Dạy học trực tuyến: Nhận diện thách thức để tìm giải pháp

GD&TĐ - 4 thách thức lớn nhất với dạy học trực tuyến được TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đưa ra đều liên quan đến nhận thức về dạy học trực tuyến.

Hỗ trợ từ phía gia đình trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến là hết sức quan trọng. Ảnh minh họa
Hỗ trợ từ phía gia đình trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến là hết sức quan trọng. Ảnh minh họa

Vẫn còn tư duy áp đặt

TS Tôn Quang Cường cho rằng: Không thể lấy tiêu chí, nhìn nhận của cách dạy trước đây để đưa vào so chiếu hay đánh giá cho dạy học trực tuyến. Điều này không phù hợp vì bản thân phương thức dạy học trực tuyến sẽ đòi hỏi một cách vận hành, yêu cầu khác đối với những yếu tố xuất hiện trong quá trình này.

Nếu tư duy này vẫn còn sẽ gây khó khăn lớn cho đội ngũ giáo viên và các trường. Cần phải cởi mở, nhìn nhận và xử lí công việc theo cách mới, linh hoạt và phù hợp hơn, theo nguyên tắc cơ bản của dạy học trực tuyến để bảo đảm những mục tiêu giáo dục.

Trong bối cảnh đó, cần ban hành các hướng dẫn bổ sung, kịp thời và cụ thể để cho các nhà trường và đội ngũ giáo viên an tâm, tự tin thực hiện chương trình giáo dục.

Không thể đơn giản hóa dạy học trực tuyến

Dạy học trực tuyến không chỉ là bài học “nhìn thấy nhau trực tuyến”, càng không phải là những bài học được “phân phối” thuần túy qua các kênh công nghệ (tivi, website, hệ thống quản lí học tập, YouTube, Facebook hay các kênh truyền thông xã hội khác). Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, từng áp dụng phương thức dạy học từ xa và trực tuyến thành công, toàn bộ quy trình, thủ tục và điều kiện triển khai được tính toán và cũng cần phải có thời gian để chuẩn bị, thiết lập một cách bài bản, có hệ thống.

Nhấn mạnh điều này, TS Tôn Quang Cường lưu ý: Đằng sau mỗi bài học trực tuyến là cả hệ thống được vận hành: Sự tham gia, kết nối và tương tác của giáo viên và học sinh ngoài giờ “lên lớp trực tuyến”, khả năng tiếp cận của học sinh với hệ thống các bài giảng được số hóa, sự hỗ trợ 24 giờ/7 ngày bằng các công cụ công nghệ khác nhau, hệ thống hỗ trợ thích ứng, kiểm tra, đánh giá người học…

Tất cả vẫn còn là những bài toán và công việc cần tiếp tục trong thời gian tới để hướng đến dạy học trực tuyến đúng với bản chất, ý nghĩa và nguyên tắc của nó. Trước mắt, cần tái cấu trúc lại hệ thống nội dung giảng dạy từ cấp độ chương trình đến từng bài học. Tránh tư duy “chuyển dịch” cơ học từ bài dạy truyền thống sang trực tiếp.

Cần “chuyển đổi” chúng theo tiếp cận hoạt động cụ thể, mang lại ý nghĩa cho học sinh: Sau khi học xong bài, học sinh có thể làm được cái gì chứ không phải xem, nghe, nhìn được cái gì? Cái gì không truyền đạt trực tiếp được phải tính đến công nghệ hỗ trợ, thay thế, để đảm bảo các nội dung đó được đưa đến học sinh một cách phù hợp, hiệu quả nhất trong điều kiện cho phép.

TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh: Không thể áp dụng nguyên các phương pháp dạy học được đào tạo, từng áp dụng thành công trước đây vào môi trường dạy học trực tuyến. Có 2 điểm chí cốt, kĩ năng thiết yếu tạo nên sự khác biệt về phương pháp đối với 2 hình thức dạy học này là tương tác không tiếp xúc và phải có công nghệ hỗ trợ. Cả 2 điều kiện này vốn dĩ chưa được trang bị cho hầu hết đội ngũ giáo viên trước đây. Do đó, cần phải cấp tốc lựa chọn những phương án phù hợp nhất và tập huấn ngay cho đội ngũ giáo viên.

Càng không thể để tư duy “bám sát sách giáo khoa” tồn tại trong dạy học trực tuyến. Học liệu số, bài giảng số, minh họa số, câu hỏi kiểm tra định dạng số… là những công việc chưa hề được huấn luyện trang bị cho giáo viên cả về nhận thức lẫn kĩ năng thiết kế. Với các ưu điểm vượt trội về khả năng mở rộng, tích hợp, phát triển dữ liệu trên các lớp định dạng kĩ thuật số, những nội dung này có khả năng kích thích sự chủ động, linh hoạt và tạo động cơ, hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có khả năng tích hợp, mở rộng kiến thức và sáng tạo thiết kế học liệu số phù hợp.

Xây dựng ý thức tự giác cho học sinh trong giờ học trực tuyến.
Xây dựng ý thức tự giác cho học sinh trong giờ học trực tuyến.

Sửa tư duy “thả nổi”

Cùng một lúc đội ngũ giáo viên vừa phải tập huấn, bồi dưỡng để tiếp cận với các vấn đề mới của chương trình giáo dục phổ thông, lại vừa phải đối mặt với thách thức triển khai dạy học trực tuyến trong khi chưa hề có được những kĩ năng nền tảng, hệ thống đáp ứng yêu cầu này. Hệ thống lí luận, kĩ năng nghiệp vụ sư phạm dạy học trong môi trường trực tuyến cơ bản, sự chuẩn bị các yếu tố, điều kiện cần để triển khai dạy học trực tuyến đồng bộ còn sơ sài. Giáo viên chưa thể xoay xở kịp.

Do đó, TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh: Mỗi nhà trường, tổ chuyên môn cần huy động sức mạnh và trí tuệ tập thể để đưa ra phương án cụ thể: Cùng phối hợp sản xuất học liệu số, tập huấn kĩ năng sử dụng công nghệ, kĩ năng tổ chức tiến trình bài học trực tuyến, kĩ năng hỗ trợ học sinh.

Trong giai đoạn này rất cần sự vào cuộc của các chuyên gia giáo dục, thầy cô có kinh nghiệm sư phạm và công nghệ giáo dục, sự vào cuộc của các cơ sở đào tạo giáo viên (kể cả đối tượng đang là sinh viên sư phạm) để thiết kế ngay khóa tập huấn nghiệp vụ dạy học trực tuyến, tài liệu hỗ trợ, cẩm nang hướng dẫn ngắn… để lan tỏa, cung cấp rộng rãi cho đội ngũ giáo viên; huy động sự tham gia tình nguyện của cộng đồng mạng giáo dục cùng tham gia…

Không thể “dàn hàng ngang” hoặc “nghe ngóng chờ đợi”

Chắc chắn dù Covid-19 có đi qua, chúng ta cũng không thể quay trở về trạng thái từ nhiều năm trước đây. Giáo dục, dạy học, tâm thế của giáo viên và học sinh, xã hội chắc chắn sẽ chuyển sang một biểu hiện mới, trạng thái mới. Do đó, cần phải xác định dạy học trực tuyến sẽ có một chỗ đứng nhất định trong “nhận thức giáo dục” của chúng ta, dần dần sẽ trở thành hình thái giáo dục chạy song hành với giáo phương thức giáo dục truyền thống, khi hội tụ đủ các điều kiện.

Trong tiến trình này, theo TS Tôn Quang Cường, sẽ không có sự “cùng nhau bước đi” mà có các nhân tố mới xuất hiện. Không phân biệt và không có sự ưu ái nào cho khái niệm “giàu truyền thống học tập” hay giàu nghèo theo cách hiểu thông thường của kinh tế học giáo dục. Sự quyết tâm, ý chí và chủ động thực hiện sẽ là yếu tố then chốt cho quá trình triển khai hình thái dạy học trực tuyến được thành công. Thực tế đã chứng minh, nhiều điểm sáng về chuyển đổi số trong dạy học, thực hiện dạy học trực tuyến lại không phải là những nơi có điều kiện, phương tiện đầy đủ hay đội ngũ đã từng được đào tạo bài bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ