Lớp học tình thương của thầy giáo già

GD&TĐ - Dù đã gần 80 tuổi, nhưng ông Ngô Tùng Bích ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước vẫn “không chịu” ngồi yên mà tiếp tục lên lớp, uốn nắn từng nét chữ, hướng dẫn từng phép tính cho những đứa trẻ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trong lớp học tình thương của mình.

Ông Ngô Tùng Bích cùng học sinh tại lớp học tình thương
Ông Ngô Tùng Bích cùng học sinh tại lớp học tình thương

Lớp học tình thương của ông được thành lập đến nay đã tròn 10 năm. Ông Bích chia sẻ: “Các cháu học sinh ở khu vực này đa phần là con em đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Stiêng, Khmer, đời sống chật vật, việc kiếm ăn từng bữa còn khó, nói gì đến việc cho con cái học hành. Dù cuộc sống của vợ chồng tôi cũng chẳng hơn gia đình các cháu là mấy, nhưng vì thương các cháu, mong muốn các cháu sẽ thoát được cái nghèo mà cha mẹ chúng đang phải đối mặt, nên tôi đã quyết định xây dựng lớp học tình thương này trên chính mảnh vườn của gia đình và bỏ thời gian đến từng nhà vận động các cháu ra lớp”.

Gọi là lớp học chứ trước kia, nơi đây chỉ là một cái lều nhỏ chừng 20m2 được dựng lên từ những cây gỗ tạp lợp bằng các tấm tôn cũ kỹ, bao quanh là những tấm bạt ni lông hổng trước, thiếu sau để giúp các cháu tránh mưa, tránh nắng. “Việc vận động các cháu ra lớp rất vất vả vì cuộc sống của gia đình các cháu đều khó khăn, nhà xa, đi lại vất vả, tiếng Việt còn không rành”, ông Bích cho biết. Lớp học mới đầu chỉ có 3, 4 cháu, nhưng chỉ sau một thời gian kiên trì, đi từng nhà vận động, đã dần đông lên. Đến nay, lớp có hơn 30 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đang theo học thường xuyên.

“Lớp chỉ dạy 3 môn học chủ đạo là tập viết, tập đọc và toán. Do lớp học đa số là con em đồng bào dân tộc, tiếp thu bài giảng chậm, nhiều em vì nhà nghèo phải bỏ học, phụ giúp gia đình, ngại bạn bè vì không theo kịp chương trình nên tự ti, không dám đi học nhưng rồi khi đến lớp học, các cháu đều có những tiến bộ, mạnh dạn hơn và dần theo kịp bạn bè”.

Do đã là một nhà giáo nên dù học sinh đông, với nhiều môn học, cấp học nhưng ông Bích sắp xếp rất khoa học. Trong khi cho bài tập để các cháu lớp 1, 2 tập viết, tập đọc, ông lại giảng môn toán cho các cháu học sinh lớn hơn. Dù là lớp học “tự mở” nhưng mỗi ngày ông Bích đều chuẩn bị những giáo án cho các lớp học của mình.

Hơn 2 năm nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các mạnh thường quân, lớp học của ông Bích và các cháu đã được “thay áo mới”. Những cây gỗ tạp, tấm tôn cũ, những tấm bạt ni lông đã được thay bằng các bức tường gạch, những đòn tay sắt chắc chắn, những chiếc bàn cũ cái thấp, cái cao cũng được thay mới hoàn toàn. “Sự quan tâm của mọi người sẽ tiếp tục là động lực giúp cho ông cháu tôi duy trì lớp học này đến khi nào không thể đứng lớp nữa thì mới thôi”, ông Bích tươi cười chia sẻ.

Trần Quốc Cường, (10 tuổi) bị bại não, đi học tại nhiều trường nhưng do bệnh, cháu không thể theo kịp các bạn. Về học lớp của ông gần 2 năm, Cường đã biết đọc, biết viết, biết tính toán thuần thục. Giọng ngượng nghịu, Cường mỉm cười rồi cố gắng phát âm từng từ rõ ràng với chúng tôi: “Con được ông dạy chữ, dạy tính toán, ông còn dạy con cách làm người có ích, con cám ơn ông nhiều lắm”.

Cháu Ngô Thị Trúc Phương 13 tuổi, vừa là học sinh cũng vừa là cháu nội ông Bích, tâm sự: “Con rất tự hào về việc làm của ông, thấy ông cũng đã lớn tuổi nên hằng ngày sau giờ học, con thường đến lớp phụ ông chỉ bảo các em. Sau này học xong, con mong muốn sẽ về thay ông duy trì lớp học này, để giúp đỡ thêm nhiều em nhỏ, tiếp tục tâm nguyện của ông đã miệt mài duy trì những năm qua”.

Anh Nguyễn Minh Đức, phụ huynh của hai cháu Nguyễn Anh Thư và Nguyễn Anh Thắm (học sinh của lớp học) cho biết: “Gia đình khó khăn, không có tiền cho con đi học thêm. Từ khi biết ông Bích mở lớp dạy thêm miễn phí cho học sinh khó khăn và những em học lực yếu kém, tôi đã đưa hai cháu đến nhờ ông dạy. Đến nay, cháu tiến bộ rất nhanh, học tốt, năm nào cũng được tặng giấy khen. Về nhà, các cháu ngoan ngoãn, nghe lời, biết kính trên, nhường dưới, biết giúp đỡ người khác. Gia đình rất vui”.

Cũng có con học tại đây, anh Chương Văn Trung cho biết: “Biết gia đình của ông Bích cũng chẳng khá giả gì, thấy ông làm việc tốt, nhiều phụ huynh cũng muốn hỗ trợ tài chính nhưng ông không chịu. Thi thoảng phụ huynh có mớ rau, trái bầu mang đến biếu thì ông lấy, chứ đưa tiền thì nhất quyết không nhận”.

Trước những việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn của ông Ngô Tùng Bích, Huyện ủy Bù Đốp đã tuyên dương ông là một trong những tấm gương tiêu biểu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.