Sự đồng cảm và sẻ chia của cô Hội!
Giáo viên bám bản, bám trường lớp vốn dĩ đã rất khó khăn, thế nhưng, giáo viên dạy trẻ khuyết tật còn cực khổ hơn rất nhiều khi phải chăm lo cho từng em đang mang trên người những nỗi đau không ai giống ai. Trong lớp mỗi em một dạng khuyết tật, em thì bị câm điếc, em bị hội chứng Down, bị tim bẩm sinh, huyết tán rồi có em lại không có cơ vòng hậu môn, khó khăn hơn nữa là lại bị liệt,…
Cô Nguyễn Thị Hội (sinh năm 1968), sau nhiều năm dạy học ở Na Hang, đến năm 2004, cô Hội chuyển về trường tiểu học Sơn Lạc công tác, môi trường mới, cuộc sống mới, mọi điều cô lại phải học hỏi lại từ đầu, cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn.
Bản thân cô Hội gặp nhiều khó khăn nhưng cô đã giúp đỡ các em không chỉ bằng tinh thần mà còn có cả vật chất. Em Lâm Thùy Nhung, sinh năm 2007, bị liệt 2 chân, không có cơ vòng hậu môn, đường tiêu hóa của em rất kém nên việc “đại tiện” của em là tự do không làm chủ được, vì vậy cô Hội đã trích từ tiền cá nhân giúp gia đình em mua bỉm hàng tháng để giảm bớt gánh nặng với gia đình vả lại do chân em bị liệt nên việc vệ sinh thường xuyên cho em là rất khó.
Đến năm 2008, cô Hội được chuyển về Trung tâm dạy kèm và hỗ trợ lớp khuyết tật. Không được đào tạo chuyên môn, chưa từng dạy trẻ khuyết tật, nhưng nhìn những đứa trẻ ngây ngô với những nỗi đau và sự thiệt thòi lớn, cô Hội lại tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để chia sẻ với các em.
Thương cảm với các em học sinh, thế nhưng cuộc sống của cô cũng không may mắn. “Khó khăn chồng chất, cha lâm trọng bệnh, gia đình tôi phải bán hết nhà đất lo chữa bệnh mà ông cũng không qua khỏi. Mất cha xong, chồng cũng do lao động quá sức lâm bệnh mà ra đi bỏ lại cho tôi con trai cùng một mẹ già ốm nằm liệt. Nơi ở không có, mẹ con tôi thuê một căn nhà để ở, nhờ sự yêu thương đùm bọc, hỗ trợ của đồng nghiệp, công đoàn nhà trường mà nay mẹ con tôi cũng có căn nhà để ở, tôi cũng yên tâm công tác hơn”.
Niềm mong ước của cô giáo dạy trẻ khuyết tật!
Trong suốt những năm tháng dạy học, kỷ niệm mà cô giáo Hội nhắc đến là từng hoàn cảnh của các em học sinh. Với cô, đó là những số phận đã gắn bó từng ngày: “Em Chúc Minh Đức, mẹ bán hàng ăn sáng nên gửi con rất sớm, cháu lại bị nhũn lão bẩm sinh kết hợp câm, điếc không nghe ai, đến lớp thì đòi ngồi lòng cô giáo, hay như em Ma Văn Khánh - học sinh bị tăng động, thiểu năng trí tuệ nghịch ngợm, chạy nhảy không ngồi yên một chỗ. Vì vậy phải trông các cháu rất vất vả nhưng ngược lại các em lại rất nghe lời tôi nên niềm vui của tôi được nhân lên mỗi ngày”
Dạy học sinh khuyết tật thực sự rất vất vả vì không những dạy chữ mà phải dạy các em biết tự phục vụ, dạy các em học sinh bình thường ở lớp 1 đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Để làm được việc này, giáo viên cần phải kiên trì, phải có tấm lòng, có tình yêu thương, sự thông cảm đối với các em.
Mỗi ngày 2 buổi sáng chiều, cô Hội luôn chăm lo từ việc học, chơi cho các em, nhà trường lại chưa được đầu tư trang thiết bị phục vụ cho lớp khuyết tật, không có phòng hỗ trợ khuyết tật, đối với các em học kiến thức là phụ, học cách tự phục vụ, kỹ năng sống hòa nhập cộng đồng là chính nên cô luôn tự tìm tòi các phương pháp cho phù hợp với từng học sinh.
Trong 10 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, 4 năm làm công tác dạy buổi 2, hỗ trợ lớp khuyết tật, 6 năm chủ nhiệm trực tiếp dạy và chăm sóc các em học sinh lớp khuyết tật, cô Hội chỉ mong cuộc sống của các em sau này sẽ tươi sáng hơn và nhiều may mắn hơn, đó cũng chính là động lực để cô cố gắng trong công việc giảng dạy và chăm sóc các em.