Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có trên 120 trường đại học, cao đẳng với hơn 500.000 sinh viên đang tập trung học tập, sinh sống.
Bên cạnh đó, hàng năm lại có một số lượng hàng chục nghìn sinh viên thi đỗ các trường ĐHCĐ về Hà Nội học tập. Đây là một bộ phận cư dân của thành phố, được tham gia thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân Thủ đô, ít nhất trong thời gian học tập từ 4 – 5 năm.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 135, tình hình vi phạm pháp luật của sinh viên trên địa bàn thành phố được kiềm chế và có dấu hiệu giảm, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng sinh viên tụ tập, tham gia biểu tình… góp phần quan trọng trong đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ GD Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Về phía Bộ GD&ĐT, trong những năm qua đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng HSSV.
Bộ tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả tổ công tác liên ngành đảm bảo an ninh, trật tự trường học với sự tham gia của một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an TP Hà Nội và Trung ương Đoàn nhằm phối hợp, nắm bắt thông tin kịp thời chỉ đạo xử lý các điểm nóng, phức tạp về an ninh, trật tự trường học.
Các trường ĐHCĐ trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên thông qua “Tuần sinh hoạt công dân – HSSV” đầu năm, đầu khóa và các hoạt động ngoại khóa, hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên nhà trường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân, trong đó có ông Bùi Văn Linh (thứ 3 từ phải qua trái) |
Bên cạnh đó, các trường ĐHCĐ đã tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, công an các cấp, nhất là công an phường, xã nơi trường đứng chân trong công tác quản lý sinh viên ngoại trú, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Nhà trường đã phối hợp với công an làm tốt công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng, kiểm tra hộ khẩu, quản lý sinh viên và trấn áp các đối tượng xấu bên ngoài nhà trường. Một số trường thường xuyên tổ chức giao ban với công an địa phương để nắm tình hình, tổ chức kiểm tra khu ở ngoại trú của sinh viên.
Ông Bùi Văn Linh đề nghị các trường đại học tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành chức năng của Thành phố thực hiện tốt một nhiệm vụ, giải pháp như:
Tiếp tục chỉ đạo, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhà giáo và sinh viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên.
Đồng thời xây dựng Kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên theo từng năm học thông qua Tuần sinh hoạt công dân – HSSV đầu năm, đầu khóa, cuối khóa học và các hoạt động ngoại khóa, hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường.
Chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp và nội dung tuyên truyền, giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực của sinh viên; chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để học sinh, sinh viên tự phòng tránh các vấn đề tiêu cực ngoài xã hội.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng Internet, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên.
Cùng với đó tiếp tục xây dựng cơ chế và duy trì việc phối hợp thường xuyên giữa nhà trường với Công an và các sở, ban ngành của Thành phố trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên và công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học.
Đề nghị Công an Thành phố chủ động nắm tình hình, phối hợp với các cơ sở giáo dục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội tấn công vào trường học và những hành vi vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo và HSSV. Duy trì hiệu quả việc giao ban, trao đổi thông tin, tình hình công tác phối hợp giữa nhà trường và Công an địa phương.
Đồng thời cần tăng cường công tác truyền thông; tích cực phát hiện để biểu dương, tôn vinh những tấm gương thầy cô giáo, HSSV tiêu biểu, “lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu” để tạo niềm tin của toàn xã hội đối với các hoạt động của ngành Giáo dục.