Không để học sinh thiếu SGK trong năm học mới

GD&TĐ - Các nhà trường của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đang nỗ lực, quyết tâm để 100% học sinh (HS) có đầy đủ sách giáo khoa (SGK) trong năm học mới.

HS thuộc diện hộ nghèo được hưởng các chính sách theo quy định.
HS thuộc diện hộ nghèo được hưởng các chính sách theo quy định.

HS có đủ SGK đến trường

Cô Trần Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường THCS Pả Vi (Mèo Vạc – Hà Giang) cho biết: Giáo viên (GV) của trường đã được tập huấn SGK lớp 2, lớp 6 theo chương trình mới như kế hoạch.

Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên việc tập huấn thông qua hình thức trực tuyến. Điều này không ảnh hưởng tới việc tiếp cận thông tin, kỹ năng bởi giáo viên của trường đều có trình độ và kinh nghiệm lâu năm.

Trăn trở lớn nhất của cô Thanh là phải lo đủ số lượng sách vở để HS có thể đến trường trong năm học mới, đặc biệt là đối với HS khối 6.

HS có hoàn cảnh khó khăn đều được các nhà trường quan tâm, giúp đỡ.
 HS có hoàn cảnh khó khăn đều được các nhà trường quan tâm, giúp đỡ.

“Năm học 2021 – 2022, trường THCS Pả Vi có 16 GV/8 lớp, với tổng 236 HS, tính riêng khối 6 có 60 HS. Những năm trước, HS vẫn được hỗ trợ sách vở. Nhưng mới đây, xã Pả Vi đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, trường chỉ còn 8 HS nằm trong diện hộ nghèo.

Thực tế, người dân trên địa bàn huyện Mèo Vạc chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống, thu nhập ở mức thấp. Việc mua SGK mới là vấn đề nan giải của nhiều phụ huynh. Thậm chí, do bất đồng về ngôn ngữ, mà công tác tuyên truyền cho phụ huynh HS nắm được chính sách mới không thuận lợi.

Đối với HS lớp 6, năm nay sẽ phải mua sách mới hoàn toàn. Các khối khác có thể tận dụng được sách cũ của năm học trước bằng nguồn từ thiện, hoặc HS khối trên sẽ để lại cho HS khối dưới. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều đoàn từ thiện dưới vùng xuôi có thể sẽ không lên được theo dự kiến.

Nhưng dù khó khăn đến mấy, chúng sẽ quyết tâm, để HS có đủ sách vở tới trường trong năm học mới”- cô Thanh chia sẻ.

Cô Trương Thị Lưu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Pải Lủng (Mèo Vạc – Hà Giang) cho biết: Trường đã tham mưu với chính quyền địa phương huy động người dân đóng góp, hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những ngày diễn ra tập huấn trực tuyến về SGK mới, GV đều tuân thủ các nguyên tắc phòng tránh dịch, như: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay…

Thầy cô không gặp khó khăn khi tiếp cận. Bởi, năm học vừa qua nhà trường đã triển khai chương trình SGK mới đối với lớp 1, GV có thể chia sẻ, học hỏi thêm kinh nghiệm từ nhau.

“SGK mới có lợi thế về kênh hình, rất sinh động, nội dung đa dạng, GV và HS sinh tiếp cận dễ dàng. Tuy vậy, phải đi vào giảng dạy thực tế mới có đánh giá một cách tổng thể và khách quan. Trước kia, SGK mới của lớp 1 đã nhận được phản hồi tích cực từ thầy cô và HS. Điều này tạo điều kiện thuận lợi, khi tới đây tiếp tục triển khai chương trình SGK lớp 2 và lớp 6”, cô Lưu nói.

Từng bước đầu tư trang thiết bị

Cũng theo cô Lưu, nhờ sự quan tâm của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và chính quyền các cấp, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của nhà trường đang từng bước được đầu tư. Đặc biệt, chương trình SGK mới đang được triển khai nên việc dạy trên nền tảng lý thuyết, kèm theo thực hành là rất cần thiết.

“Tuy nhiên, trường chưa có phòng tin học. Cả trường chỉ có 2 máy tính. Trong khi đó, nhu cầu dạy và học cần tối thiểu 20 máy mới đủ đáp ứng. Ngoài ra, nhà thể chất phục vụ cho môn Giáo dục thể chất và các hoạt động khác chưa được đầu tư”, cô Lưu chia sẻ.

Cuộc sống người dân vùng cao còn nhiều thiếu thốn.
Cuộc sống người dân vùng cao còn nhiều thiếu thốn.

Ông Bùi Văn Thư – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc thông tin, năm học 2021 – 2022 sẽ tiếp tục đưa SGK mới giảng dạy ở lớp 2, lớp 6 theo đúng kế hoạch chung của cả nước. Trong bối cảnh dịch bệnh, 100% giáo viên được tập huấn chương trình mới theo hình thức trực tuyến và đã hoàn tất, sẵn sàng cho giảng dạy.

Đối với HS thuộc diện hộ nghèo, được hưởng các chính sách theo quy định. Những HS không nằm trong hộ nghèo, nhưng có hoàn cảnh khó khăn, Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các trường chủ động tuyên truyền, vận động phụ huynh HS hoặc xã hội hóa, bảo đảm 100% HS tới trường có đầy đủ SGK, vở, bút... Hiện tại, một số trường đã nhận được sự đồng ý giúp đỡ từ các đoàn từ thiện.

“Do đặc thù vùng miền còn khó khăn, nên cơ sở vật chất của địa phương còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, một số trường phải học 2 buổi/ngày. Môn tin học chỉ được dạy ở các trường bậc THCS và các trường bậc Tiểu học ở thị trấn, thị xã. Còn lại, các trường học ở địa bàn xã hiện chưa có phòng tin học. Về việc này, tỉnh đang từng bước đầu tư dần”, ông Thư thông tin.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ- CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ