Biến những bài học lịch sử thành những câu chuyện sinh động, dễ hiểu và nhớ lâu

GD&TĐ - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy - học môn Lịch sử để hấp dẫn học sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – đoàn Vĩnh Long
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – đoàn Vĩnh Long

Chú trọng dạy kỹ năng cho học sinh

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – đoàn Vĩnh Long cho hay, cử tri cả nước và đại biểu quan tâm môn Lịch sử ở cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với nhiều ý kiến phân tích và nhìn nhận từ nhiều góc độ đã khẳng định tầm quan trọng của môn học Lịch sử.

“Lịch sử là quá khứ, là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, kho tàng tri thức tinh hoa văn hóa nhân loại, là những bài học kinh nghiệm phong phú, là sự thật khách quan về cuộc sống trong suốt quá trình tồn tại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển. Có lịch sử mới có tương lai” - đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

Theo đại biểu đoàn Vĩnh Long, học lịch sử sẽ giúp học sinh hiểu biết về nguồn cội để biết ơn tổ tiên, hiểu về đức tính chịu thương, chịu khó, tinh thần đoàn kết, anh dũng, sáng tạo và thông minh của biết bao thế hệ trong đấu tranh bảo vệ non sông, bờ cõi để trân trọng giá trị cuộc sống và nuôi dưỡng niềm tin, giúp học sinh có kiến thức về tinh hoa của văn hóa nhân loại để học hỏi, giao lưu và hội nhập.

Nhấn mạnh, ngành Giáo dục, đào tạo đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho hay: Đã có nhiều mô hình và cách dạy Lịch sử rất hay, sinh động. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Đại biểu đề nghị, Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy - học Lịch sử sao cho hấp dẫn học sinh. Chú trọng hơn việc dạy học sinh kỹ năng tìm hiểu, phân tích các thông tin về lịch sử thay cho phương pháp học vẫn còn nặng về thuộc, nhớ kiến thức.

Thầy, cô dẫn dắt học sinh tìm đến môn học Lịch sử bằng sự chủ động, biến những bài học lịch sử thành những câu chuyện sinh động, dễ nhớ và nhớ lâu. Khơi gợi và hình thành ở các em sự yêu thích đối với môn học Lịch sử.

Bên cạnh đó, để hình thành ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, hình thành thế giới quan và nhân sinh quan đối với học sinh không chỉ có ở môn học Lịch sử trong nhà trường, mà còn có trong mọi sinh hoạt từ gia đình đến xã hội, từ mọi nguồn thông tin. Ở đó, học sinh tiếp cận hằng ngày, từ các hoạt động mà các em được tham gia, được trải nghiệm từ cộng đồng.

Đại biểu Dương Văn Phước – đoàn Quảng Nam
Đại biểu Dương Văn Phước – đoàn Quảng Nam

Không thu vé tham quan các di tích lịch sử với học sinh

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh viện dẫn, thực tế hiện nay học sinh chưa có nhiều điều kiện để học lịch sử từ cuộc sống, thông tin các em tiếp cận hàng ngày cũng chưa có nhiều thông tin về lịch sử.

Bên cạnh đó, học sinh nói riêng và giới trẻ hiện nay nói chung có quan điểm, cách nhìn, cách nghĩ về cuộc sống có nhiều thay đổi. Các em tìm sự chia sẻ, đồng cảm, giao tiếp và học hỏi qua môi trường mạng với nguồn thông tin vô tận và khó kiểm soát.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh mong muốn, giáo dục về lịch sử nói riêng, giáo dục nói chung phải còn là trách nhiệm của toàn xã hội và của mỗi gia đình, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Theo đại biểu Dương Văn Phước – đoàn Quảng Nam, chúng ta đang nói nhiều đến vấn đề giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông. Nhưng nếu chúng ta tạo điều kiện thuận lợi, không thu vé tham quan các di tích lịch sử với học sinh, để các em không phải trả phí khi chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, thì còn giá trị hơn rất nhiều. Đó cũng là cách để các thế hệ học sinh phổ thông yêu thích môn Lịch sử, để các em nắm và hiểu sâu hơn lịch sử của dân tộc mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ