Triển khai thực hiện giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật
Ngày 11/10, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa đã có công văn số 2064/SGDĐT-GDTH về việc triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các phòng giáo dục và đào tạo cùng với các cơ sở giáo dục cần tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch GDHN tại địa phương.
Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục có NKT học hòa nhập nhằm đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt công tác GDHN.
Điều tra, nắm bắt số liệu, nhu cầu về giáo dục của người khuyết tật trên địa bàn để thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ, tư vấn, huy động trẻ khuyết tật có khả năng học tập ra lớp học hòa nhập.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về GDHN (quyền và nghĩa vụ, công tác chăm sóc, giáo dục, chế độ chính sách...) cho NKT, giáo viên, phụ huynh nắm rõ để thực hiện, vận dụng.
Tư vấn, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận tiện cho gia đình NKT trong việc lập hồ sơ, thủ tục nhập học, chuyển cấp học, chuyển cơ sở giáo dục hoặc chuyển về gia đình cho NKT học hòa nhập.
Hàng năm, cần thống kê số liệu học sinh khuyết tật, cán bộ quản lý và giáo viên dạy hòa nhập để xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nhằm đảm bảo nguồn nhân lực trong công tác giáo dục hòa nhập.
Duy trì công tác kiểm tra, giám sát và báo cáo định kì việc thực hiện GDHN tại các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.
Công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật đạt nhiều kết quả
Có thể nói, công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở Khánh Hòa đã đạt được những thành quả nhất định.
Quy mô GD NKT ngày càng được mở rộng, các điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm cho NKT học tập và chất lượng GD NKT ngày càng được nâng cao.
NKT được tiếp cận với giáo dục ngày càng tăng. Ngày càng nhiều NKT đi học không chỉ ở cấp học mầm non, tiểu học mà còn ở các cấp cao hơn như THCS, THPT và các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH và sau ĐH.
Ngay cả các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì số lượng NKT được quan tâm, được tiếp cận, được đi học cũng ngày càng tăng. Nhiều hình thức tổ chức lớp học hòa nhập linh hoạt với các đối tượng NKT khác nhau.
Đội ngũ giáo viên giáo dục hòa nhập người khuyết tật từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình đối với GDHN; Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tham gia GDNKT ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, công tác giáo dục NKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Môi trường học tập, sinh hoạt của NKT chưa bảo đảm; sự tham gia, hợp tác liên ngành còn nhiều hạn chế; Kinh phí thực hiện công tác giáo dục NKT còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào các nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nguồn viện trợ không hoàn lại thông qua các chương trình, đề án, dự án.