Dễ bị đào thải nếu không chịu được áp lực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong lĩnh vực CNTT nếu nguồn nhân lực không chịu được áp lực lớn, cường độ làm việc cao và liên tục đổi mới sẽ dễ bị đào thải...

Sự đào thải của ngành CNTT vừa là thách thức vừa là cơ hội cho những ai muốn gắn bó.
Sự đào thải của ngành CNTT vừa là thách thức vừa là cơ hội cho những ai muốn gắn bó.

Nhiều sinh viên ngành công nghệ thông tin (CNTT) sau khi tốt nghiệp ra trường, có năng lực tốt hoặc kinh nghiệm có thể nhận được mức thu nhập khởi điểm khá cao so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này nếu nguồn nhân lực không chịu được áp lực lớn, cường độ làm việc cao và liên tục đổi mới sẽ dễ bị đào thải.

Mức lương “mơ ước”

Sau khi tốt nghiệp ngành CNTT của Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Trần Đình Tùng (SN 1999, quê Ninh Bình) hiện đang nhận mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. So với những lĩnh vực khác, đây là mức lương mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường.

Là kỹ sư công nghệ của Công ty Cổ phần DataLock, để đạt được mức thu nhập mong muốn này, anh Tùng đã đam mê với môn Tin học từ khi còn là học sinh lớp 10. Ngay từ khi năm thứ nhất đại học, anh đã thực tập ngay tại các công ty về lĩnh vực CNTT. Với những kinh nghiệm được tích luỹ, bước ra khỏi cánh cổng trường đại học, anh Tùng “ẵm” cho mình công việc đúng sở trường. Song, để có chừng ấy thu nhập khi chỉ mới ra trường, anh cũng phải đối mặt với một số khó khăn thách thức nhất định.

“Lúc học thì đa phần là lý thuyết bao quát và được trải nghiệm một phần thực hành. Đến lúc ra trường đi làm thì mình sẽ phải chọn và đi sâu vào một mảng nhất định”, anh Tùng chia sẻ. Để theo đuổi được nghề này, anh Tùng cho rằng, rất cần tính kiên nhẫn, cần mẫn trong công việc.

Vừa tốt nghiệp Trường Đại học FPT hơn 1 năm, anh Lê Đình Phương (SN 1998, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đã có mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Anh Phương cũng “thú nhận”, ngoài việc làm tại công ty anh còn có thể nhận các công việc khác bên ngoài cùng chuyên ngành để nâng thu nhập.

Tuy nhiên, anh Phương cho rằng, nếu các bạn trẻ chỉ nhìn vào thu nhập mà chọn ngành nghề này là sai. Bởi, đầu vào của ngành yêu cầu rất khắt khe, cũng cùng nghề nhưng có người chỉ có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, nhưng có người thu nhập lại lên đến vài chục triệu đồng/tháng.

Ngay cả trong bối cảnh nhiều ngành nghề chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, song lĩnh vực CNTT vẫn “bất chấp” dịch, gia tăng nhu cầu tuyển dụng.

Theo ông Trần Minh Đức, Giám đốc khối nhân sự Công ty TNHH Groovy, nhu cầu nhân lực ngành CNTT vẫn tiếp tục tăng. Có thể nói, đây là lĩnh vực ít chịu tác động của dịch Covid-19 trong những năm vừa qua. Dù dịch căng thẳng, song các dự án phần mềm, dịch vụ CNTT vẫn hoạt động bình thường. Các doanh nghiệp vẫn “sống khỏe” và có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí như lập trình viên, kỹ sư phần mềm, kiểm thử phần mềm. Nhiều doanh nghiệp vẫn có tuyển dụng lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT…

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Mở ra nhiều cơ hội

Theo ý kiến của nhiều lao động trong ngành CNTT, khó khăn lớn nhất trong nghề là việc phải liên tục cập nhật trình độ, kiến thức. Hoặc nhận việc lẻ bên ngoài, thì thời gian làm việc thường trái ngược với người bình thường. Có thể họ sẽ nhận việc vào ban đêm còn ban ngày chỉ để ngủ, cũng có thể họ sẽ tăng ca, cả ngày chỉ ngồi trước màn hình máy tính.

Tuấn Kiệt, 30 tuổi, hiện là trưởng phòng CNTT của một công ty quản lý dữ liệu nhìn nhận, sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, điện toán đám mây, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường… cùng với xu hướng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, xã hội số… đã tác động rất mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống.

Điều này cho thấy tiềm năng của ngành IT trong tương lai và đòi hỏi các nhân sự phải liên tục học hỏi, trau dồi như khả năng thích ứng nhanh, các kỹ năng mềm về giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy logic và phân tích, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, kỹ năng ngoại ngữ… Nếu làm được, đó sẽ là cơ hội để bản thân phát triển và thăng tiến trong công việc.

Ông Bảo Hùng, chuyên gia trong lĩnh vực CNTT nhìn nhận, những nhân sự có khả năng tự cập nhật kiến thức và kỹ năng, sẵn sàng thích nghi với những thay đổi, có tư duy đổi mới sẽ luôn tìm thấy cơ hội phát triển. Mỗi lần cập nhật kỹ năng hoặc học hỏi công nghệ mới, không chỉ tránh được nguy cơ bị đào thải, mà còn tự nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân. Đặc biệt, với việc liên tục học hỏi và thích nghi, sẽ mở rộng được cơ hội nghề nghiệp của mình, có thể tiếp cận với các vị trí công việc cao cấp hơn và thú vị hơn.

“Nếu có thể vượt qua những thách thức của ngành IT đặt ra thì cơ hội để phát triển trong tương lai sẽ không thiếu. Những yêu cầu mà ngành đặt ra sẽ là thách thức nhưng đồng thời cũng là động lực để mình có thể cố gắng, thay đổi liên tục và hoàn thiện bản thân”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Trương Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty TNHH Mediastep chia sẻ, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ là xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp. Điều này tạo thách thức lớn cho những doanh nghiệp cung ứng phần mềm, dịch vụ khi phải luôn cố gắng nâng cấp, cải tiến sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

“Nếu không chấp nhận nâng cao, đổi mới sản phẩm thì chúng tôi sẽ bị lạc hậu, mất đi vị thế trên thị trường. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực của chúng tôi phải thực sự giỏi, sáng tạo, luôn phải học tập và tiếp thu sự thay đổi. Chúng tôi chấp nhận trả lương cao cho những người làm tốt và đương nhiên sẽ sa thải những người không đáp ứng yêu cầu, điều này vừa để phát triển, cũng là sự sống còn của doanh nghiệp”, ông Nam cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ