Dạy tích hợp chương trình mới, chỉ đạo của Bộ mang hướng mở, các trường cũng cần linh hoạt

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022, chương trình sách giáo khoa lớp 6 tích hợp các đơn môn thành 2 tổ hợp KHTN và KHXH. Điều này khiến các nhà trường băn khoăn trong khâu triển khai, đặc biệt với tổ hợp KHTN.

Nhiều nhà trường đang băn khoăn, trong việc triển khai dạy tích hợp ở chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Bảo An.
Nhiều nhà trường đang băn khoăn, trong việc triển khai dạy tích hợp ở chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Bảo An.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Long Biên – Hà Nội) cho biết: Tổ hợp KHTN, các đơn môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học) đang khiến nhiều nhà trường bối rối.

Tuy nhiên, thầy Tuấn cho rằng, trong 3 môn trên, giáo viên (GV) có thể ngồi lại cùng thảo luận, tìm ra phần nội dung nào trùng, liên quan. Thay vì dạy 3 lần lặp lại, GV sẽ dạy 1 lần. Còn lại, dạy chuyên sâu những nội dung khó để nâng cao kiến thức cho học sinh.

Theo thầy Tuấn, thời gian tới GV có thể được đào tạo chương trình liên môn, nhưng chỉ dừng lại ở tầm nhìn và cách phối hợp giữa các bộ môn sao cho hiệu quả. Không có chuyện, 1 GV có 1 chuyên môn lại dạy thêm 2 môn khác, điều này trái với quy luật. Nếu xảy ra, sẽ không còn học sinh học chuyên và các môn khoa học mũi nhọn đi đầu trong tương lai.

Vì vậy, các trường không nên vận dụng máy móc, dạy kiểu “cuốn chiếu”. Cần căn cứ vào nguồn lực GV của mình để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Theo tôi, tư tưởng của Bộ GD&ĐT mang hướng mở, không gò bó. Nhưng, hiện nay ở một số địa phương, nhà trường cho rằng 1 GV phải dạy được 3 môn. Nếu hiểu như vậy sẽ không trường nào làm được hiệu quả. Chúng ta có thể biết nhiều thứ, nhưng không phải lĩnh vực nào cũng chuyên sâu”, thầy Tuấn chia sẻ.

Tương tự, thầy Nguyễn Trọng Trung – Hiệu trưởng Trường THCS Cao Thành (Thanh Oai – Hà Nội) bày tỏ: Không có chuyện 3 GV đứng chung lớp trong 1 tiết học. Ở khối 7, 8, 9 các môn Lý, Hóa, Sinh vẫn dạy tách bạch.

“Đối với lớp 6 năm học tới, những bài có nội dung trung tính, GV đang đứng ở lớp có thể dạy luôn, nhưng bài có nội dung chứa nhiều kiến thức chuyên môn, GV của bộ môn sẽ dạy.

Bồi dưỡng cho GV đa năng, dạy được cả 3 môn là khó có thể thực hiện. Việc một số trường ĐH Sư phạm thông báo mở các khóa đào tạo ngắn hạn cho GV dạy liên môn, theo tôi không giải quyết được điều gì.

Bởi, GV mất 3 – 4 năm để học 1 môn chuyên ngành, ra giảng dạy có những bài còn chưa được hài lòng, sao có thể kiêm thêm các môn không được đào tạo. Điều quan trọng, phải sắp xếp lịch học cho hợp lý, khoa học để không trùng tiết học”, thầy Trung nói.

Theo ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội): Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới trong năm học 2021 – 2022, GV ở địa phương đã được tập huấn. Việc bồi dưỡng cho GV dạy các môn học tích hợp dự kiến sẽ bắt đầu từ 10/8.

“Trước mắt, GV sẽ được bồi dưỡng để có kiến thức cơ bản dạy liên môn. Trong quá trình giảng dạy, nếu nội dung liên quan sâu đến lĩnh vực ở môn nào, bắt buộc GV ở bộ môn đó trực tiếp đứng lớp”, ông Oanh khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ