ĐỀ ÁN
THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CHÍNH QUY
I. MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH
1. Mục đích
- Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Học viện Âm nhạc Huế theo sự phê duyệt, chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường khối Văn hóa - Nghệ thuật trong công tác tuyển sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường khối Văn hóa - Nghệ thuật chủ động trong công tác tuyển sinh vào học ngành năng khiếu;
- Thông qua việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh độc lập, với hai sự thay đổi lớn, một là thời gian tổ chức tuyển sinh không trùng với các đợt tuyển sinh ba chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạo điều kiện cho thí sinh có thể tham gia thi và xét tuyển ở những ngành khác khối Âm nhạc; hai là, thí sinh được miễn thi môn Ngữ văn (thay thế bằng kết quả học tập môn Ngữ văn và điểm tốt nghiệp Ngữ văn của bậc trung học phổ thông) sẽ giúp cho Học viện, thí sinh và phụ huynh giảm bớt được thời gian, công sức, chi phí...;
- Việc tuyển sinh độc lập sẽ giúp Học viện tăng thêm nguồn tuyển sinh và nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Âm nhạc Huế.
2. Nguyên tắc
Việc tổ chức thi tuyển sinh riêng phải bảo đảm các nguyên tắc nhất quán sau:
- Trong năm 2014, Học viện Âm nhạc Huế tiếp tục thực hiện kết hợp thi tuyển riêng các môn năng khiếu và xét tuyển môn Ngữ văn đối với tất cả các ngành hiện đang tuyển sinh và đào tạo: Âm nhạc học, Sáng tác âm nhạc, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ Phương Tây, Biểu diễn nhạc cụ Truyền thống, Sư phạm Âm nhạc.
- Việc lựa chọn môn thi và môn xét tuyển phải đảm bảo tuyển chọn được thí sinh có năng lực phù hợp với ngành đào tạo.
- Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh dự thi, không phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
- Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giảng viên của Học viện Âm nhạc Huế tổ chức luyện thi, ôn tập và các hình thức tiêu cực biến tướng khác trong Học viện.
- Học viện Âm nhạc Huế thực hiện nghiêm túc việc công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội được biết.
- Phương án được xây dựng trên cơ sở năng lực thực tế của nhà trường, phù hợp với các điều kiện về nguồn lực con người, vật chất và thời gian của trường.
II. PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH
1. Phương thức tuyển sinh
a. Học viện Âm nhạc Huế kết hợp tổ chức thi tuyển các môn Năng khiếu và xét tuyển môn Ngữ văn
* Xét tuyển Môn Ngữ văn được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và điểm tổng kết 3 năm học Trung học phổ thông của thí sinh. Trên cơ sở đó, Giám đốc Học viện quyết định chọn hình thức tính điểm cho môn Ngữ văn như sau:
- Thí sinh nộp học bạ của các lớp 10, 11, và 12, và Giấy Chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho Học viện Âm nhạc Huế (nộp bản công chứng, chậm nhất vào ngày đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh) để Ban thư ký làm căn cứ tính điểm môn Ngữ văn;
- Lấy điểm trung bình cộng 4 điểm thi môn Ngữ văn của thí sinh (gồm: điểm tổng kết môn Ngữ văn trong 3 năm học trung học phổ thông và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn) làm điểm môn Ngữ văn cho thí sinh. Điểm Ngữ văn có hệ số 1.
* Đối với các môn thi năng khiếu, Giám đốc Học viện quyết định chọn các môn thi sau để tổ chức thi tuyển sinh:
- Môn thi chung cho tất cả các ngành: Ký xướng âm (Ghi âm và Xướng âm);
- Các môn thi năng khiếu cho từng ngành:
+ Các ngành: Âm nhạc học, Sáng tác Âm nhạc và chuyên ngành Chỉ huy Âm nhạc: Hòa âm, Piano, Chuyên ngành;
+ Các ngành: Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ Phương Tây, Biểu diễn nhạc cụ Truyền thống: Chuyên ngành;
+ Ngành Sư phạm Âm nhạc: Năng khiếu (Đàn và Hát);
- Điểm năng khiếu có hệ số 2.
* Điều kiện để xét trúng tuyển
- Điểm môn Ngữ văn đạt từ 5.0 điểm trở lên;
- Thí sinh không có môn thi nào bị điểm 0;
- Chỉ xét tuyển những thí sinh nộp đăng ký xét tuyển vào Học viện với hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và đúng quy định;
- Nguyên tắc xét tuyển chung: lấy thí sinh có kết quả thi từ cao trở xuống cho đủ chỉ tiêu đã xác định (trong đó điểm môn Ngữ văn đạt từ 5.0 điểm trở lên).
* Xét tuyển thẳng
- Học viện Âm nhạc Huế chỉ xét tuyển thẳng vào bậc Đại học 4 năm trong trường hợp thí sinh đoạt giải (cá nhân) trong các kỳ thi âm nhạc chuyên nghiệp cấp quốc gia, quốc tế (Bằng chứng nhận hoặc giấy chứng nhận) đúng chuyên ngành dự thi tại Học viện và thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính đến thời điểm dự tuyển.
- Điểm môn Ngữ văn đạt từ 5.0 điểm trở lên;
- Hội đồng tuyển sinh có thể kiểm tra bổ sung (tùy theo đối tượng).
b. Lịch thi tuyển sinh
- Thời gian: từ ngày 12 đến 15 tháng 7 năm 2014.
- Địa điểm: Học viện Âm nhạc Huế, Số 01 Lê Lợi, Thành phố Huế.
c. Phương thức đăng kí của thí sinh
Hồ sơ thí sinh cần nộp:
1. Một bìa đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2 (theo mẫu của Bộ GD&ĐT). Mặt sau bìa đựng hồ sơ và 2 phiếu dự thi có in những hướng dẫn cần thiết cho việc đăng ký dự thi. Bìa hồ sơ có dán ảnh, đóng dấu giáp lai vào ảnh, ký tên, đóng dấu và xác nhận của Ban Giám hiệu Trường (nếu là HSSV đang học), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị (nếu là cán bộ, nhân viên, công an, quân nhân đang công tác) hoặc Công an Phường, Xã địa phương (nếu là thí sinh tự do).
2. Ba ảnh cỡ 3x4 (ảnh chụp không quá 6 tháng), sau ảnh ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh.
3. Bản sao học bạ cấp III hoặc giấy chứng nhận điểm môn văn lớp 10, 11, 12 và bảng điểm tốt nghiệp; Văn bằng tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT, hoặc bằng Trung cấp chuyên nghiệp, Trung học nghề, Cao đẳng âm nhạc. Nếu thí sinh đang học lớp 12 sẽ nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời khi nhận phiếu giấy báo dự thi (tất cả các loại giấy tờ trên đều phải công chứng).
4. Bản sao (có công chứng) giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên (nếu có).
* Đối với trường hợp xét tuyển thẳng thí sinh cần nộp:
- Hồ sơ ĐKDT (theo mẫu của Bộ GD&ĐT);
- Ba ảnh cỡ 3x4 (ảnh chụp không quá 6 tháng), sau ảnh ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh.
- Bản sao (có công chứng) học bạ cấp III hoặc giấy chứng nhận điểm môn văn lớp 10, 11, 12 và bảng điểm tốt nghiệp (để xét tuyển môn Ngữ văn);
- Bản sao (có công chứng) giấy chứng nhận hoặc bằng khen của thí sinh đoạt giải (cá nhân) trong các kỳ thi âm nhạc chuyên nghiệp cấp quốc gia, quốc tế liên quan đến ngành xét tuyển.
* Thí sinh nộp Hồ sơ ĐKDT trực tiếp hoặc chuyển phát nhanh gửi về Phòng Đào tạo, Học viện Âm nhạc Huế - số 01 Lê Lợi, TP. Huế.
d. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh
Chính sách ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng được quy định trong Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng do Bộ GD-ĐT ban hành; thí sinh thuộc diện ưu tiên được cộng điểm ưu tiên theo mức điểm được hưởng vào tổng điểm chung để xét tuyển.
e. Lệ phí tuyển sinh
- Lệ phí đăng ký dự thi | = 60.000đ |
- Xét tuyển môn Văn | = 30.000đ |
- Môn năng khiếu | = 300.000đ |
- Phụ thu | = 30.000đ |
Cộng: | = 420.000đ/ thí sinh/ hồ sơ |
* Riêng các chuyên ngành Sáng tác âm nhạc, Âm nhạc học và Chỉ huy âm nhạc:
- Lệ phí đăng ký dự thi | = 60.000đ |
- Xét tuyển môn Văn | = 30.000đ |
- Môn năng khiếu | = 300.000đ |
- Phụ thu | = 50.000đ |
Cộng: | = 440.000đ/ thí sinh/ hồ sơ |
2. Phân tích ưu, nhược điểm của phương án tuyển sinh
a. Sự phù hợp của phương thức tuyển sinh với đặc thù các ngành đào tạo của trường và với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành
- Việc tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển như đề xuất trong phương án cho phép lựa chọn được các sinh viên có đủ điều kiện về kiến thức văn hóa (thông qua mức sàn tối thiểu về kết quả học tập ở phổ thông) và có năng khiếu (thông qua thi tuyển các môn năng khiếu) phù hợp với các chuyên ngành đặc thù của trường.
- Ưu điểm của phương án: Đáp ứng nguồn nhân lực và các ngành nghề mà xã hội đang cần; Phù hợp với đặc thù các ngành đào tạo của trường và với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; Định hướng được việc lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh THPT; Đảm bảo chất lượng và năng khiếu theo yêu cầu của ngành.
b. Các yếu tố đảm bảo chất lượng, sự công bằng của phương thức tuyển sinh đề xuất
- Tổ chức thi: Học viện đã thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm các công việc: ra thông báo tuyển sinh, tổng hợp hồ sơ, gửi giấy báo dự thi, tổ chức thi tuyển, tổng hợp điểm thi, xây dựng điểm chuẩn, gửi giấy báo nhập học, giấy báo điểm, báo cáo lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và Bộ Giáo dục và Đào tạo...
- Chấm thi: Do đặc thù của tuyển sinh năng khiếu, Học viện đã thực hiện nghiêm túc công việc chấm thi theo 2 hình thức sau:
+ Chấm thi các môn viết: (thí sinh làm bài thi trên giấy, như các môn: ghi âm, hòa âm, luận phân tích, phổ thơ, phát triển chủ đề…) đều do 2 cán bộ chấm thi độc lập.
+ Chấm thi trực tiếp: hội đồng hoặc tổ chấm thi cho điểm trực tiếp để đánh giá thí sinh sau khi nghe thí sinh thể hiện khả năng chuyên môn của mình qua các môn thi xướng âm, biểu diễn nhạc cụ, hát …
- Công tác xét điểm trúng tuyển: Dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh đã được giao, căn cứ điểm thi của thí sinh và một số điều kiện khác như: đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập, nhu cầu của xã hội, Hội đồng tuyển sinh của Học viện đã xác định điểm trúng tuyển phù hợp với từng ngành đào tạo. Học viện cũng đã thực hiện việc báo cáo kết quả tuyển sinh và điểm chuẩn tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo đúng theo quy định. Điểm thi tuyển sinh cũng đã được Học viện công bố kịp thời trên trang web của Học viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác để thí sinh, phụ huynh và những người quan tâm được biết.
c. Thuận lợi, khó khăn của nhà trường, học sinh khi trường triển khai phương án tuyển sinh
- Những thuận lợi và nguyên nhân: Các kỳ thi tuyển sinh của Học viện Âm nhạc Huế đều đã được tổ chức nghiêm túc, công khai, minh bạch, không để xảy ra sai sót nào gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà trường, chưa có dư luận phản ánh về tiêu cực trong tuyển sinh. Nguyên nhân: Lãnh đạo Học viện đã chỉ đạo, quán triệt tinh thần làm việc nghiêm túc, theo đúng quy chế, tổ chức tập huấn tuyển sinh một cách bài bản; các phòng chức năng liên quan đều làm tốt nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện; đại đa số cán bộ giảng viên tham gia công tác tuyển sinh đều nhận thức được trách nhiệm của mình để thực hiện tốt các công việc được phân công. Ngoài ra, Học viện còn nhận được sự hỗ trợ của công an và chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi.
- Những khó khăn và nguyên nhân:
+ Số lượng thí sinh dự thi chưa nhiều nên không có điều kiện để lựa chọn thí sinh giỏi; tốn kém về kinh phí, tiền thu lệ phí không đủ chi trả cho các hoạt động trong kỳ thi tuyển sinh. Thời gian tuyển sinh bị kéo dài do Học viện phải tổ chức nhiều môn thi (đào tạo nhiều chuyên ngành) và một số môn thi năng khiếu phải chấm thi trực tiếp lần lượt từng thí sinh.
+ Việc kết hợp vừa thi tuyển vừa xét tuyển cần nhiều thời gian, công đoạn trong thu nhận và xử lý hồ sơ
3. Điều kiện thực hiện phương án tuyển sinh
a. Điều kiện về con người
Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện Âm nhạc Huế có 245 người, phần lớn có thâm niên công tác, giảng dạy, đảm bảo thực hiện tốt các công việc được phân công trong công tác tuyển sinh.
b. Cơ sở vật chất
Trường có đủ điều kiện vật chất về phòng học, các phòng đa chức năng, phương tiện nghe, nhìn, đảm bảo công tác tuyển sinh hằng năm.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Nội dung công việc cần thực hiện trong quy trình tổ chức thi - tuyển sinh tương ứng với phương thức tuyển sinh lựa chọn
a. Kế hoạch thực hiện
Học viện Âm nhạc Huế xây dựng kế hoạch cho các công việc chính trong công tác tuyển sinh hằng năm như sau:
- Tháng 2: Thành lập Hội đồng tuyển sinh; ra thông báo tuyển sinh gửi đến các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý đào tạo trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đăng tải trên trang web của Học viện;
- Tháng 3, 4: Tổ chức thu nhận, tổng hợp hồ sơ đăng kí dự thi;
- Tháng 5: Gửi giấy báo dự thi cho thí sinh;
- Tháng 6: Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và nhân sự để phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh;
- Tháng 7: Tổ chức tuyển sinh; Tổng hợp kết quả; Xây dựng điểm chuẩn; Báo cáo kết quả kỳ thi tuyển sinh lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh lên trang web của Học viện và các phương tiện thông tin đại chúng;
- Tháng 8: Gửi giấy báo nhập học tới thí sinh trúng tuyển;
- Tháng 9: Tiếp nhận sinh viên mới.
b. Phân công trách nhiệm
Học viện Âm nhạc Huế phân công trách nhiệm (thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo) trong kỳ thi tuyển sinh như sau:
- Giám đốc Học viện (giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh): Chỉ đạo chung, thực hiện các nhiệm vụ theo quy chế tuyển sinh;
- Phòng Tổ chức cán bộ: Huy động nhân sự tham gia tuyển sinh;
- Phòng Đào tạo: Thực hiện công tác thư ký của kỳ thi tuyển sinh; Viết báo cáo về công tác tuyển sinh;
- Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục: Làm đầu mối để tổ chức ra đề thi tuyển sinh các môn năng khiếu theo đúng quy trình;
- Ban Thanh tra tuyển sinh: Tổ chức thanh tra, giám sát kỳ thi tuyển sinh; Tiếp nhận các đơn thư khiếu nại về kỳ thi và chuyển các đơn thư này tới Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh để giải đáp thỏa đáng (nếu có);
- Văn phòng: Chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, công tác y tế và vệ sinh môi trường cho kỳ thi tuyển sinh;
- Phòng Kế hoạch - Tài chính: Thu lệ phí, thực hiện các công việc tài chính trong kỳ thi tuyển sinh.
2. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện công tác tuyển sinh
- Thành lập Ban Thanh tra Tuyển sinh của Học viện Âm nhạc Huế. Ban Thanh tra tuyển sinh có nhiệm vụ tổ chức hoạt động thanh tra, giám sát kỳ thi tuyển sinh, tiếp nhận các đơn thư khiếu nại về kỳ thi và chuyển các đơn thư này tới Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh để giải đáp thỏa đáng (nếu có).
- Các hoạt động của Ban Thanh tra tuyển sinh thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan,...
Thành lập Ban Thanh tra Tuyển sinh, Ban Phúc khảo để thực hiện thanh tra, chấm phúc khảo, tiếp nhận và giải quyết các đơn thư khiếu nại theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành khi có khiếu kiện xảy ra.
4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trước, trong và sau khi kết thúc tuyển sinh theo quy định.
Học viện Âm nhạc Huế thực hiện đầy đủ và kịp thời các thông tin và báo cáo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Thông báo trên Website của trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án tuyển sinh, thông tin tuyển sinh của trường bao gồm: tên trường, ký hiệu trường, địa chỉ liên hệ, trình độ đào tạo, ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, khối thi, môn thi, thời gian thi, vùng tuyển và các thông tin khác liên quan khác.
- Kết thúc kỳ thi tuyển sinh năm 2014, Học viện tiến hành tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Sự phối hợp và hỗ trợ của các ban, ngành địa phương trong các khâu của công tác tuyển sinh
Học viện Âm nhạc Huế phối hợp chặt chẽ với Phòng PA83 - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an khu vực để đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tuyển sinh.
IV. LỘ TRÌNH CAM KẾT CỦA TRƯỜNG
1. Lộ trình
Từ năm 2014 trở đi, Học viện Âm nhạc Huế thực hiện kết hợp thi tuyển riêng các môn năng khiếu và xét tuyển môn Ngữ văn đối với tất cả các ngành hiện đang tuyển sinh và đào tạo: Âm nhạc học, Sáng tác âm nhạc, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ Phương Tây, Biểu diễn nhạc cụ Truyền thống, Sư phạm Âm nhạc.
2. Cam kết
- Tổ chức tuyển sinh theo quy định của Quy chế và dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Thực hiện nghiêm túc, an toàn, đúng quy định trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển, đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan và chống mọi hiện tượng tiêu cực.
- Công bố rộng rãi, công khai các thông tin về hoạt động tuyển sinh của Nhà Trường để xã hội, phụ huynh và thí sinh theo dõi.
- Xử lí nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật các hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm Quy chế tuyển sinh.
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời. Kết thúc kỳ tuyển sinh năm 2014, Học viện Âm nhạc Huế tiến hành tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Download toàn văn đề án tại đây >>>