Dạy trẻ nhận biết đặc tính không gian sinh hoạt

GD&TĐ - Nếu gặp khó khăn với việc dạy trẻ những nguyên tắc văn minh nơi công cộng, hãy thử những nguyên tắc nhỏ ở trong nhà.

Ảnh minh họa. Nguồn: INT
Ảnh minh họa. Nguồn: INT

“Bé không vin, cả gãy cành”

Lần đi cùng bạn vào quán ăn, anh Hồng Sơn (Hoàng Mai, Hà Nội) ngồi cạnh bàn của một nhóm cha mẹ. Trong khi người lớn nói chuyện rôm rả thì đám trẻ quậy phá, la hét ỏm tỏi. Anh tới góp ý với các phụ huynh nên nhắc nhở trẻ tôn trọng không gian chung nhưng một mẹ nói “bọn trẻ hiếu động, chỉ quậy chút thôi” rồi lại việc ai nấy làm. Không chịu nổi sự ồn ào, anh đành ăn vội và dời đi.

Một lần nọ, chị Trang (quận Hoàn Kiếm) cùng nhóm bạn vào quán cà phê với hồ thả cá rất đẹp. Một cặp vợ chồng cùng hai đứa con vô tư thò tay nghịch cá, nước văng tung tóe vào mọi người xung quanh. Có người lên tiếng nhắc nhở nhưng vợ chồng nọ vẫn tỉnh bơ cùng con tiếp tục thú vui.

Thực tế, không khó bắt gặp những tình huống trẻ vô tư đùa nghịch nơi công cộng, ảnh hưởng đến những người xung quanh nhưng cha mẹ thì thờ ơ, bao biện “cháu còn nhỏ, biết gì đâu”. Theo anh Sơn, nhiều bậc cha mẹ không dạy con mình tôn trọng không gian công cộng vì cho rằng nơi đó ai thích làm gì thì làm. Ông cha ta có câu: “Bé không vin, cả gãy cành”, trẻ nhỏ không được dạy dỗ những nguyên tắc cư xử văn hóa nơi công cộng, khi lớn khó thích nghi với môi trường đòi hỏi văn minh, lịch sự.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh - Công ty Tham vấn, tư vấn trị liệu tâm lý Mạnh Linh School Psychology: Cha mẹ cần giải thích sự khác nhau giữa môi trường “trong nhà” và công cộng. Hãy giúp trẻ phân biệt, nhà là không gian riêng của gia đình, vì thế bé được tự do làm mọi điều mình thích trong giới hạn cho phép. Địa điểm công cộng có sự tham gia của rất nhiều người, lứa tuổi. Chính vì thế, để dung hòa được những sự khác nhau này, môi trường công cộng có những quy tắc mà trẻ cần phải tuân theo. Những quy tắc đó không phải là điều gì quá to tát mà chỉ là những cử chỉ, tác phong như: Không xả rác, xếp hàng, không làm ồn nơi đông người, tôn trọng người lớn tuổi, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi… để con bạn có sự chuẩn bị về tâm lý cũng như ý thức khi tham gia các hoạt động nơi đông người.

Ảnh minh họa. Nguồn: INT
Ảnh minh họa. Nguồn: INT

“Tắm” trong văn minh từ nhỏ

Theo TS Nguyễn Thị Thu, người đồng sáng lập Hệ thống Trường Mầm non Tsubaki: Những quy tắc ứng xử nơi công cộng phải là thứ trẻ cần được tôi rèn từ những năm tháng ấu thơ, tốt nhất là dưới 10 tuổi.

Nếu cả tuổi thơ trẻ không được dạy những quy tắc ứng xử lễ phép, thật khó để trở thành một người lớn lịch sự. Trẻ cũng có thể học lại được những điều này nếu được “tắm” trong môi trường có lối ứng xử văn minh. Nhưng sẽ khó khăn hơn so với việc được dạy ngay khi còn nhỏ.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong nuôi dạy con giai đoạn 0 - 6 tuổi là rèn cho con cách ứng xử đúng nơi công cộng. Theo TS Nguyễn Thị Thu: Một số quy tắc ứng xử văn minh mà cha mẹ rất nên dạy con khi còn nhỏ như đưa ra thông điệp ngắn gọn, ví dụ: “Con không động vào chai lọ này nhé” và đưa ra lý do vì sao - “Vì sẽ dễ bị đổ”. Luôn nói trước cho trẻ những quy tắc, quy định về nơi mình sẽ đến: “Con nhớ nhé. Hôm nay mình sẽ không mua A, B, C đâu. Con nhớ khi vào siêu thị mình không được tự ý sờ vào hàng hóa”.

Hãy nói bằng ngữ điệu bình thường, không cần quát, nổi nóng hay lên gân, nhưng cần kiên trì lặp đi lặp lại. Kiên trì thừa nhận điều con muốn và kiên trì đưa ra thông điệp của mẹ với giọng rất bình thường, đến một lúc con chán thì con không đòi nữa. Sau đó khen ngợi “Con rất giỏi kiềm chế”. Cha mẹ hãy dùng cách văn minh, lịch sự nhất để truyền dạy cho trẻ về ứng xử văn minh.

Theo các chuyên gia giáo dục tâm lý, nếu trẻ cư xử càng ngoan ngoãn ở nhà, trẻ sẽ có thái độ tốt hơn ở những nơi công cộng. Bởi vậy, nếu gặp khó khăn với việc dạy trẻ cư xử ở nơi công cộng, cha mẹ hãy thử cố gắng nỗ lực dạy con ở nhà. Nếu trẻ cư xử không đúng mực trong một vài tình huống, cha mẹ có thể tránh để tình huống đó xảy ra cho đến khi trẻ lớn hơn một chút. Điều quan trọng là kết hợp khen ngợi cùng với kỷ luật, là những phương pháp hữu ích để dạy cách cư xử cho trẻ…

Mọi cha mẹ đều muốn con cái cư xử đúng mực và lịch sự, nhất là ở nơi công cộng. Tuy nhiên, việc dạy chúng những bài học về cách cư xử có thể là một thách thức. Trẻ em đôi khi có những hành vi bốc đồng nhưng chúng cũng rất vô tư và giàu tình cảm. Trẻ thường không xem xét hành động đúng sai hoặc suy nghĩ trước khi nói. Đa số trẻ sẽ dần thay đổi theo thời gian bởi sự trưởng thành và dày công dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.