Giờ học Lịch sử sống động cho học sinh tại bảo tàng

GD&TĐ - Những không gian trưng bày chuyên sâu tại các bảo tàng giúp môn Lịch sử trở nên sống động, gần gũi với học sinh.

Học sinh, sinh viên ngày càng hứng thú với lịch sử nhờ các bảo tàng. Ảnh: Hương Phú
Học sinh, sinh viên ngày càng hứng thú với lịch sử nhờ các bảo tàng. Ảnh: Hương Phú

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, phương pháp dạy và học môn Lịch sử đang dần thoát ly khỏi lối mòn "đọc - chép" truyền thống. Thay vào đó, việc học tập thông qua trải nghiệm thực tế ngày càng được chú trọng.

Bảo tàng, với vai trò là một thiết chế văn hóa lưu giữ ký ức của cả một dân tộc, trở thành một "lớp học" đặc biệt, nơi mỗi hiện vật là một câu chuyện, một bằng chứng xác thực cho những gì sách vở đã ghi lại.

Lịch sử không chỉ ở những trang giấy

Đối với nhiều học sinh, những chuyến đi thực tế đến bảo tàng giúp thay đổi hoàn toàn định kiến về môn Lịch sử.

Em Nguyễn Lan Anh, học sinh lớp 10 tại TPHCM, chia sẻ, trước đây luôn cảm thấy môn Lịch sử rất xa vời. Những sự kiện về thời Hùng Vương, văn hóa Đông Sơn chỉ là vài dòng gạch đầu dòng trong sách.

r.jpg
Các em học sinh quan sát hiện vật lịch sử được trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: ITN

“Nhưng khi bước vào không gian nơi lưu trữ và trưng bày các hiện vật gốm sứ, lịch sử và văn hóa của nghề gốm, em đã thực sự choáng ngợp. Em có thể thấy rõ màu đất nung, những đường nét hoa văn tinh xảo và hình dung ra cách người xưa đã dùng nó để đồ xôi, chuẩn bị cho những lễ hội trọng đại”, Lan Anh chia sẻ.

Theo Lan Anh, khi được tiếp xúc trực tiếp với hiện vật thay vì phải tưởng tượng, học sinh sẽ dễ quan sát, được lắng nghe thuyết minh và trực tiếp đặt câu hỏi. Từ đó giúp những kiến thức trừu tượng thành những trải nghiệm cá nhân sâu sắc và khó quên.

dsc-0406.jpg
Những cổ vật gốm thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên được trưng bày tại Bảo tàng Gốm Thời Dựng Nước. Ảnh: Hương Phú

“Bỗng nhiên, em thấy môn Lịch sử không còn là những con chữ vô hồn nữa, mà là câu chuyện về cuộc sống của ông bà, tổ tiên mình. Em nhận ra rằng mỗi món đồ gốm từ thời Phùng Nguyên, Gò Mun... đều là một mảnh ghép kể lại hành trình hàng ngàn năm của dân tộc. Trải nghiệm đó khiến em yêu và trân trọng lịch sử hơn rất nhiều”, Lan Anh bộc bạch.

Cầu nối giữa quá khứ và tương lai

Nhìn nhận về vai trò của bảo tàng trong giáo dục, ông Phạm Gia Chi Bảo - Giám đốc Bảo tàng Gốm Thời Dựng Nước, khẳng định, Bảo tàng Gốm Thời Dựng Nước mong muốn trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy niềm tự hào về nền văn hóa cổ đại Việt Nam.

Theo ông Bảo, Bảo tàng Gốm Thời Dựng Nước là một thiết chế văn hóa độc đáo, hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm cổ Việt Nam. Hiện nay, bảo tàng trưng bày thường xuyên và chuyên đề với hơn 400 hiện vật, bao gồm 1 Bảo vật Quốc gia cùng các bộ sưu tập độc bản.

“Trong thời gian tới, bảo tàng sẽ chủ động xây dựng các chương trình trải nghiệm chuyên biệt cho học sinh, sinh viên và hợp tác với các trường đại học, bảo tàng trong và ngoài nước để biến bảo tàng thành một phần mở rộng của chương trình giáo dục”, ông Bảo cho hay.

pn.jpg
Một trong những cổ vật gốm hiếm hoi còn khá nguyên vẹn được trưng bày tại Bảo tàng Gốm Thời Dựng Nước. Ảnh: Hương Phú

Đồng quan điểm, cô Cao Thị Huế, một giáo viên Lịch sử - Trường THCS Bình Trị Đông A, khẳng định, bảo tàng là nguồn tài nguyên vô giá. Trên bục giảng, giáo viên có thể mô tả về kỹ thuật làm gốm hay đời sống vật chất của người Việt cổ, nhưng không gì hiệu quả bằng việc học sinh được tận mắt thấy hiện vật. Một chuyến đi đến bảo tàng có thể mang lại hiệu quả bằng nhiều tiết học lý thuyết.

“Khi giảng về văn hóa Đông Sơn, tôi có thể cho các em xem hình ảnh Chõ gốm, nhưng khi các em đứng trước Bảo vật Quốc gia ấy, cảm nhận được sự cổ kính và giá trị của nó, bài học sẽ đi vào tiềm thức một cách tự nhiên. Những chuyến đi như vậy không chỉ củng cố kiến thức mà còn rèn luyện cho học sinh kỹ năng quan sát, phân tích và khơi gợi niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu”, cô Huế nhận định.

Bảo tàng Gốm Thời Dựng Nước (phường An Phú, TPHCM) là nơi bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm cổ Việt Nam với hơn 400 hiện vật, từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun) đến văn hóa Sa Huỳnh và các thời kỳ tự chủ. Đặc biệt, bảo tàng sở hữu Chõ gốm văn hóa Đông Sơn là một Bảo vật Quốc gia. Đây là chiếc chõ gốm độc bản, được làm từ đất nung ở nhiệt độ 800-900 độ C.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ