Dạy “song ngữ” ở vùng cao Nà Hỳ

GD&TĐ - Những năm qua, dù đã vận dụng nhiều cách khác nhau nhưng việc huy động trẻ ra lớp ở xã vùng cao Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) vẫn còn rất khó khăn. Thế nhưng, gần đây, từ việc thay đổi phương pháp dạy học mới mà tình trạng HS bỏ học đã không còn.

Khó khăn trong việc truyền thụ kiến thức cho HS dân tộc khi bất đồng ngôn ngữ, song giáo viên Trường TH Nà Hỳ 2 (Nậm Pồ, Điện Biên) tự học tiếng dân tộc để giao tiếp
Khó khăn trong việc truyền thụ kiến thức cho HS dân tộc khi bất đồng ngôn ngữ, song giáo viên Trường TH Nà Hỳ 2 (Nậm Pồ, Điện Biên) tự học tiếng dân tộc để giao tiếp

Khi tiếng Việt là “ngoại ngữ”

Vượt qua gần 200 cây số từ TP Điện Biên Phủ, tôi đến xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) trong một chiều cuối thu. Nà Hỳ hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Trường Tiểu học Nà Hỳ với điểm bản Sam Lang cùng câu chuyện cô giáo chui túi nilon đến trường gieo chữ ngày nào cũng đã có nhiều đổi khác.

Cây cầu treo mới khang trang đã được dựng lên, bắc qua suối giúp cho việc đi lại của giáo viên và HS ở bản Sam Lang thuận lợi và an toàn hơn. Gặp cô giáo Lò Thị Thuỳ, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nà Hỳ 2 đang mải miết, tay cầm kéo, tay cầm lược, ngắm vuốt để cắt tóc cho HS nội trú, tôi thấy tình thầy trò nơi đây ấm áp biết nhường nào.

Sau gần 10 năm, cô Thuỳ cũng già đi nhiều so với lần gặp trước. Cô kể cho tôi nghe bao nhiêu thứ chuyện. “Hồi em mới vào nghề được mấy năm, đi vào đây công tác, chị em mình đi bản em còn nhớ chứ? Lúc đó trường lớp thì xập xệ, giáo viên có mặt ở bản nhiều hơn ở nhà. Giáo viên bọn chị ở trường trung tâm thì về bản để vận động HS đến lớp; còn giáo viên cắm bản thì đến tận nhà từng HS để gọi các em đi học hàng ngày. Vất vả lắm em ạ!” - cô giáo Lò Thị Thuỳ nói.

Giáo viên ở các điểm bản xa trung tâm vất vả là thế, nhưng hiệu quả cũng chẳng được là bao. Hàng ngày cứ gọi được em này đến lớp thì em kia đã trở về nhà từ bao giờ không hay. Nó khiến tôi liên tưởng đến trò chơi “mèo đuổi chuột” mà trẻ nhỏ hay vui đùa với nhau. Nhưng, với những thầy cô tâm huyết bám bản, bám trường để gieo con chữ thì biết phải làm sao. Khi đến vận động thì phụ huynh không đồng tình cho con đi học.

Bởi theo lý của người dân tộc thiểu số ở đây họ nghĩ, nếu cho con em mình ở nhà đi nương, đi rẫy thì còn có khoai, có sắn mà ăn. Chứ nếu cho đi học thì trong gia đình lại mất đi một người lao động và cái chữ thì chẳng mang ra để ăn hàng ngày được. Cũng bởi cái suy nghĩ đó mà chính bản thân cô Thuỳ cũng như bao đồng nghiệp ở cái huyện vùng cao nghèo này đã suốt bao năm miệt mài đi phân tích, lý giải cho đồng bào nghe. Nào “cho con đi học cái chữ nó mới biết đọc, biết viết, mới hiểu được đâu là lọ thuốc trừ cỏ, đâu là thuốc chữa bệnh”, rồi thì mới biết được tính tiền khi bán khoai, bán sắn; biết thế nào là tiến bộ kỹ thuật để vận dụng vào làm nương, làm rẫy.

Khổ nỗi, với những giáo viên trẻ mới ra trường, lại từ quê dưới xuôi lên, hoặc giáo viên khác dân tộc với người địa phương thì việc bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn. Bởi thế mà người địa phương họ không tin, không nghe. Đã thế, khi lên lớp, với HS mầm non và tiểu học, các em ít có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt nên thuần tuý chỉ giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Thế nên, có khi cô bảo đứng dậy trả lời câu hỏi thì các em đồng loạt đứng dậy ra về. Những chuyện dở khóc, dở cười như thế diễn ra suốt bao nhiêu năm khiến cho việc tìm được tiếng nói chung thực sự là khó khăn.

Khi tìm được tiếng nói chung, HS coi thầy cô giáo như cha mẹ mình
Khi tìm được tiếng nói chung, HS coi thầy cô giáo như cha mẹ mình 

Cô giáo Lò Thị Thuỳ tâm sự: “Ngày trước tỷ lệ chuyên cần ở đây cũng như các trường khác không cao đâu, hầu như mùa nào cũng thế. Thường thì các em bỏ học trong ngày cứ rơi vào khoảng 30 - 40%, nhất là thời điểm mùa thu lúa nương, ngô nương, mùa giáp Tết hoặc Tết cổ truyền của đồng bào Mông. Các em bỏ học nên bị hổng kiến thức. Giáo viên truyền thụ kiến thức bằng tiếng Việt, trong khi đối với HS mầm non và HS lớp 1 thì các em không hiểu nên nhiều em đã bỏ học. Hỏi gì cũng chỉ nói “chi pâu” nghĩa là “không biết”.

Dạy “song ngữ”, HS không còn bỏ học

Trường Tiểu học Nà Hỳ 2 có 1 điểm trường trung tâm và 9 điểm bản lẻ với tổng số 530 HS là con em đồng bào dân tộc Mông và dân tộc Dao tham gia học tập. Việc áp dụng phương pháp dạy “song ngữ” ở trường được thực hiện từ nhiều năm nay, song chỉ lác đác áp dụng với một vài điểm trường. Phong trào này được thực hiện rộng khắp khi Phòng GD&ĐT Nậm Pồ phát động cách đây vài năm.

Thầy giáo Vì Văn Hoai, giáo viên Trường Tiểu học Nà Hỳ 2 tâm sự: “Ở đây chúng tôi chỉ dạy giao tiếp chứ không dạy trên sách vở. HS ở các bản xa trung tâm như Nậm Chua 2, 4, 5, Sam Lang, Huổi Moi... vừa mới lên lớp 1 chưa biết tiếng. Thầy cô giáo phải dạy, ví dụ như quả bưởi tiếng phổ thông thì tiếng của dân tộc họ là cái gì thì HS mới biết. Hay như bảo các em “ăn cơm”, nếu nói bằng tiếng phổ thông mà các em không hiểu thì phải nói là “lầu máu”, bảo “uống nước” thì phải phát âm là “hầu đê””.

Thầy trò cùng nhau chăm sóc vườn rau, cải thiện bữa ăn hàng ngày
  • Thầy trò cùng nhau chăm sóc vườn rau, cải thiện bữa ăn hàng ngày

Dịp hè hằng năm, Phòng GD&ĐT Nậm Pồ đều tạo điều kiện cho 100% cán bộ, giáo viên trong huyện tham gia bồi dưỡng kiến thức, đặc biệt là việc học tiếng dân tộc thiểu số. Cán bộ giáo viên đã tự giác đầu tư chi phí đào tạo để bồi dưỡng người dạy. Qua đó, vốn ngôn ngữ tiếng dân tộc của hầu hết cán bộ giáo viên đã được củng cố và nâng cao.

Thầy giáo Mè Văn Ngoãn chia sẻ: “Khi học được tiếng, giao tiếp được với họ bằng tiếng của họ thì họ phấn khởi và muốn nói chuyện với mình nhiều hơn. Nếu nói chuyện với mình bằng mỗi tiếng phổ thông thì người ta không thích. Mình nói được với họ bằng tiếng dân tộc nghĩa là mình đã hoà đồng được với họ thì họ cũng quý mình hơn. Nhiều khi mặc cả trang phục của dân tộc họ, ăn uống thì cũng không phân biệt, họ ăn cái gì thì mình ăn cái đấy”.

Ở vùng cao, cũng bởi tâm huyết với nghề “gieo chữ” mà hầu hết thầy cô giáo đều chấp nhận thiệt thòi khi phải dành nhiều thời gian để học, để giảng dạy song song bằng hai thứ tiếng. Trồng cây rồi cũng đến ngày hái quả. Sau bao năm miệt mài nỗ lực thì giờ đây những gì mà thầy cô giáo nhận lại thực sự là mĩ mãn khi thầy và trò đã cùng nhau tìm được “tiếng nói chung”. Chất lượng bài giảng đã được nâng cao hơn, khả năng tiếp thu kiến thức của HS cũng nhanh hơn, chất lượng hơn.

Cô giáo Lò Thị Thuỳ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Hỳ 2 phấn khởi nói: Mấy năm gần đây, tỷ lệ HS chuyên cần của nhà trường đã nhiều hơn lên. Trường Tiểu học Nà Hỳ 2 đã không còn tình trạng HS bỏ học, tỷ lệ HS khá giỏi và tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp đã tăng đáng kể. Tất cả đều xuất phát từ sự thay đổi nhận thức của cấp uỷ, chính quyền cơ sở cũng như phụ huynh HS. Bên cạnh đó, đáng phải kể đến là sự đồng lòng của những người thầy, người cô hết lòng vì thế hệ “mầm non” tương lai của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.