Tạo mọi điều kiện để giáo viên nâng năng lực chuyên môn
Để chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy cô Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình đã nghiêm túc tham gia đầy đủ, có hiệu quả các đợt tập huấn về Chương trình, sách giáo khoa mới. Theo đó, đã hoàn thành 3 mô đun: Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh THCS; Kiểm tra, đánh giá học sinh THCS theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Thầy cô nhà trường đồng thời tham gia tích cực các buổi tập huấn về giới thiệu sách giáo khoa của các nhà xuất bản, các bộ sách lớp 6 nhà trường đã chọn. Mượn sách giáo khoa, sách giáo viên chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các bài học. Tải, nghiên cứu các video các bài dạy minh họa theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Hằng tuần trao đổi các bài nghiên cứu trên các nhóm zalo các môn. Tích cực tìm hiểu các hướng dẫn giảng dạy của các bộ sách được đăng tải trên các trang điện tử.
Thông tin từ thầy hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng, thời điểm này, nhà trường chọn cử giáo viên có trình độ, năng lực bố trí giảng dạy các môn lớp 6. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất về thời gian để giáo viên tham gia tập huấn đầy đủ, nghiêm túc, có bài thu hoạch các đợt tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa lớp 6 mới. Tổ chức cho giáo viên tham khảo các bộ sách của các nhà xuất bản và lựa chon bộ sách giáo khoa phù hợp nhất với nhà trường.
Trường đồng thời đôn đốc giáo viên mượn sách giáo khoa, sách giáo viên mới ngay để có tài liệu bồi dưỡng (nếu chưa có thì giáo viên tìm đọc bản mềm). Gửi đến tổ chuyên môn, giáo viên các đường link của các nhà xuất bản các bài dạy mẫu tham khảo và các tài liệu về kế hoạch dạy học, hướng dẫn của các bộ sách. Lập các nhóm zalo các môn sách giáo khoa mới của nhà trường để giáo viên tham gia trao đổi chuyên môn.
Nhận thức được vai trò quyết định của đội ngũ giáo viên với thành công thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, thầy Nguyễn Tiến Dũng cho biết, bên cạnh khích lệ, khuyến khích các thầy cô tự học tự bồi dưỡng, nhà trường còn chú trọng nâng cao năng lực giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học sinh thông qua việc thực hiện chuyên đề trực tuyến hoặc trực tiếp.
“Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay việc tự đào tạo, bồi dưỡng quả là gặp rất nhiều thuận lợi. Chỉ cần các thầy cô không cầu toàn, nỗ lực, nghiêm khắc với bản thân và có phương pháp học tập thì việc nâng cao năng lực của bản thân không phải là việc quá khó. Có rất nhiều tấm gương về dạy giỏi; có rất nhiều cách làm hay, sáng tạo mà thầy cô ở nơi này, nơi khác đã áp dụng và mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Trường cũng tạo điều kiện để ghi nhận thành tích của thầy cô; lắng nghe và sử dụng những ý kiến đóng góp, xây dựng một môi trường làm việc đầy cảm hứng, khích lệ sự đóng góp của thầy cô vào công việc phục vụ nhà trường, phục vụ cộng đồng” – thầy Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Chia sẻ cụ thể về các chương trình bồi dưỡng giáo viên nhà trường được tham gia, thầy Dũng cho biết: Ngoài bồi dưỡng về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập huấn sách giáo khoa lớp 6 của các nhà xuất bản, thầy cô còn tham gia trực tuyến tại cụm trường, tại trường theo tổ chức của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT. Tham gia các nhóm zalo, facebook các đường link của các nhà sách để tìm hiểu các thông tin, tài liệu bồi dưỡng. Tham gia các nhóm sách giáo khoa mới của nhà trường để trao đổi, thảo luận, chia sẻ tài liệu nghiên cứu, các bài giảng minh họa.
Giáo viên còn được bồi dưỡng, tập huấn thông qua các chuyên đề. Bồi dưỡng chuyên môn thông qua tham quan học tập. Bồi dưỡng chuyên môn thông qua dự giờ, thao giảng… Nhà trường đồng thời chỉ đạo tổ chuyên môn phân công nhóm giáo viên (cùng chuyên môn) thảo luận xây dựng thành chuyên đề, cử người trình bày phần nội dung (lí thuyết) sau đó dạy 1-2 tiết minh họa (dạy thể nghiệm) để giáo viên dự, học tập, rút kinh nghiệm.
“Trong thời đại 4.0, dạy, học và làm việc trực tuyến đang ngày càng khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội: tiết kiệm thời gian, chi phí; rút ngắn khoảng cách về không gian; việc nêu ý kiến, quan điểm trở nên dễ dàng và linh hoạt hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp, không thể thực hiện trực tiếp. Vì thế, làm việc trực tuyến là giải pháp hữu hiệu để thực hiện phương châm tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học; các công việc trong nhà trường vẫn diễn ra theo đúng tiến độ, đảm bảo kế hoạch thời gian và chất lượng” – thầy Nguyễn Tiến Dũng trao đổi.
Vạn sự khởi đầu nan
Chương trình mới sẽ được triển khai với lớp 6 từ năm học tới. Nhận định vạn sự khởi đầu nan, bước đầu chắc có những khó khăn nhất định, nhưng thầy Nguyễn Tiến Dũng tin tưởng sẽ thực hiện được, tiến tới thực hiện tốt mục tiêu này.
Để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Trường THCS Thụy Liên đã bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tổ chức cho giáo viên tham gia đầy đủ các đợt tập huấn. Yêu cầu giáo viên mượn ngay sách giáo khoa, sách giáo viên để có tài liệu bồi dưỡng.
Lập các nhóm các môn để giáo viên trao đổi chuyên môn, báo cáo đề xuất với tổ chuyên môn và nhà trường. Đặc biệt các nhóm song song thường xuyên trao đổi chuyên môn các bài học trong sách giáo khoa lớp 6 mới.
Hằng tuần, tổ chuyên môn hướng dẫn giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu các bài học trong sách giáo khoa mới, cho ý kiến, trao đổi tổng hợp kết quả bồi dưỡng các môn.
Tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh, nhân dân về thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới lớp 6 năm học này.
Với các môn học mới, Trường cũng đã có kế hoạch bố trí đội ngũ để giảng dạy bảo đảm hiệu quả.
Lưu ý với đội ngũ khi triển khai chương trình mới, thầy Dũng cho rằng, ở chương trình hiện hành, giáo viên chỉ cần sách giáo khoa là có thể dạy và kiến thức cơ bản, nội dung kiểm tra, thi cử của học sinh đều nằm trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa chỉ là tài liệu; chương trình mới là điều mà thầy cô giáo phải chú trọng. Nội dung kiến thức phổ thông nằm trong chương trình môn học.
Do đó, mỗi giáo viên cần chủ động đọc - tìm hiểu một cách thấu đáo chương trình môn học; nhất là đối với môn học, cấp học của mình đã được Bộ GD&ĐT ban hành, bởi đó là nội dung cơ bản nhất mà mình sẽ đảm nhận trong giảng dạy.
Thầy cô cũng phải luôn xác định được mình sẽ là động lực để đổi mới và thúc đẩy việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới thành công.