Dạy song ngữ ở Mường Giàng

GD&TĐ - “Từ khi triển khai dạy song ngữ, các em hứng thú hơn trong học tập. Phụ huynh cũng ủng hộ việc dạy, học thêm tiếng dân tộc Thái".

Đề án “Dạy tiếng dân tộc” nhằm góp phần duy trì, gìn giữ bản sắc văn hóa. Ảnh: Ngọc Diệp
Đề án “Dạy tiếng dân tộc” nhằm góp phần duy trì, gìn giữ bản sắc văn hóa. Ảnh: Ngọc Diệp

Đó là chia sẻ của thầy Hoàng Ngọc Toản – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Giàng sau thời gian thực hiện Đề án dạy tiếng Thái ở địa phương này.

Dạy chữ “mẹ đẻ” cho học sinh bản địa

Xã Mường Giàng (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, La Ha, Khơ Mú. Trong đó, người Thái chiếm tới 80% dân số toàn huyện.

Dân tộc Thái có tiếng nói và chữ viết riêng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, số người biết chữ Thái ngày càng ít đi. Người dân chỉ nói được tiếng Thái trong giao tiếp hàng ngày. Bởi thế, từ năm học 2016 – 2017, Trường Tiểu học Mường Giàng thực hiện Đề án dạy tiếng Thái cho học sinh các khối lớp 3, 4, 5. Đây là một trong hai nơi tổ chức thí điểm ở huyện Quỳnh Nhai. Dù đã dạy song ngữ từ nhiều năm nay, nhưng chỉ có thể triển khai tại điểm trường chính. Các điểm bản lẻ vẫn chưa thể thực hiện do thiếu giáo viên.

Thầy La Văn Thắng được lựa chọn để dạy thí điểm bởi có lợi thế là người Thái địa phương. Thầy am hiểu tính cách, con người và văn hóa bản địa. Sau khóa bồi dưỡng tiếng Thái, thầy trở thành giáo viên duy nhất của trường phụ trách môn học này.

Buổi sinh hoạt giữa giờ của học sinh vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Ngọc Diệp
Buổi sinh hoạt giữa giờ của học sinh vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Ngọc Diệp

Thầy Thắng chia sẻ: “Theo chương trình môn học tiếng dân tộc Thái có tổng 420 tiết; một năm có 140 tiết, mỗi lớp sẽ học 4 tiết/tuần. Tôi dạy đủ bốn kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Qua đó, giúp học sinh bổ sung kiến thức về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp”.

 “Tôi học 2 lớp bồi dưỡng mới có thể đi dạy. Ban đầu, bản thân gặp không ít khó khăn vì mô hình này chỉ là dạy thí điểm, ít nơi triển khai nên phải tự tìm tòi, học hỏi. Đặc biệt, về phần chữ viết, các em chưa nhìn thấy bao giờ nên việc dạy, học rất khó. Mình phải dạy học từ những chữ đơn giản đến phức tạp để cho học sinh từ từ tiếp thu. Sau đó mới dần nâng cao kiến thức”, thầy Thắng nói thêm.

Một giờ học của cô trò ở Trường Tiểu học Mường Giàng. Ảnh: Ngọc Diệp
Một giờ học của cô trò ở Trường Tiểu học Mường Giàng. Ảnh: Ngọc Diệp

Gieo hạt giống đỏ

Trong quá trình giảng dạy, thầy Thắng đã linh hoạt vận dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bài giảng. Có thể kể đến: Thảo luận theo nhóm, chơi các trò chơi, diễn kịch… để tạo môi trường phát triển kỹ năng ngôn ngữ và áp dụng được những kiến thức đã học. Từ đó, giúp học sinh dễ hiểu và tiếp thu bài nhanh.

“Tiếng Thái là ngôn ngữ đẹp cần giữ gìn và lưu truyền. Trước đây, tiếng Thái không được quan tâm, chú trọng nên dần bị mai một. Người Thái ở đây chỉ biết nghe, nói, ít người biết viết chữ. Vì thế, tôi thường căn dặn học sinh khi về nhà ôn lại kiến thức và hướng dẫn bố mẹ học cùng. Tôi cũng muốn mọi người hiểu rõ hơn về ngôn ngữ của dân tộc mình”, thầy Thắng tâm sự.

“Có những tiết học các bài đồng dao, bài hát, truyện cổ tích theo truyền thống của người Thái. Để tiết học không nhàm chán, mỗi tiết học, tôi đều đổi mới về nội dung. Hình thức truyền thụ cũng sẽ thay đổi cho phù hợp. Ví dụ: Với tiết học về thiên nhiên, tôi có thể dạy bằng cách đi thực tế ở gần trường. Đến nơi, tôi sẽ hướng dẫn học sinh đọc tên loại cây bằng hai thứ tiếng: Phổ thông và Thái. Thầy hướng dẫn rồi yêu cầu các em nêu công dụng, đặc điểm nhận dạng… Các em có thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tế luôn”, thầy Thắng bộc bạch.

Trong 5 năm dạy học song ngữ, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy, có những thay đổi phù hợp với học sinh. Mục tiêu là để Đề án đạt hiệu quả cao nhất. Thầy Hoàng Ngọc Toản – Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Theo chương trình, các em phải học một bài đồng dao trong vòng một tiết. Nếu dạy theo đúng giáo án, trò chỉ nhớ được lời và không hiểu hết nội dung. Nên chúng tôi đã thay đổi, kéo dài tiết học đó để trẻ có thể tiếp thu được hết kiến thức”.

Theo thầy Toản, giải pháp để nâng cao hiệu quả của việc dạy tiếng dân tộc, phải triển khai ngay từ khi các em bước vào lớp 1. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có tài liệu dành cho lớp 3, 4, 5. Bên cạnh đó, các em chỉ được học tiếng Thái đến hết tiểu học, thời gian sau nếu không học sử dụng thường xuyên, liên tục thì vốn từ sẽ dần mai một.

Thầy Toản cũng cho rằng: Khi biên tập tài liệu nên chia theo phát âm của từng vùng, miền. Bởi, hiện nay tất cả trường học sử dụng chung một giáo trình, trong khi mỗi vùng, miền lại có phát âm khác nhau. Đó cũng là yếu tố hạn chế để nâng cao kiến thức.

“Từ khi thầy La Văn Thắng dạy học môn Tiếng dân tộc Thái và áp dụng đổi mới phương pháp vào quá trình giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng các tiết học. Nhờ đó, học sinh hứng thú hơn trong học tập, đi học đầy đủ hơn. Phụ huynh cũng đồng tình, ủng hộ cao và tham gia nhiều hơn với công việc của trường”, thầy Toản nói thêm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.