Săn đón nhân lực chất lượng cao
Trong thời gian qua, thế giới trải qua làn sóng cắt giảm nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) khi nhiều “ông lớn” như Meta, Amazon hay Apple cho nghỉ việc hàng chục nghìn nhân sự. Theo các chuyên gia, sau khoảng thời gian bùng nổ CNTT với thương mại điện tử và chuyển đổi số, thị trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang dần bước vào giai đoạn tinh lọc khi các công ty công nghệ giảm bớt nhân sự và chỉ tuyển dụng những kỹ sư có năng lực chuyên môn cao.
Theo số liệu thống kê dựa trên báo cáo về thị trường IT Việt Nam của TopDev (nền tảng tuyển dụng chuyên IT tại Việt Nam) nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tại Việt Nam tăng cao liên tục. Dự báo từ năm 2022 - 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 - 195.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm.
Đáng chú ý, hiện nay chỉ có 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, số còn lại phải đào tạo lại. Dù được săn đón với mức lương hấp dẫn, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực CNTT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển của ngành. Sự thiếu hụt này xuất phát từ chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Ông Hoàng Trung Đoàn - Giám đốc công nghệ AppMeta cho rằng, thị trường hiện nay không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, đặc biệt nhân sự trong ngành này cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19, do khả năng làm việc trực tuyến cao hơn. Vấn đề là nhân sự chất lượng cao.
Theo ông Đoàn, sự phát triển của ngành CNTT cũng như sự biến động của thị trường luôn đòi hỏi người làm công nghệ phải học hỏi liên tục, phát triển các kỹ năng toàn diện cũng như khả năng thích ứng nhanh với mọi biến đổi. Đặc biệt, nhân sự công nghệ chất lượng cao là đối tượng săn đón của tất cả các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.
Ảnh minh họa ITN. |
Cải thiện khả năng giao tiếp, phản biện
Anh Trần Đức Minh, kỹ sư ngành CNTT tại Công ty Groovy chia sẻ, đến khoảng 40 tuổi, nếu không “bắt kịp” công nghệ mới, nhân lực ngành này có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị ép nghỉ hoặc đẩy sang công việc lương thấp, hoặc nhàm chán…
Những trường hợp bị mất việc có thể sẽ phải gặp khó khăn trong xin việc, hoặc phải chấp nhận làm hợp đồng với mức lương thấp. “Hiện tại, ngành CNTT chủ yếu là gia công nên khả năng nhân lực đã có tuổi trong ngành gặp phải những tình huống đó khá cao”, anh Minh nhìn nhận.
Hiện, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu về dịch vụ gia công phần mềm của các nước. Điều đó sẽ khiến doanh nghiệp ngành CNTT trong nước phụ thuộc nhiều vào dự án nước ngoài. Khi hết dự án hay khách hàng chuyển hướng sang nước khác, nguồn việc cạn, dẫn tới cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô.
Bà Trần Thu Hương - Giám đốc nhân sự một công ty công nghệ tại Hà Nội cho rằng, nếu không tận dụng cơ hội học hỏi để tạo ra sản phẩm cho riêng mình thì người Việt sẽ mãi làm gia công cho người khác.
“Dẫn chứng như Ấn Độ đã nâng cấp từ làm gia công sang vị trí tư vấn thiết kế, chuyển dịch gia công phần mềm về Đông Nam Á. Làm gia công chẳng khác gì làm thợ, chỉ biết đến công đoạn của mình, thậm chí không biết làm cho ai, tổng thể là gì”, bà Hương nhìn nhận.
Theo bà Hương, muốn nâng cao trình độ chuyên môn, ngoài nghiên cứu công nghệ, người lao động còn cần đào sâu kiến thức từng ngành. Chẳng hạn, nếu làm ứng dụng cho ngân hàng sẽ khác với bệnh viện. Nhân sự CNTT phải là bác sĩ trong hệ thống CNTT của tổ chức, chứ không chỉ làm kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng.
Nhiều ý kiến đồng tình đây là thời điểm thị trường lao động sàng lọc và trở về giá trị thực, doanh nghiệp nên tận dụng giai đoạn này để đào tạo đội ngũ, cập nhật kiến thức cho người lao động.
Ông Trần Bách Tùng, chuyên gia máy tính tại Công ty Phát triển phần mềm Drectox cho rằng, cần nâng cao khả năng ứng biến và thích nghi, nhất là những nhân sự rơi vào danh sách cắt giảm. Trong tương lai gần, nhân sự ngành CNTT tại Việt Nam sẽ không còn lợi thế so với các nước khác. Do đó, để tăng năng lực cạnh tranh, việc rèn luyện, cải thiện kỹ năng mềm là điều cần được chú trọng.