Thổi sức sống vào những bài học lịch sử

Thổi sức sống vào những bài học lịch sử

Đổi mới từ những việc nhỏ

30 năm đứng trên bục giảng, cô Mười là một trong những GV giỏi của ngành Giáo dục Thủ đô. Cô luôn xác định: Đổi mới, sáng tạo trong dạy học là yêu cầu cần thiết, là hoạt động thường xuyên giúp cô hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Cô bắt đầu những việc làm nhỏ như một biện pháp giúp HS vui vẻ, phấn chấn trước khi vào lớp học; hoặc một động thái kích thích trí tưởng tượng, tư duy logic của HS… Điều đó sẽ giúp cho các em có hứng thú học tập, có tinh thần tự giác tiếp thu kiến thức một cách chủ động tích cực.

Xác định, Lịch sử là môn mà nhiều HS ngại học, thậm chí là sợ, vì vậy trong quá trình giảng dạy, cô thường lồng ghép các trò chơi như đố vui, giải ô chữ, giải bí mật các bức tranh… để nêu nội dung của bài học. Điều đó không chỉ tạo ra sự tò mò, hứng thú từ phía HS, mà còn lôi cuốn các em vào việc khám phá bài học.

Trong quá trình dạy học, cô thường hướng dẫn HS quan sát và đặt ra các câu hỏi phát vấn. Qua đó, gợi trí tưởng tượng và tư duy cho HS, giúp các em có điều kiện phát triển các kỹ năng, năng lực học tập và nắm chắc hơn kiến thức lịch sử. Cô luôn tạo điều kiện cho HS được hoạt động nhóm để trao đổi, thảo luận và đánh giá các sự kiện. Điều này khiến giờ học lịch sử không còn khô cứng, nhàm chán mà trở nên sôi nổi và có hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cô Mười còn tổ chức cho HS đóng vai các nhân vật lịch sử trong bài học. Phương pháp này, giúp các em tìm hiểu kỹ hơn về các nhân vật lịch sử và hóa thân vào đó. Cô giao bài tập cho HS bằng cách: Yêu cầu các em tìm hiểu về một nhân vật hoặc một sự kiện lịch sử liên quan đến bài học bằng hình ảnh và bài thuyết trình trước lớp. HS dùng các công nghệ hiện đại và tài liệu, hình ảnh tại thực địa như quay phim, chụp ảnh, viết bài, rồi đứng lên trình bày trước lớp. Sau đó, cô cùng cả lớp nhận xét đánh giá và cho điểm để động viên, khuyến khích các em phát triển năng lực và tư duy sáng tạo của mình…

Cô Mười còn biến một giờ học lịch sử thành một giờ sinh hoạt chuyên đề. Trong đó, HS được sáng tạo, trình bày những hiểu biết của mình về nội dung bài học bằng nhiều cách và theo năng khiếu: Em thì trình bày qua bài thuyết trình, em lại vẽ tranh hay video clip... Từ đó, HS không chỉ nhận biết mà còn thông hiểu và biết vận dụng các kiến thức lịch sử vào cuộc sống. “Thông qua đó, tôi giáo dục các em có thái độ, tình cảm đúng đắn đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử. Từ đó, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, niềm tự hào và tự tôn dân tộc”, cô Mười cho biết.

Phát huy truyền thống tốt đẹp

Thổi sức sống vào những bài học lịch sử ảnh 1
ThS Lê Thị Mười - một nhà giáo tâm huyết, sáng tạo của ngành Giáo dục Thủ đô. Ảnh: NVCC

Kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), cô Mười hướng dẫn HS tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Để bài học đạt kết quả cao, cô chia thành các nhóm học tập, giao bài cho HS tìm hiểu nội dung và trình bày trước lớp. HS tìm hiểu các nội dung được phân công, rồi thảo luận theo nhóm.

Sau khi hoàn thành, các nhóm sẽ cử đại diện thuyết trình trước lớp. Sau khi các em thuyết trình xong, cô giáo nhận xét, nhấn mạnh, khắc sâu các kiến thức cơ bản và kể cho HS nghe một số câu chuyện liên quan đến các nhân vật và sự kiện lịch sử.

Sau đó, cô giao bài tập, yêu cầu HS khối 11 và 12 sưu tầm các câu chuyện, hình ảnh và phim tư liệu lịch sử chân thực về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thông qua các tài liệu tham khảo mà cô giới thiệu; Hẹn các em đến đúng ngày 30/4 sẽ thu bài để chấm điểm. Bài nào chất lượng sẽ được trình bày trước lớp. “Biện pháp giáo dục này, khiến bài học không còn nặng nề, khô cứng bởi những số liệu và mốc thời gian. Thông qua đó, tôi vừa tuyên truyền về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, vừa giúp HS tìm hiểu, nghiên cứu sự kiện lịch sử đó”, cô Mười cho hay.

Cô Mười cho biết, qua bài tập này, HS sẽ thấy tự hào về truyền thống anh hùng và sự sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Từ đó, giáo dục các em lòng biết ơn về sự hy sinh của những người đi trước trong công cuộc đấu tranh, gìn giữ nền độc lập, tự do. Quan trọng hơn, các em sẽ có ý thức trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.  

“Trong quá trình giảng bài, tôi luôn tự tạo và sử dụng các đồ dùng trực quan như hình ảnh, phim truyện, video, lược đồ, bản đồ, biểu đồ… của các nhân vật và sự kiện lịch sử trong từng bài học. Cùng với đó, tôi sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu… để tăng hiệu quả trong quá trình giảng dạy”. Cô Lê Thị Mười

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.