Những nỗ lực to lớn
Theo ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT): Những năm qua, số trường, lớp học của bậc học mầm non tăng lên đáng kể, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đến trường của trẻ. Các địa phương đã kịp thời chỉ đạo, triển khai các văn bản; các cấp quản lý giáo dục đã tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản để triển khai đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ đề ra và đã đạt được những kết quả quan trọng. Quy mô, số lượng, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng được nâng lên, các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường.
Tuy nhiên, nỗ lực phát triển hệ thống là rất lớn nhưng do những điều kiện khách quan, đặc biệt là KTXH nên mạng lưới trường lớp cho dù phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Ở một số địa phương mạng lưới trường lớp mầm non phân tán, kém hiệu quả; đặc biệt là việc thiếu trường mầm non ở khu đô thị, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất. Còn tồn tại nhiều nhóm nhà trẻ, lớp MG độc lập tư thục, nhiều nhóm lớp thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Đơn cử tỉnh Vĩnh Phúc, cho dù UBND tỉnh và ngành GD đã có nhiều sự quan tâm cũng như đề xuất giải pháp phát triển bậc học này nhưng vẫn có những rào cản cần thời gian và quyết tâm chính trị lớn từ cấp Trung ương để tháo gỡ. Đó là việc thành lập trường mầm non tư thục còn gặp khó khăn do quy định về mục đích sử dụng đất (khi chủ đầu tư muốn sử dụng đất ở để thành lập trường đòi hỏi phải chuyển từ đất ở sang đất xây dựng công trình sự nghiệp - Luật Đất đai). Quy định này gây khó khăn đối với các cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục mong muốn được nâng cấp lên quy mô trường không chỉ ở Vĩnh Phúc mà còn nhiều nơi khác.
|
Căn nguyên do đâu?
Lý giải về điều này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, ông Nguyễn Bá Minh, cho rằng: Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan thì do các quy phạm pháp luật còn cần phải điều chỉnh sát với thực tế, về mặt chủ quan ở một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch, không đảm bảo quỹ đất sạch để xây dựng cơ sở GDMN, chưa thực hiện tốt trách nhiệm phát triển trường lớp đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Vùng miền núi cao, vùng sông nước còn tồn tại nhiều điểm trường nhỏ lẻ do địa bàn chia cắt, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Có thể dễ dàng nhận ra sự bất hợp lý trong việc lập, xây dựng các khu dân cư ở nhiều địa phương, đặc biệt là các khu đô thị có đông dân cư, dân số cơ học tăng nhanh, thường xuyên biến động, khó khăn cho công tác dự báo và quy hoạch. Thực tế cho thấy, đất dành cho trường học là của hiếm cho dù trong quy hoạch các cấp quản lý đều yêu cầu phải có đủ trường học cho học sinh. Không hiếm trường hợp nhà đầu tư bỏ quên yêu cầu xây trường, còn cơ quan giám sát thực hiện yêu cầu đó cũng lại… quên không có biện pháp xử lý quyết liệt.
Đi cùng với việc thiếu trường lớp là việc thực hiện các quy định về đội ngũ cũng gặp nhiều khó khăn bất cập. Nhiều địa phương thiếu GV trầm trọng. Định mức GV/lớp thấp , một số địa bàn đông dân cư số trẻ/lớp vượt quá quy định; một số địa phương đã chuyển GV phổ thông dạy cấp mầm non chưa qua đào tạo, thiếu kiến thức chuyên ngành và kỹ năng nghề nghiệp. Tỷ lệ GV/lớp ở khối ngoài công lập thấp (bình quân đạt 1,4 GV/lớp), đội ngũ này thường xuyên biến động do thu nhập thấp, chịu nhiều áp lực, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ… đều là những rào cản cần tháo gỡ.
|
Đi tìm giải pháp
Về vấn đề này Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã nhiều lần nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng GDMN cần quan tâm quy hoạch mạng lưới trường, lớp, gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng khuyến cáo các địa phương cần đặc biệt thực hiện tốt dự báo quy hoạch, kế hoạch từng năm và 5 năm cho GDMN, phải phù hợp chiến lược phát triển giáo dục. Thứ trưởng cũng lưu ý, các địa phương cần tích cực lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo..., nhằm giảm đến mức thấp nhất phòng học nhờ, học tạm, tăng số lượng trường lớp dạy học hai buổi/ngày.
Bài học kinh nghiệm ở Quảng Ninh cho thấy, tạo điều kiện cho GDMN phát triển, việc đầu tiên tỉnh này làm là rà soát thực trạng và nhu cầu đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất, trong đó có việc ưu tiên các nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng đủ phòng học phù hợp thực tế. Tỉnh này cũng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích đầu tư, thành lập, xây dựng mới các trường mầm non ngoài công lập. Do sáng tạo và cách triển khai phù hợp thực tiễn nên các cháu mầm non vùng khó khăn, vùng miền núi dân tộc được đến lớp vui chơi, học tập, giúp cho cha mẹ các cháu yên tâm lao động, sản xuất, đã phát huy tác dụng, góp phần huy động trẻ mầm non đến trường ngày càng đông.
Giải pháp biên chế giáo viên, theo NGƯT. TS Đặng Lộc Thọ, chuyên gia đến từ Trường CĐSP Trung ương: Căn nguyên của việc này là thiếu cơ chế nên nhiều địa phương thiếu giáo viên mầm non do không được phép tuyển. Cần có sự phối hợp các ngành liên quan, rà soát, đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập về chế độ, chính sách chung. Đặc biệt là vai trò của UBND các tỉnh, thành phố, cần có cơ chế thích hợp để tuyển dụng giáo viên mầm non trong bối cảnh tăng trẻ, tăng lớp hằng năm nhưng số giáo viên không đủ đáp ứng. Thực tế cho thấy, để giải quyết vấn đề khó khăn về cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ giáo viên cho GDMN cần nhiều giải pháp tổng thể của các cấp, các ngành cũng như sự linh hoạt phù hợp thực tiễn từ các địa phương.