Để đất đai thành nguồn lực quan trọng...

GD&TĐ - Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tập trung vào những vấn đề như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hệ thống pháp luật về đất đai của nước ta tương đối đồng bộ, góp phần phát huy vai trò nguồn lực đất đai - động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai như quản lý Nhà nước còn một số bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hệ thống pháp luật còn một số bất cập, thiếu chặt chẽ, chưa theo kịp diễn biến thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Bởi vậy, tại cuộc làm việc với các cơ quan về chuẩn bị dự án Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai phải vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, phát huy tối đa nguồn lực đặc biệt quan trọng này phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực nói chung, nguồn lực đất đai nói riêng, trong đó, Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật, có tầm quan trọng đặc biệt.

Do đó, việc sửa đổi phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai.

Trong quá trình thực hiện phải tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp, các chuyên gia. Các nội dung đề xuất sửa đổi phải trên cơ sở tổng kết khách quan, toàn diện việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013.

Đặc biệt, việc sửa đổi luật phải “thật chín”, vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề đặc thù, ngắn hạn, mang tính chất tình thế...

Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tập trung vào những vấn đề như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai...

Những vấn đề này sẽ góp phần quan trọng để phân bổ, sử dụng hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước.

Tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, giảm khiếu nại, tố cáo; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Thực tế hiện nay, yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 với tầm nhìn dài hạn là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai, đồng thời tạo nền tảng dài hạn để đất đai thực sự trở thành nguồn nội lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ