Cũng như nhiều thầy cô khác, PGS Trần Thị Thu Hà về trường và bắt đầu những công trình nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực lâm nghiệp tại Viện Nghiên cứu và phát triển nông lâm – Trường ĐH Nông lâm- ĐHTN.
Đây là một lĩnh vực khó khăn, ít hấp dẫn đối với nhiều người, song cô đã dành trọn tâm huyết, sức lực và trí tuệ trong hơn 10 năm qua.
Do đặc thù của công tác nghiên cứu, chưa có tuần nào cô không có mặt ở các địa phương vùng sâu vùng xa, các vùng rừng biên giới và hải đảo của hầu hết các tỉnh miền núi ở phía Bắc, Miền Trung và Tây Nguyên.
Ban đầu PGS Thu Hà tập trung nghiên cứu bảo tồn và phát triển những loài cây gỗ quí, loài cây đặc sản đặc hữu có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt hiện nay, Viện Nghiên cứu và phát triển Nông Lâm tập trung vào nghiên cứu tuyển chọn giống các loài cây dược liệu quí của Việt Nam nhằm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng giúp người dân xóa đói giảm nghèo đỡ vất vả hơn trong sinh kế; góp phần phát triển kinh tế và gìn giữ rừng tự nhiên, duy trì các nguồn gen quý của Việt Nam.
Trong hơn 10 năm qua, PGS và các cán bộ, giảng viên của Viện Nghiên cứu và phát triển nông lâm đã tuyển chọn và lai tạo, nhân giống thành công hơn 20 loài dược liệu quí có giá trị kinh tế, và đang triển khai ở quy mô công nghiệp phục vụ cho phát triển vùng dược liệu của các tỉnh; thành lập được 3 doanh nghiệp khoa học về nhân giống dược liệu đầu tiên của các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang và Quảng Nam. Các nghiên cứu khoa học thực tiễn đã thực sự được các địa phương ứng dụng, góp phần phát triển KTXH.
Với đam mê của một nhà giáo, nhà khoa học thấu hiểu được những điều kiện của các tỉnh miền núi, muốn phát triển những vùng này chỉ có nguồn lực con người có trình độ KHCN mới là đòn bẩy để phát triển, PGS.TS Trần Thị Thu Hà kính đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm, có chính sách phát triển kinh tế vùng trọng điểm, trong đó xác định rõ vị thế của đại học vùng, tạo nguồn lực mạnh cho ĐH Thái Nguyên phát triển nhân lực chất lượng cao.
“Với gần 700 tiến sĩ, cùng với quyết tâm của lãnh đạo và cán bộ viên chức ĐH Thái Nguyên, chúng tôi sẽ phát huy được lợi thế địa chính trị của ĐH Thái Nguyên với vùng Việt Bắc” – PGS Thu Hà tâm huyết.
“Nếu phải lựa chọn lại nghề nghiệp, tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo và lĩnh vực nghiên cứu phát triển nông lâm nghiệp”. Khẳng định điều này, PGS Trần Thị Thu Hà chia sẻ:
Nghề nào cũng cao quí nếu thực sự chúng ta tâm huyết và đóng góp giá trị thực cho xã hội. Vì vậy, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm của một người thầy về giảng dạy, của một nhà khoa học có được nhiều công trình nghiên cứu, tạo ra được các sản phẩm có giá trị chuyển giao cho các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, và có trách nhiệm cao với cơ sở đào tạo và các thế hệ trẻ, cộng đồng địa phương.
Giảng dạy tại ĐH Thái Nguyên đã 25 năm, PGS Thu Hà đã tận tâm, hoàn thành tốt công tác, đào tạo nhiều thế hệ học trò. Hầu hết trong số đó là con em đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh trong vùng và miền Trung.
Đa số các em đã trở thành những cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật ở quê hương và có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và bảo vệ môi trường. Nhiều người trong số họ đã quay trở lại đại học học cao học, là NCS mà PGS trực tiếp hướng dẫn.
“Luật Giáo dục Đại học hiện nay định hướng tự chủ đại học, KHCN sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành công của các đại học theo hướng nghiên cứu. Thực tế 10 năm nay, Nghiên cứu và phát triển nông lâm - Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) đã triển khai thành công mô hình này. Tôi tin đây là hướng đi đúng đắn” – PGS Trần Thị Thu Hà chia sẻ thêm.