Bình xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn

GD&TĐ - Chiều 2/12, tại Quảng Bình đã diễn ra Hội thảo Xúc tiến đầu tư du lịch – Động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Xúc tiến đầu tư du lịch – Động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Xúc tiến đầu tư du lịch – Động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.

Hội thảo do Báo Công thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch Quảng Bình tổ chức. Tham dự hội nghị có ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế cùng hơn 400 đại biểu là các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hiệp hội du lịch trên cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được cập nhật các thông tin về chính sách thu hút đầu tư tỉnh Quảng Bình nói chung, thu hút đầu tư du lịch nói riêng; định hướng chiến lược phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình.

Các chuyên gia kinh tế cũng đã trao đổi, phân tích một số nội dung về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Quảng Bình, trong đó, chú trọng một số vấn đề về quy hoạch đầu tư hạ tầng du lịch Quảng Bình; vai trò thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách và định hướng, chính sách, cơ chế thu hút nhà đầu tư với phát triển du lịch…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng nhấn mạnh, Quảng Bình có lợi thế nổi bật, giàu tài nguyên để phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, là một trong những thiên đường nghỉ dưỡng biển, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi giao thoa và tiếp biến của nhiều nền văn hóa.

Với lợi thế cạnh tranh về tài nguyên và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tỉnh Quảng Bình xác định tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch của khu vực và quốc tế, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, có khoảng 20 dự án đầu tư từ nguồn xã hội hóa thuộc lĩnh vực du lịch được chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, thực hiện đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ, vui chơi giải trí góp phần phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn.

Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch tỉnh.

Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó du lịch Quảng Bình vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch còn ít, hạ tầng kỹ thuật chưa thực sự đồng bộ, cơ sở lưu trú cao cấp còn ít…

Trong khi đó, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và mang đặc trưng văn hóa sâu sắc, do đó để phát triển du lịch Quảng Bình tương xứng với tiềm năng, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần huy động sức mạnh tổng hợp từ các doanh nghiệp cũng như toàn thể xã hội với các chính sách kiến tạo của các cấp chính quyền.

Hội thảo “Quảng Bình: Xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch - động lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn” là cơ hội để tỉnh Quảng Bình được tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp để nghiên cứu trong việc định hướng, thu hút đầu tư để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thúc đẩy các hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác, quảng bá, phát triển du lịch Quảng Bình giữa Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Quảng Bình với các đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.