Đẩy mạnh hoạt động thanh tra giáo dục

Đẩy mạnh hoạt động thanh tra giáo dục

(GD&TĐ) - Ngày 6/4, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo cho đề cương dự thảo “Nghị định về tổ chức và hoạt động của thanh tra GD” và “Thông tư qui định về cộng tác viên thanh tra GD”, do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì, cùng đại biểu của 14 tỉnh, các trường ĐH, CĐ đại diện các vùng miền cả nước tham dự.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Đổi mới quản lý là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, vì vậy đòi hỏi đổi mới, tăng cường hoạt động thanh tra GD. Thứ trưởng đề nghị  tập trung thảo luận, xác định, định hướng soạn thảo, xây dựng văn bản hoàn chỉnh nêu rõ vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn cho đề cương dự thảo “Nghị định về tổ chức và hoạt động của thanh tra GD” và “Thông tư qui định về cộng tác viên thanh tra GD”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo

Với mục tiêu giới thiệu định hướng soạn thảo cho 2 văn bản, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng đã trình bày đề cương dự thảo Nghị định và Thông tư. Theo đó, thanh tra của Bộ, Sở được tổ chức chặt chẽ và hoạt động có hiệu quả, hoạt động thanh tra chưa phủ hết nhiệm vụ theo qui định của pháp luật, tổ chức thanh tra ở phòng GD và cơ sở GD ĐH chưa chính qui, còn khó khăn về đội ngũ, hoạt động cộng tác viên thanh tra chưa thống nhất, điều kiện hoạt động chưa thuận lợi…vv. Tổ chức thanh tra GD có bổ sung qui định về tổ chức thanh tra ở phòng GD và bổ sung qui định về tổ chức thanh tra nội bộ ở cơ sở GD ĐH và trường TCCN.

Tư tưởng chỉ đạo của Hội thảo tập trung 4 nội dung chính: Nghị định và Thông tư phản ánh được đặc thù thanh tra GD; phù hợp pháp luật về thanh tra, về GD và qui định liên quan khác; Vừa tăng cường quản lý Nhà nước về thanh tra, vừa tăng cường hoạt động thanh tra cụ thể; cụ thể hóa một cách tối đa để có thể thực hiện được ngay sau khi ban hành.

Nhằm lấy nhiều ý kiến khách quan hơn nữa đóng góp cho đề cương dự thảo, các đại biểu đã chia thành 4 tổ để tập trung thảo luận.  

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị

Đại diện Cục nhà trường Bộ Quốc phòng cho rằng hình thức hoạt động theo mô hình trợ lý thanh tra; trong dự thảo Nghị định chưa có quy định về lĩnh vực này. Đề nghị ban soạn thảo cần đưa điều khoản về phối hợp giữa các bộ ngành chức năng trong việc thực hiện NĐ (đặc biệt là phối hợp giữa Bộ quốc phòng với Bộ GD-ĐT). Đại học Bách khoa TP.HCM nêu ý kiến, hiện chưa có quy định thống nhất về tên gọi của bộ máy thanh tra, chồng chéo nhiệm vụ giữa thanh tra nhân dân và thanh tra giáo dục. Do đó, cần thống nhất chung tên gọi tổ chức thanh tra trong các cơ sở GD, phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của thanh tra nhân dân và thanh tra giáo dục...

Các đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng về tổ chức bộ máy thanh tra trong các cơ sở giáo dục, các Đại học, học viện: Ban Thanh tra 2 cấp. Đề nghị Bộ nghiên cứu, hướng dẫn để ban hành chính sách cho cán bộ làm công tác thanh tra trong các cơ sở GD ĐH theo hướng vận dụng chế độ chính sách của thanh tra nhà nước.

Tại Hội thảo, Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng khẳng định, các trường, sở đã có những đóng góp quý báu cho công tác thanh tra GD. Các đại biểu đều khẳng định, việc soạn thảo Nghị định thay thế NĐ 85 là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay. Ông Nguyễn Huy Bằng đề nghị các trường, sở tiếp tục tham gia đóng góp cho công tác thanh tra bằng nhiều hình thức khác nhau. Với đội ngũ cộng tác viên có nhiều đóng góp hiệu quả cho công tác thanh tra cần có chế độ đãi ngộ hợp lý.  


Ngọc Bích

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ