Dạy Tiếng Anh, Tin học cấp Tiểu học đạt nhiều kết quả khả quan

GD&TĐ - Năm học 2023-2024, việc triển khai dạy Tiếng Anh, Tin học bắt buộc với lớp 3 và lớp 4 các trường tiểu học trên toàn quốc đạt được nhiều kết quả.

Học sinh Trường Tiểu học An Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.
Học sinh Trường Tiểu học An Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.

Nhịp nối giữa hai Chương trình GDPT

Căn cứ các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đã được Bộ GD&ĐT ban hành, các Sở GD&ĐT chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, vừa đảm bảo tính khoa học, sư phạm, vừa đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT 2018.

Kế hoạch giáo dục nhà trường đảm bảo thống nhất giữa kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2018 và kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2006, tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với các hoạt động trải nghiệm khác để tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đảm bảo mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

da 13.jpg
Cô trò lớp 1 Trường Tiểu học Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.

Một số địa phương đã chú trọng việc xây dựng và thực hiện các chủ đề/bài học STEM đối với một số môn học phù hợp nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình tổ chức dạy học và nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; bước đầu triển khai giáo dục kỹ năng công dân số.

Để triển khai tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1, Tin học bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4 theo quy định của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã chú trọng tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

phong tin 2.JPG
Trẻ thực hành tại phòng Tin học tại Trường Tiểu học An Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.

Đối với những nơi đặc biệt khó khăn trong công tác tuyển dụng, bổ sung giáo viên do thiếu nguồn tuyển dụng, các địa phương đã thực hiện triển khai giải pháp bố trí giáo viên linh hoạt, điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái giáo viên THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục tiểu học.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt các hình thức học tập khác nhau như vận dụng kho bài giảng, học liệu điện tử môn Tiếng Anh để tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh với sự hỗ trợ của giáo viên nhà trường; thực hiện dạy học trực tuyến, học trực tiếp qua lớp học ảo; trang bị các điều kiện về công nghệ để một giáo viên một thời điểm có thể giảng dạy cho hơn một lớp học tại những vị trí địa lý khác nhau…

Những thống kê bước đầu

tieng anh 1.jpg
Học sinh cùng học Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Hùng Sơn 1, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Website nhà trường.

Kết thúc năm học 2023 - 2024, 100% các cơ sở giáo dục Tiểu học trong cả nước đã tổ chức dạy Ngoại ngữ 1, Tin học bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4. Tỷ lệ lớp 3, lớp 4 được học đủ 4 tiết/tuần theo quy định đạt 99,85%; chỉ còn 0,15% lớp 3, lớp 4 tại các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa chưa được học đủ 4 tiết/tuần.

Số lớp 1 và lớp 2 được làm quen tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 tiếp tục được duy trì và đạt tỷ lệ hơn 70%. Kết quả trên là sự cố gắng, nỗ lực của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh/thành phố, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và quyết tâm thực hiện của các nhà trường.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tích cực sử dụng các hình thức xã hội hóa để tổ chức học tự chọn tiếng Anh; tăng thời lượng học tiếng Anh; dạy học tiếng Anh qua các chủ đề Toán và Khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng Anh; tăng cường thực hành tiếng Anh thông qua các hoạt động như đọc truyện, hoạt động trải nghiệm…

Dù vậy, việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất.

thieu giao vien tieu hoc tai nghe an (3)
Học sinh tại một điểm trường tiểu học tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: VPMT.

Nguyên nhân là do nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, giáo viên hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học; dẫn tới việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT còn chưa đúng với tinh thần đổi mới, gây khó khăn, kém hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một số địa phương gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương về Bộ GD&ĐT bị chậm so với quy định; chất lượng tài liệu còn hạn chế như các chủ đề, bài học còn bị trùng lặp ở các lớp, chưa có sự tương đồng với Chương trình GDPT 2018;

Có nhiều tỉnh chưa tổ chức in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương vì vướng các quy định về thẩm định giá, đấu thầu in ấn và phát hành. Một số nơi còn chậm ban hành danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn.

Việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng. Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định.

Nhiều trường còn thiếu các phòng chức năng tối thiểu; thiếu sân chơi, bãi tập; thiếu khu vệ sinh, hoặc có nhưng chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Một số xã thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây nguyên còn tồn tại nhiều điểm trường. Trong thời gian tới cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết những bất cập như trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ