(GD&TĐ) - Đang bước vào mùa vụ thu hoạch lúa Hè - Thu (HT) sớm. Trúng mùa nhưng bà con kém vui, bởi giá bán lúa rẻ bèo. Áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa đang đè nặng nên vai người nông dân…
Khó khăn ngay từ đầu vụ
Những ngày này, đi dọc từ QL 91 từ quận Bình Thủy về đến các huyện vùng sâu như Thới Lai, Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), nhiều cánh đồng lúa HT sớm đã vàng rực, những chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đang nhả khói, cần mẫn thu hoạch lúa. Ông Lê Quốc Nghĩa, ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, vừa thu hoạch 1 ha lúa HT vẻ mặt buồn rầu, cho biết: “Vụ này lúa đạt năng suất gần 1 tấn/công, trúng hơn năm trước 100 kg/công. Tuy nhiên giá lúa tươi giống IR50404, thương lái đến tận ruộng mua chỉ 4.200 đ/kg; còn lúa tươi hạt dài 4.500 đ/kg. Với giá này thì nông dân sẽ bị lỗ do vụ HT thường có chi phí rất cao. Vụ ĐX vừa rồi giá lúa thấp nên chẳng lời lãi được bao nhiêu, vụ HT này tranh thủ gieo sạ sớm hy vọng đầu mùa bán được giá cao để gỡ gạt lại. Ai ngờ thu hoạch xong kêu lái bán giá cũng rẻ bèo mà chẳng có người mua. Kêu mấy thương lái rồi mà chưa thấy ai tới, kiểu này phải ngủ ngoài ruộng giữ lúa”.
Còn anh Nguyễn Văn Hậu, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai lo lắng: “Mấy ngày nay hôm nào trời cũng mưa, lúa thu hoạch xong mà không bán được là lên mầm hết. Không hiểu sao lúc này thương lái rất im ắng, mọi năm đầu mùa thương lái đến hỏi mua nườm nượp”. Anh Hậu có 5 công, vụ này gieo sạ giống IR 50404. Một vài thương lái ghé qua nhưng chê chất lượng hạt gạo thấp nên chỉ trả giá có 4.100 đồng/kg. Mấy ngày trước do ảnh hưởng mấy đám mưa lớn, lúa sập muốn hết, giá cắt cũng cao hơn ruộng khác, lên đến gần 300.000 đồng/công. Nếu bán với giá này coi như trừ chi phí là trắng tay, hơn 3 tháng dầm mưa dãi nắng công cốc hết.
|
Lúa hè thu thường bị đổ ngã nên công thu hoạch rất cao, giá thành bị đội lên |
Giá lúa quá thấp nên nhiều hộ có điều kiện quyết định trữ lại chờ giá tăng thêm. Tuy nhiên, cũng không ít hộ đành bấm bụng bán lúa thơm với giá ngang ngửa lúa thường để trả nợ tiền vật tư nông nghiệp.
Tương tự, tại Đồng Tháp nông dân cũng đang thu hoạch lúa HT sớm trong tâm trạng kém vui. Lão nông Ngô Phước Hậu, ở xã Mỹ Quý đang canh tác 5 ha lúa HT trầm ngâm nói: “Giá lúa tươi hạt dài hiện nay chỉ 4.400-4.500 đồng/kg, nếu sấy khô giỏi lắm cũng chỉ bán được 5.400-5.500 đồng/kg. Trong khi các khoản chi phí đầu tư vụ này đều tăng cao so với vụ Đông - Xuân (ĐX), do đó chỉ những ruộng đạt năng suất cao may ra mới huề vốn, còn lại cầm chắc là thua lỗ”.
Đỏ mắt tìm đầu ra
Chỉ còn khoảng một tháng nữa là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa HT chính vụ. Trong khi đó, ở nhiều tỉnh lúa ĐX vẫn còn tồn đọng chưa thể tiêu thụ hết. Ông Huỳnh Văn Gành, GĐ Sở Công Thương Kiên Giang lo lắng: “Thống kê cho thấy, đến đầu tháng 5 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn tồn đọng gần 600 ngàn tấn lúa hàng hóa của vụ ĐX chưa tiêu thụ được. Nguyên nhân do tình hình xuất khẩu chậm, giá thấp nên nông dân chưa bán được. Càng để lâu áp lực càng lớn vì nhiều nơi lúa HT đã cận kề ngày thu hoạch”. Theo ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang thì qua đầu tháng 6 nông dân các huyện Giồng Riềng, Giang Thành… sẽ bắt đầu thu hoạch lúa HT. Nếu tình hình tiêu thụ lúa không được cải thiện thì khi vào vụ thu hoạch rộ nông dân sẽ rất khó khăn. Nông dân chỉ biết trông chờ vào hạt lúa, mà làm ra không bán được hoặc giá quá thấp thì lấy tiền đâu chi trả vốn đầu tư, sinh hoạt gia đình…
Tại Hậu Giang, nhiều nông dân trồng lúa chất lượng cao trong vụ ĐX đến nay vẫn chưa tiêu thụ được, do giá thấp và ít người mua. Ngoài chuyện giá cả, vụ HT nông dân còn phải đối mặt với áp lực về công thu hoạch, lò sấy (nếu không bán được lúa tươi) rất lớn. Vì chỉ cần một trận mưa lớn là lúa đổ ngả hết, công thu hoạch tăng lên rất cao mà năng suất, chất lượng lúa đều giảm.
Vũ Bảo