Dạy trẻ cách phòng chống thiên tai từ việc làm nhỏ

GD&TĐ - Biến đổi khí hậu không còn xa lạ với người dân nước ta. Hàng năm, dù ở nông thôn, thành thị hay vùng núi, người dân đều ít nhiều chịu sự tác động của sự thay đổi trên. 

Dạy trẻ cách phòng chống thiên tai từ việc làm nhỏ

Do vậy, việc cung cấp kiến thức cho trẻ để các em hiểu, biết cách phòng ngừa cũng như tuyên truyền lại cho người lớn, gia đình là việc làm cần thiết. Điều này đòi hỏi giáo viên có cách làm sáng tạo để phù hợp với nhận thức của trẻ ở các độ tuổi khác nhau.

Hậu quả nhãn tiền

Biến đổi khí hậu đang dần hiện hữu khắp mọi nơi. Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc cho biết: Năm nay, sự xuất hiện của El Nino đã tác động đến nhiều nước. Có nơi nhiều năm không xảy ra dịch bệnh nhưng năm nay lại có và bùng phát mạnh. Điển hình như Ai Cập và một số nước khác ở châu Âu đã ghi nhận người mắc sốt xuất huyết. Dịch tả cũng bùng phát tại Iraq và các nước vùng Trung Đông.

Châu Á cũng là khu vực chịu nhiều tác động của hiện tượng trên. Năm 2015, sốt xuất huyết đã bùng phát tại nhiều quốc gia như Singapore (tăng 28%), Hồng Kông (tăng 125%). Tại Lào, từ tháng 6 - 10 ghi nhận dịch bạch hầu tại 6/17 tỉnh, thành với trên 600 ca. Đây là bệnh nguy hiểm, gây nghẹt đường thở, trụy tim nếu không được giải độc kịp thời.

Cũng như nhiều nước trong khu vực, Việt Nam cũng chịu nhiều tác động của El Nino. Điển hình là mùa đông tại miền Bắc đến chậm, nhiệt độ cao hơn nhiều năm tạo cơ hội cho nhiều bệnh tiếp tục bùng phát thay vì suy giảm như mọi năm. Điển hình nhất là bệnh sốt xuất huyết. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, cả nước ghi nhận 69.441 ca mắc, trong đó có 47 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, tay chân miệng, sởi - rubella cũng có mặt ở nhiều địa phương.

Bảo vệ môi trường qua lăng kính trẻ thơ

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng hay bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai là kiến thức mới mẻ với trẻ. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và hậu quả khôn lường do biến đổi khí hậu mang lại, việc giáo dục trẻ về vấn đề trên trở nên cấp thiết để các em có kiến thức cũng như hình thành thói quen bảo vệ môi trường từ bây giờ. Bên cạnh đó, trẻ em có sức ảnh hưởng lớn tới cha mẹ, gia đình nên kiến thức các em thu được cũng sẽ tác động tốt đến mọi người.

Tuy nhiên, do đặc điểm lứa tuổi của trẻ, chúng ta không thể đưa ra cho trẻ những khái niệm khoa học, những kiến thức khoa học để dạy trẻ mà cần phải có phương pháp phù hợp. Âm nhạc là phương tiện hữu hiệu nhất, quen thuộc nhất đối với trẻ. Ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã được tiếp cận với những bài hát, làn điệu dân ca mượt mà vui tươi.

Những bài hát, làn điệu trên đã đem đến cho trẻ biết bao điều mới lạ. Âm nhạc vì vậy mà cũng trở thành công cụ hữu hiệu của các nhà giáo dục để truyền tải kiến thức cho trẻ. Những kiến thức khô khan đôi khi có phần xa lạ đối với trẻ bỗng trở nên gần gũi, quen thuộc. Qua bài hát Em yêu môi trường, Vì một thế giới xanh, giáo viên đóng vai trò gợi ý, định hướng hoạt động cho trẻ. Đồng thời sử dụng đồ trực quan như tranh ảnh, video để tác động đến trí tưởng tượng của trẻ.

Cô Lê Thị Liên, giáo viên Trường Mầm non Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết: Sau một thời gian tiếp cận, trẻ đã có kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu và cách bảo vệ môi trường. Bản thân giáo viên cũng được củng cố kiến thức qua mỗi lần chuẩn bị bài giảng cho trẻ.

Thực hiện nội dung giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ, nhiều trường đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với phần thi Bé với hoạt động tạo hình. Các bé sẽ được tô màu, xé dán và cắt dán từ các nguyên vật liệu có sẵn về chủ đề trên. Qua các bức tranh, các bé đã thể hiện sự hiểu biết về mối quan hệ giữa con người với môi trường, ô nhiễm môi trường và cách bảo vệ môi trường thông qua việc làm hàng ngày như chăm sóc cây cối, bảo vệ con vật. Cho trẻ tham gia vào hoạt động trồng cây, chăm sóc vườn rau cũng là cách để chuyển tải kiến thức cho trẻ.

Mô hình này được nhiều trường mầm non tại Lào Cai, Hà Nội, Cà Mau, Tuyên Quang… áp dụng. Mỗi lớp phụ trách một cây xanh, một luống rau vừa để cải thiện bữa ăn cho các em và cũng là cách để các em tiếp xúc với thiên nhiên, hiểu, trân trọng sức lao động của mình, qua đó hình thành thói quen chăm sóc và bảo vệ cây xanh.

Chị Nguyễn Thu Hồng (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) chia sẻ: Từ ngày con đi học mẫu giáo, nhiều thói quen trong gia đình đã thay đổi bởi con luôn nhắc mẹ về tác dụng của việc ăn rau xanh, hoa quả. Con còn biết cách tiết kiệm nước, chăm sóc cây… để nhà luôn mát, bão, lũ không về nhà mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ