Tỉnh Quảng Bình sở hữu tiềm năng vô giá để phát triển du lịch, với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng, động Thiên Đường, động Phong Nha... Với những lợi thế sẵn có từ thiên nhiên ban tặng, Quảng Bình đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngành du lịch trên đà tăng trưởng
Sau thời gian “đóng băng” vì dịch bệnh, ngành du lịch Quảng Bình đã kịp thời triển khai các phương án “mở cửa” trong tình hình mới, đưa du lịch phục hồi nhanh chóng.
Thống kê cho thấy, tổng lượng khách du lịch đến với địa phương trong 8 tháng của năm 2022 ước đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng 128,6% so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước tính đạt gần 16.200 lượt, tăng 301,3%. Tổng thu từ khách du lịch từ đầu năm đến nay ước tính đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng số khách lưu trú ước đạt gần 850 nghìn lượt, tăng 259,4%. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước tính đạt 288,2 tỷ đồng, tăng 249,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, trong dịp Quốc khánh 2/9, tỉnh Quảng Bình đón khoảng 100.000 lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Đa số du khách lựa chọn khám phá cảnh quan thiên nhiên ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Lễ hội đua thuyền truyền thống của các địa phương.
Các điểm du lịch tập trung đông khách du lịch gồm: Động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, TP Đồng Hới... các khu vực diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Ba Đồn, các điểm tham quan du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và một số sản phẩm du lịch mạo hiểm tại Phong Nha - Kẻ Bàng.
Trong dịp lễ, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch được tổ chức an toàn, hiệu quả, thu hút được số lượng lớn nhân dân và khách du lịch. Đặc biệt là Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh và đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ; sông Kiến Giang; sông Gianh...
Qua thời gian dài ngưng trệ do dịch bệnh, lượng du khách đến với Quảng Bình ngày càng đông, đó là tín hiệu mừng cho thấy ngành du lịch đang trên đà “hồi sinh” và tăng trưởng mạnh mẽ.
Khu du lịch sông Chày – hang Tối (Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) luôn đông nghịt du khách mỗi mùa cao điểm. |
Tăng cường liên kết trong phát triển du lịch
Khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, Sở Du lịch Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Qua đó, ngành du lịch đã triển khai thí điểm một số sản phẩm du lịch mới, đồng thời duy trì sự kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, Sở Du lịch tiếp tục tăng cường triển khai việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch “Quảng Bình: Điểm đến an toàn – hấp dẫn – khác biệt” thông qua các sự kiện văn hóa, giải trí nổi bật. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác, giới thiệu hình ảnh “Miền di sản diệu kỳ”, các sản phẩm du lịch, chương trình kích cầu của 5 địa phương miền Trung đến khu vực Tây Nguyên và tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...
Địa phương cũng đã chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch khác biệt, như: Tổ chức chương trình bay dù lượn “Ngắm miền di sản” tại thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Công ty CP Xây dựng Coteccons triển khai Kế hoạch tổ chức thành công giải Coteccons Quảng Bình Marathon 2022 tại Cụm Trang trại điện gió B&T cánh đồng điện gió lớn nhất Việt Nam, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) với hơn 2.000 vận động viên trên khắp cả nước tham gia. Mặt khác, Sở Du lịch chỉ đạo các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, triển khai các chương trình kích cầu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch.
Cùng với việc phát triển các sản phẩm du lịch, việc quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch được triển khai. Sở Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với 4 địa phương: Quảng Trị – Thừa Thiên - Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam tham gia các sự kiện, thiết kế gian hàng hội chợ, lên phương án triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hội chợ ITE Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 và kết nối các doanh nghiệp du lịch tại sự kiện này.
Đầu tháng 8/2022, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức buổi làm việc về hợp tác, phát triển du lịch giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Đắk Lắk tại TP Buôn Ma Thuột. Đây được xem là bước khởi đầu trong việc tiếp tục tăng cường hợp tác, phát triển du lịch. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa 2 địa phương, cũng như các tỉnh trên con đường di sản miền Trung (Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên - Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam) và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 2 địa phương sẽ khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tạo không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, thu hút được các nguồn lực xã hội, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch và nhân dân các địa phương để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch.
“Trước tình trạng thiếu nguồn nhân lực trong mùa cao điểm, với lượng khách tăng đột biến, Sở Du lịch đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần cải thiện về chế độ đãi ngộ để thu hút lao động bằng cách tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ nhằm nâng cao chất lượng lao động.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng “cháy phòng” thời điểm khách đông, UBND tỉnh cần kiên quyết chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành các cơ sở lưu trú cao cấp nhằm bổ sung thêm số lượng phòng nghỉ chất lượng cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần xúc tiến mở thêm các đường bay mới, tăng số chuyến bay với những đường bay có sẵn để kích cầu du lịch”. - Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình