Để bài học lịch sử gần gũi, sống động

GD&TĐ -  Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Sự kiện này đã trở thành nguồn cảm hứng để nhiều giáo viên đổi mới, sáng tạo trong dạy học; từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào và tự tôn dân tộc cho học sinh.

Để bài học lịch sử gần gũi, sống động

Đổi mới phương pháp dạy học

Là giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), thầy Lê Văn Linh luôn nhận thức sâu sắc về việc đổi mới phương pháp dạy học, nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức quan trọng về sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đây là sự kiện có mối quan hệ với nhiều hoạt động cách mạng trước và sau trong dòng chảy lịch sử nước nhà; liên quan đến tình hình trong nước và thế giới lúc bấy giờ.

Thầy Linh nhấn mạnh, Cách mạng tháng Tám còn thể hiện quan điểm, đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đó còn là chủ trương khởi nghĩa từng phần để tiến tới tổng khởi nghĩa trong cả nước. Cùng với đó là sự chuẩn bị lực lượng chính trị, quân sự, vấn đề chớp thời cơ cách mạng, tổ chức lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa… tất cả đã tạo nên thành công của cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử dân tộc – Cách mạng tháng Tám năm 1945.

“Với tính chất, ý nghĩa như trên, giáo viên chúng tôi càng chú tâm dạy thật tốt, để bài học về Cách mạng tháng Tám trở nên sống động, gần gũi với học trò. Muốn vậy, giáo viên phải đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu, thảo luận kỹ nội dung cần truyền đạt; đồng thời, vận dụng phương pháp dạy học tích cực một cách nhuần nhuyễn, hợp lý”, thầy Linh trao đổi.

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, thầy Linh chia sẻ, muốn giảng dạy tốt sự kiện trên, giáo viên cần biết sử dụng phương pháp dạy học tích cực phù hợp vào bài học. Chẳng hạn, với nội dung xây dựng lực lượng chính trị, quân sự và căn cứ địa cách mạng, giáo viên có thể áp dụng phương pháp giải quyết vấn đề. Với nhóm nội dung thời cơ cách mạng, diễn biến chính cuộc Tổng khởi nghĩa, giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm tại lớp…

“Trong quá trình giảng dạy, tôi thường áp dụng phương pháp chia nhóm, giao nhiệm vụ; đồng thời vận dụng một số kỹ thuật như: Đặt câu hỏi, khăn trải bàn, phòng tranh, hỏi chuyên gia và kỹ thuật trình bày một phút… để dạy học sinh về sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945” – thầy Linh bật mí, đồng thời cho hay: Thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy, việc dạy – học của thầy – trò trở nên nhẹ nhàng và luôn tươi mới. Quan trọng hơn, những kiến thức tưởng chừng khô khan sẽ trở nên sinh động, hấp dẫn, từ đó học sinh dễ thẩm thấu kiến thức bài học.

Bồi dưỡng tình cảm yêu nước, ý thức dân tộc, tinh thần nhân văn, nhân ái cho học sinh qua các bài học về lịch sử. Ảnh minh hoạ: Internet

Bồi dưỡng tình cảm yêu nước, ý thức dân tộc, tinh thần nhân văn, nhân ái cho học sinh qua các bài học về lịch sử. Ảnh minh hoạ: Internet

Phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Mười - giáo viên Lịch sử, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) nhìn nhận, Cách mạng tháng Tám năm 1945 luôn là nguồn cảm hứng để giáo viên thực hiện ý tưởng đổi mới sáng tạo trong dạy học.

“Tái hiện và hiểu biết tri thức qua ghi chép là chưa đủ, chúng tôi không chỉ mô tả diễn biến của các sự kiện lịch sử, mà còn chú trọng phương pháp logic, liên kết các mốc sự kiện quan trọng, giúp học sinh hiểu được bản chất, quy luật vận động khách quan dẫn đến ý nghĩa thành công của cuộc cách mạng vĩ đại này” - cô Mười chia sẻ, đồng thời cho hay: Trong quá trình giảng dạy, cô thường sử dụng linh hoạt phương pháp tổng hợp, so sánh, thống kê, phân tích... Qua đó, học sinh hiểu thêm về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị, từ đó tự hào và tin tưởng vào đường lối dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo kinh nghiệm của cô Mười, giáo viên không thiên về giảng giải hay thuyết trình độc lập mà hướng đến đối thoại với trò. Theo đó, học sinh có thể tự đặt câu hỏi và cùng nhau thảo luận. “Chúng tôi giúp các em mở rộng, vận dụng kiến thức về sự kiện trong quá khứ để liên hệ, vận dụng giải thích cho hiện tại.

Việc hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu về Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc dạy học tại các di tích lịch sử liên quan đến sự kiện này như: Quảng trường Ba Đình, Bắc Bộ Phủ… cũng là những phương pháp dạy học tích cực, mang lại giá trị và hiệu quả cao”, cô Mười chia sẻ.

Để đạt được mục đích, yêu cầu của bài học và giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng, phẩm chất, năng lực cần thiết, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khoá XIV - cho rằng, ngoài việc đọc nhiều tài liệu lịch sử thì đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu bắt buộc với giáo viên Lịch sử.

Với sự kiện lớn, quan trọng như cuộc Cách mạng tháng Tám, giáo viên càng cần áp dụng các phương pháp dạy học mới. Theo đó, giáo viên có thể “thoát ly” lớp học truyền thống và tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động học tập phù hợp. Chẳng hạn như tổ chức giáo dục về nguồn, mời các chuyên gia, nhân chứng lịch sử về nói chuyện, trao đổi…. qua đó giúp học sinh hiểu được sự kiện lịch sử và dễ nhớ, nhớ lâu kiến thức.

Trên phương diện chung, GS.TS Phạm Hồng Tung - Chủ biên Chương trình môn Lịch sử khẳng định: Cùng với các môn học khác, môn Lịch sử sẽ giúp học sinh phát triển các năng lực tự chủ, tự học, giao tiếp hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Ngoài ra, do đặc thù của bộ môn này nên khi giảng dạy, giáo viên cần tập trung vào một số nhóm năng lực như: Tìm hiểu lịch sử. Tức là giúp học sinh biết cách tìm kiếm, thu thập, vận dụng tài liệu để tìm hiểu về sự kiện, nhân vật và quá trình lịch sử.

Tiếp đó là tái hiện và phân tích lịch sử. Tức là biết trình bày lịch sử cho có đầu có đuôi, sao cho trung thực và khách quan. Sau đó, học sinh biết cách phân biệt đúng sai, tìm tòi nguyên nhân, đánh giá ý nghĩa, tác động và biết được đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa, đâu là thiện - ác. Cuối cùng, vận dụng tri thức và bài học lịch sử vào cuộc sống. Ở đây không chỉ là vận dụng bài học kinh nghiệm mà hiểu biết lịch sử tạo nền tảng cho học sinh đi vào những nghề nghiệp cụ thể như du lịch, bảo tồn văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa…

“Qua đó, góp phần bồi dưỡng tình cảm yêu nước, ý thức dân tộc, tinh thần nhân văn, nhân ái. Cụ thể ở đây là thái độ và lòng biết ơn với cha ông, hiểu rõ trách nhiệm của bản thân với đất nước, xã hội; biết tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hóa, dân tộc và tôn giáo...” - GS.TS Phạm Hồng Tung nhấn mạnh.

Theo thầy Lê Văn Linh, giáo viên có thể vận dụng phương pháp đóng vai, hướng dẫn học sinh phản biện một số luận điểm phản động và lý giải tại sao Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định Tổng khởi nghĩa… Bên cạnh đó, thầy cô có thể tổ chức, hướng dẫn học sinh thực hiện phương pháp học tập theo dự án như tìm hiểu quá trình chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ