Chuyến giám sát thực tế tại địa phương nhằm tìm ra các nguyên nhân vì sao công tác giáo dục cho trẻ khuyết tật, trẻ hòa nhập còn khó khăn, vướng mắc từ đâu, để trên cơ sở đó đưa ra giải pháp cụ thể mang tầm địa phương và Trung ương nhằm tháo gỡ.
Phải xây dựng được một môi trường hòa nhập đúng nghĩa cho trẻ
Kiểm tra và giám sát công tác giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ hòa nhập tại hàng loạt đơn vị giáo dục từ bậc mầm non cho đến THCS có nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ hòa nhập trong và ngoài công lập, lắng nghe những tâm tư của giáo viên, cán bộ quản lý, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhìn nhận, công tác giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ hòa nhập dù đã tốt hơn trước rất nhiều, nhưng vẫn còn khá nhiều thách thức.
Do đó, theo Thứ trưởng nếu địa phương không nhanh chóng có các giải pháp đồng bộ từ con người (đội ngũ giáo viên), chính sách (hỗ trợ giáo viên) đến việc đẩy mạnh tuyên truyền… thì những khó khăn mà công tác này đang đối mặt khó mà giải quyết được.
Trong hàng loạt những khó khăn được thực tế chỉ ra khi đi giám sát trực tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý các sở, ban ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần sớm có những tháo gỡ trong công tác hỗ trợ, chính sách cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật, trẻ hòa nhập. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn kỹ năng dạy và giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ hòa nhập cho giáo viên. Vì thực tế cho thấy chưa nhiều giáo viên được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nuôi dạy trẻ khuyết tật mà chủ yếu còn kiêm nhiệm.
Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 788 HS khuyết tật đang học tập tại 172 trường từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn. Hiện đối tượng này được hưởng nhiều chế độ ưu tiên như: Tuyển thẳng vào các cơ sở giáo dục; cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập, BHYT; miễn giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác, xem xét cấp học bổng, hỗ trợ tiền Tết Nguyên đán 400.000 đồng/HS/năm…
Tuy nhiên, có một thực tế là đội ngũ giáo viên chuyên sâu về giáo dục khuyết tật chưa cao (150 CBQL thì chỉ có 10 người quản lý HS khuyết tật chuyên biệt. Số giáo viên dạy HS khuyết tật là 342 thì chỉ có 95 người là giáo viên dạy HS khuyết tật chuyên biệt) nên hiệu quả giáo dục cho đối tượng HS khuyết tật chưa cao.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, chính công tác tuyên truyền cho xã hội, cho giáo viên chưa cao, nên nhiều nơi việc thực hiện các chính sách cho trẻ khuyết tật, trẻ hòa nhập chưa tốt, vẫn còn tình trạng trẻ hòa nhập bị các cơ sở giáo dục công lập từ chối phải qua học tại các cơ sở ngoài công lập với hệ thống cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Vì vậy, theo Thứ trưởng, trong thời gian tới công tác tuyên truyền cần phải đẩy mạnh, để xã hội hiểu hơn.
|
Đẩy mạnh hơn nữa chính sách hỗ trợ cho giáo viên
Việc dạy và giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ hòa nhập là một mục tiêu lớn mà Đảng, ngành Giáo dục đặc biệt lưu tâm. Vì vậy, ngoài các chế độ chính sách cho HS, trẻ khuyết tật thì đội ngũ giáo viên là những người cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa, bởi theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, việc giáo dục HS bình thường đã khó, giáo dục, dạy dỗ trẻ khuyết tật còn khó khăn hơn nhiều.
Thực tế này, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa là điều không chỉ ngành Giáo dục tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mà các địa phương khác cũng cần phải lưu tâm.
“Nghị định 28 quy định rõ, giáo viên dạy hòa nhập thì được tính 0,2%/tháng lương cơ bản. Nhưng trong giám sát thực tế tại nhiều trường, đến nay giáo viên tại tỉnh gần như vẫn chưa được hỗ trợ gì ngoài sự tình nguyện, tình yêu đối với trẻ. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 37 quy định rõ, trẻ khuyết tật đến trường phải có giấy chứng nhận khuyết tật do Hội đồng thẩm định y khoa đánh giá. Tuy vậy, thực tế giám sát cho thấy, rất nhiều trẻ không có giấy chứng nhận, ngay cả trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật cũng khó khăn trong việc này. Đây là sự thiệt thòi lớn cho HS cần phải được tháo gỡ. Vì nếu không xác định được mức độ bệnh của trẻ, các em sẽ thiệt thòi trong công tác hỗ trợ, chăm sóc, phục hồi và hòa nhập, giáo viên thiệt thòi trong quyền lợi đứng lớp” - Thứ trưởng lưu ý.
Trẻ phải được bình đẳng, chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt của trẻ. Bởi giáo dục trẻ khuyết tật, môi trường là điều kiện quan trọng nhất để điều trị cho trẻ. Nếu chỉ đưa các cháu vào lớp học với 4 bức tường, hàng rào kín mít cùng suy nghĩ đã mang lại cho trẻ cơ hội hòa nhập, thì đấy là sai lầm. Đó không phải môi trường hòa nhập thực thụ. Cái trẻ cần là tình yêu thương của giáo viên, sự sẻ chia của bạn bè và một không gian học tập đúng nghĩa
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tin tưởng, những gì mà đội ngũ giáo viên các trường chuyên biệt, trường có trẻ hòa nhập đang làm cho HS của mình là một sự trân quý đáng ghi nhận. Nhưng tình yêu thương trẻ thôi thì vẫn chưa đủ vì giáo viên cần phải có kỹ năng, hiểu biết chuyên sâu về thể trạng, bệnh lý, tâm sinh lý của trẻ khuyết tật thì công tác chăm sóc mới được tốt hơn. Đặc biệt là phải đảm bảo được quyền của người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật.
“Theo tôi được biết, hiện các trường sư phạm khi dạy sinh viên đã bắt buộc phải đưa học phần dạy trẻ khuyết tật vào giảng dạy. Do đó, việc đội ngũ dạy trẻ hòa nhập của chúng ta đến giờ vẫn chưa được bồi dưỡng là điều đáng trăn trở và sớm phải khắc phục. Trước thực trạng chúng ta nhìn thấy, tôi đề nghị các ban, ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm có các giải pháp phối hợp, kiểm tra xem khúc mắc trong công tác bồi dưỡng giáo viên, xác nhận tình trạng khuyết tật của trẻ nằm ở đâu, để thực hiện tốt, đúng và đầy đủ các chính sách cho người khuyết tật theo Nghị định 28 của Chính phủ” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu.