Đây là vũ khí giúp các loài vượt qua điều kiện khắc nghiệt

Sex để sinh sản là cách kết hợp gene của hai cá thể bố mẹ ở các loài, trong đó có con người, giúp con non loại trừ gene xấu và phòng chống bệnh lây nhiễm tốt hơn.

Đây là vũ khí giúp các loài vượt qua điều kiện khắc nghiệt
Sex - vu khi giup cac loai vuot qua dieu kien khac nghiet - Anh 1

Loài rận nước có thể sinh sản theo cả hai phương pháp vô tính và hữu tính. Ảnh: Đại học Stirling.

Các nhà khoa học phát hiện việc sinh sản qua hoạt động giao phối có thể giúp những thế hệ tương lai chống lại bệnh truyền nhiễm.

Khác với sinh sản vô tính, cách sinh sản này cho phép con non kế thừa gene từ cha mẹ, có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện môi trường thay đổi, bao gồm các loại ký sinh trùng liên tục tiến hóa, theo International Business Times.

Trong sinh sản vô tính, con non sinh ra từ một cá thể duy nhất và thừa hưởng gene từ cá thể đó. Đây là phương pháp sinh sản ở một số loài động vật và thực vật như sán dẹp hoặc cây dâu tây.

Phương pháp này đơn giản hơn so với sinh sản hữu tính do không cần tìm bạn tình và cũng không sản sinh ra những con đực vốn không có khả năng sinh con.

Nhưng phần lớn các loài vẫn lựa chọn sinh sản hữu tính trong quá trình tiến hóa, khiến giới nghiên cứu băn khoăn về nghịch lý sinh học này.

Trước đây, một số giả thuyết từng được kiểm nghiệm, bao gồm quan niệm cho rằng sinh sản hữu tính cho phép thanh lọc những gene xấu ở một quần thể bằng cách kết hợp gene từ cá thể bố và mẹ ở con non.

"Có giả thuyết khẳng định sex chấm dứt sự tồn tại của gene xấu ở một số con non thông qua chọn lọc tự nhiên. Vấn đề là điều này chỉ thể hiện ở một số loài nhất định, do đó giả thuyết thiếu tính tổng quát", tiến sĩ Stuart Auld ở Đại học Stirling, Anh, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Trong nghiên cứu công bố hôm qua trên Kỷ yếu của Hiệp hội Hoàng gia B, các nhà khoa học tìm hiểu loài rận nước, một loài được cho là rất thú vị vì có thể sinh sản theo cả phương pháp vô tính và hữu tính.

"Rận nước có thể sinh sản theo cả hai cách. Trong thời kỳ khó khăn và quần thể chịu áp lực, chúng chuyển từ sinh sản vô tính sang sinh sản hữu tính và ấp trứng. Điều này cho phép chúng tôi so sánh con non sinh ra từ cả hai phương pháp trong cùng môi trường", Auld nói.

Các nhà khoa học để hai loại con non của rận nước tiếp xúc với một vi khuẩn ký sinh mang tên Pasteuria ramosa, mối đe dọa lớn nhất trong môi trường sống của loài này. Họ phát hiện khi gặp ký sinh trùng, con non sinh bằng phương pháp hữu tính có sức đề kháng tốt gấp đôi con non sinh bằng phương pháp vô tính.

Con non có gene phong phú dường như được trang bị khả năng phòng tránh truyền nhiễm tốt hơn trước chủng vi khuẩn lây nhiễm ở thế hệ trước. Sự kết hợp gene của cả hai cá thể bố mẹ giúp chúng chống lại ký sinh trùng khỏe hơn.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu chỉ ra nhu cầu cấp thiết đối với phòng tránh nhiễm trùng của các loài sinh vật có thể lý giải tại sao sinh sản hữu tính vẫn được duy trì trong thế giới tự nhiên dù phức tạp hơn sinh sản vô tính.

Theo Phụ Nữ News/VNE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ