Để học và làm tốt bài thi môn Lịch sử

Để học và làm tốt bài thi môn Lịch sử

(GD&TĐ)-Chỉ còn khoảng 50 ngày nữa các sỉ tử bước vào kì thi tốt nghiệp THPT, trong đó có môn thi Lịch sử. Lịch Sử là môn học bắt buộc phải nhớ và biết cách làm bài. Vậy làm thế nào để nắm chắc kiến thức và làm bài thi đạt kết quả cao? PGS,TS Đặng Thanh Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các thí sinh:

->>Hướng dẫn ôn tập môn Địa lý: Chuyên đề Địa lý tự nhiên

->>Cách ôn tập, làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Toán hiệu quả 

->> Một số kinh nghiệm ôn tập môn Lịch sử hiệu quả

Với môn Lịch sử, trước hết thí sinh phải nắm được kiến thức cơ bản. Không thuộc các sự kiện lịch sử thì không thể làm bài được. Chương trình Lịch Sử lớp 12 tuy đã giảm tải nhưng vẫn còn nhiều. Để thuộc cần phải học nhiều, học có suy nghĩ và hiểu nội dung chứ không phải học vẹt. Học vẹt không bao giờ thuộc và không thể làm bài tốt được.

Cách học nên đi từ khái quát đến chi tiết. Chẳng hạn phải nắm được chương trình Lịch Sử lớp 12 gồm những phần nào? bài nào?  Mỗi phần, bài có những nội dung quan trọng nào? Dần dần đi vào chi tiết các sự kiện. Tất nhiên bài làm phong phú, súc tích thì kết quả sẽ cao. Qua những kì thi tốt nghiệp và ĐH gần đây, nhiều thí sinh làm bài rất sơ sài, do đó điểm thi thường rất thấp.

Để thuộc bài còn phải kết hợp nhiều phương pháp học tập khác nhau như làm đề cương, thảo luận tập thể, ghi chép nhiều lần, kiểm tra kiến thức thông qua học nhóm, học tổ. Việc ôn tập phải được tiến hành thường xuyên, lặp đi lặp lại, “văn ôn, võ luyện” là thế. Kiến thức Lịch Sử nếu không thường xuyên nhắc đi nhắc lại thì sẽ quên ngay, trở lại số không.

Khi làm bài cần đọc kĩ đề bài. Đề thi tốt nghiệp tuy không khó nhưng có phân hóa. Do đó khi nhận đề thi cần xem qua. Câu nào dễ làm trước, khó làm sau, trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo tam quốc. Hình thức bài làm cũng rất quan trọng. Chữ viết phải sạch sẽ, ít sai lỗi chính tả. Bài làm tránh viết lan man, dài dòng,  viết theo cảm hứng. Lịch Sử là môn khoa học, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối cả số liệu và nhận định. Sở dĩ điểm Sử trong các kì thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ thấp là vì thế.
   
Những kiến thức cơ bản ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử

Để làm tốt môn thi Lịch sử cần phải học đều các bài lịch sử Thế giới và Việt Nam chương trình lớp 12, tuy nhiên cần tập trung vào những nội dung sau đây( trên cơ sở giảm tải của Bộ và kinh nghiệm giảng dạy lâu năm của tôi)

Phần Lịch sử thế giới:

Bài Sự hình thành trật tự thế giới mới. Kiến thức cơ ban là Hội nghị Yanta và Liên Hợp Quốc.

Bài Liên Xô, Đông Âu, Liên bang Nga. Kiến thức cơ bản là Liên Xô từ 1945 đến nửa đầu những năm 70, Liên bang Nga từ 1991-2000.

Bài Các nước Đông Bắc Á. Nên chú trọng Trung Quốc từ 1945-1959, 1978-2000.

Bài các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, cần chú trọng cuộc đấu tranh giành độc lập, Lào và Campuchia, Hiệp hội các nước Đông Nam Á, chính sách kinh tế hướng nội và hướng ngoại của nhóm 5 nước sáng lập ASEAN, Ấn Độ đấu tranh giành độc lập từ 1945-1950.

Bài Châu Phi và Mĩ Latinh, nên chú trọng khái quát cuộc đấu tranh giành độc lập châu Phi và Mĩ la tinh.

Bài Nước Mĩ nên chú trọng giai đoạn 1945-1973, 1991- 2000, tình hình kinh tế, chính sách đối ngoại.

Bài Tây Âu, nêu tình hình kinh tế, chính sách đối ngoại các thời kì, Liên minh châu Âu.

Bài Nhật Bản, nêu những cải cách sau chiến tranh, sự “thần kì” kinh tế những năm 60, chính sách đối ngoại qua các thời kì.

Bài Quan hệ quốc tế, nắm được mâu thuẫn Đông Tây và khởi đầu chiến tranh lạnh 1945-1955, xu thế hòa hoãn từ đầu những năm 70 và chấm dứt chiến tranh lạnh, thế giới sau chiến tranh lạnh.

Bài Cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, cần nắm được nguồn gốc, đặc điểm, tác động của cách mạng KHCN, biểu hiện và vai trò của toàn cầu hóa.

Phần Lịch Sử Việt Nam từ 1919-2000

Bài phong trào dân tộc dân chủ 1919-1925 cần nắm được hoạt động của tư sản, tiểu tư sản và Nguyễn Ái Quốc

Bài Phong trào dân tộc dân chủ 1925-1930, chú trọng Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Việt Nam Quốc dân đảng và khởi nghĩa Yên Bái, sự ra đời các tổ chức cộng sản, Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ý nghĩa sự thành lập Đảng.

Bài Phong trào cách mạng 1930-1935, cần chú trọng diễn biến, kết quả, ý nghĩa phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh, Luận cương Chính trị tháng 10.1930.

Bài Phong trào dân chủ 1936-1939, nắm được hoàn cảnh, mục tiêu nhiệm vụ, hình thức đấu tranh, diễn biến, kết quả ý nghĩa phong trào dân chủ.

Bài Phong trào giải phóng dân tộc1939-1945, cần nắm được tình hình Việt Nam trong chiến tranh, chủ trương chuyển hướng qua các Hội nghị TƯ, công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa, cao trào kháng Nhật và Tổng khởi nghĩa, sự thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử.

Bài Việt Nam từ 2.9.45 đến 19.12.46 cần nắm được tình hình Việt Nam sau cách mạng tháng 8, công cuộc xây dựng nền móng chế độ mới, sách lược đối phó với Trung Hoa quốc dân Đảng, thực dân Pháp và tay sai.

Bài Những năm đầu cuộc kháng chiến toàn quốc 1946-1950, cần làm rõ nguyên nhân, đường lối kháng chiến,chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch Biên giới.

Bài Bước phát triển của kháng chiến1951-1953, chú trọng Đại hội lần 2 của Đảng.

Bài Kháng chiến thắng lợi 1953-1954, nắm được cuộc Tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, nội dung,ý nghĩa Hiệp định Gio-ne-vơ, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bài Cách mạng hai miền 1954-1965, nên chú trọng tình hình và nhiệm vụ cách mạng hai miền sau 1954, cải cách ruộng đất, Đại hội Đảng lần thứ 3 và kế hoạch 5 năm 1961-1965 ở miền Bắc, phong trào Đồng khởi ở miền Nam, âm mưu thủ đoạn của “ Chiến tranh đặc biệt” và thắng lợi của miền Nam 1961-1965.

Bài Cả nước kháng chiến chống Mĩ 1965-1973, cần nắm âm mưu thủ đoạn
của “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”, thắng lợi của miền Nam đập tan 2 chiến lược chiến tranh của Mĩ, âm mưu thủ đoạn bắn phá miền Bắc của Mĩ, miền Bắc đập tan 2 cuộc chiến tranh phá hoại của Mĩ đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không”, nội dung ý nghĩa Hiệp định Pa ri.

Bài Kháng chiến thắng lợi 1973-1975, cần nắm nội dung chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam của Đảng, diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Bài Việt Nam năm đầu sau ngày 30.4.1975, chú trọng hoàn thành thống nhất về mặt Nhà nước.

Bài Mười năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1976-1986, lược giản

Bài Trên đường Đổi mới 1986-2000, cần nắm hoàn cảnh, nội dung Đổi mới, thành tựu, hạn chế kế hoạch 5 năm1986-1990.

Bài tổng kết lịch sử thế giới 1945-2000 và lịch sử Việt Nam 1919-2000 chỉ cần nắm các ý chính: nội dung, các giai đoạn, nguyên nhân bài học kinh nghiệm.

(Còn nữa)

PGS,TS Đặng Thanh Toán,

Đại học Sư phạm Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ