Đặc biệt, chú trọng việc học trực tuyến của lớp 1 và chương trình giáo dục phố thông (CTGDPT) mới.
Linh hoạt trong dạy và học
Ngay sau lễ khai giảng “đặc biệt” bằng hình thức trực tuyến, cô trò trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) đã bắt đầu năm học 2021 -2022 trực tuyến bằng ứng dụng Zoom. Cô Teo Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, nếu trước đây, cô trò còn bỡ ngỡ thì năm học này Nhà trường đã chủ động và sẵn sàng dạy học trực tuyến ngay sau khi tuyển sinh lớp 1 hoàn thành.
“Phần mềm Zoom có lúc bị out ra, tuy nhiên nhà trường đầu tư thêm đường truyền và thiết bị học tập. Bên cạnh đó, chất lượng bài giảng hay và đồng hành từ phụ huynh học sinh đã giúp việc dạy và học trực tuyến hiệu quả, các buổi học trở lên hấp dẫn...” cô Mai chia sẻ.
Theo cô Mai, nhà trường có điều chỉnh phương pháp dạy học đối với lớp 2 và lớp 5 để phù hợp với CTGDPT mới đã thay đổi đối với lớp 6.
"Chỉ trong 2 tuần đầu học tập với sự hỗ trợ của ngành giáo dục quận Hà Đông và các thầy cô, phụ huynh hướng dẫn cho các em về thời gian học tập, sử dụng thiết bị an toàn, đến nay, việc học tập (lớp 2 đến lớp 5) đã thực hiện tốt đến chương trình của tuần thứ 6.
Riêng đối với lớp 1, qua tuần đệm, các em đã hết bỡ ngỡ. Nhà trường dạy chậm hơn, chẻ nhỏ các bài học, chủ yếu dạy kỹ năng như: dạy đọc, viết và hạn chế dạy lan man một số bộ môn. Đến nay, học sinh lớp 1 đã bước sang chương trình học tuần thứ 4…”, cô Mai thông tin.
Với các môn chuyên biệt như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục..., nhà trường thống nhất với Tổ chuyên môn, giáo viên sẽ quay clip tiết dạy ngắn gọn (8 đến 12 phút) để gửi đến nhóm zalo cho phụ huynh và học sinh. “Clip sinh động, đủ nội dung chính của bài học, giúp các em vừa học tập, thư giãn, vừa phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe...", cô Mai chia sẻ.
Đối với môn Toán và Tiếng Việt của lớp 1, hiện học sinh lớp 1 trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã biết đọc, viết được đúng theo chương trình tuần 4 và không để sót bài học. Với lớp 2, thực hiện CT GDPT mới, do được tập huấn tốt, giáo viên đã không bỡ ngỡ, vào nhịp tốt bằng cách sắp xếp thời khóa biểu khoa học giúp tiết học trở lên hấp hẫn, sinh động.
“Nhà trường đổi mới trong chương trình là hoạt động trải nghiệm tích hợp phần chào cờ, sinh hoạt lớp… xếp vào thứ 6, tiết cuối buổi tối. Qua đó, để đánh giá kết quả học tập của các em trong tuần. Đồng thời, tổ chức khen ngợi động viên cũng như điều chỉnh kịp thời...", cô Mai nhấn mạnh.
Còn cô Phương Thị Thìn - Hiệu trường trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) cho biết, năm học 2021 -2022 xác định là năm học có nhiều khó khăn, thử thách. Bởi vậy, Nhà trường chủ động trong việc dạy học trực tuyến để phòng chống dịch.
Ngay trong tháng 8, Nhà trường tổ chức gặp mặt học sinh qua phần mềm Zoom với khoảng 1.000 học sinh có thể vào được. Sau khi lấy ý kiến, 100% phụ huynh học sinh thống nhất việc dạy và học lớp 1 cũng như khối lớp khác thực hiện trong giờ hành chính.
Theo cô Thìn, việc dạy và học của học sinh lớp 1 không tổ chức vội vàng. "Trong 2 tuần đầu nhà trường cho học sinh làm quen với thiết bị, hệ thống Zoom chỉ có bật tắt camera và nói chuyện tương tác với cô giáo. Qua đó, tạo nề nếp học tập, đến tuần thứ 3 bắt đầu vào các bài học cơ bản và có sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh học sinh…”, cô Thìn chia sẻ.
Trường Tiểu học Văn Yên trang bị cho các lớp máy soi vật thể và bảng nhỏ giúp tương tác giữa cô trò hiệu quả hơn trong dạy trực tuyến.
"Từ lớp 1 đến lớp 5 triển khai dạy và học trực tuyến rất tốt đảm bảo chất lượng dạy học. Nhà trường lựa chọn lượng kiến thức và biết cách cho học sinh học trọng tâm nhất đảm bảo chất lượng dạy và học...", cô Thìn nhấn mạnh.
Thích ứng với dịch bệnh
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông (TP Hà Nội) cho biết, sau hơn 1 tháng dạy và học trực tuyến, đến nay các nhà trường ổn định đi vào nề nếp quen được nếp dạy trực tuyến.
"Từ tháng 7, tháng 8/2021 các nhà trường đã nỗ lực chuẩn bị triển khai nội dung, cơ sở vật chất để dạy học trực tuyến cũng như công tác phòng chống dịch bệnh. Ngay sau lễ khai giảng đến nay, việc tổ chức dạy học trực tuyến được phụ huynh học sinh hỗ trợ giáo viên rất lớn, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2. Qua đó, việc triển khai dạy học diễn ra thuận lợi, đảm bảo chất lượng…”, bà Hằng chia sẻ.
Sau 2 tuần học trực tuyến, phòng GD&ĐT Hà Đông đã có buổi họp với Hiệu trưởng các trường để lắng nghe những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến. Từ đó, Phòng GD&ĐT kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn (nếu có) tại các trường trong điều kiện dịch bệnh.
Hưởng ứng Chương trình "Sóng và máy tính cho em", đến nay toàn ngành GD&ĐT quận Hà Đông đã tặng được 334 thiết bị học tập với giá trị trên 1 tỷ cho học sinh khó khăn. Ngoài ra, phòng GD&ĐT quận Hà Đông hỗ trợ 1 giáo viên từng là F0 và cùng các nhà trường hỗ trợ 25 giáo viên khác gặp khó khăn vì dịch Covid-19.
Tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội), ông Hoàng Mạnh Cường - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ việc dạy học trực tuyến ở tất cả các bộ môn. Đa số giáo viên chủ động, tự giác bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học. Đến nay, việc dạy học trực tuyến của ngành giáo dục Phúc Thọ vào nề nếp, đảm bảo chất lượng.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ cũng cho biết, triển khai dạy học trực tuyến cũng gặp khó khăn như: một số giáo viên soạn giáo án điện tử, bài giảng E-learning còn hạn chế, học sinh lớp 1,2,3 thao tác và sử dụng máy tính, điện thoại thông minh gặp khó khăn, nhiều em còn thiếu về thiết bị học tập…
“Ngành giáo dục huyện tiếp tục cập nhật các ứng dụng, tập huấn cho giáo viên kỹ năng về dạy học trực tuyến, an toàn tổ chức lớp học trực tuyến, lựa chọn phần mềm thiết kế bài giảng, nguồn học liệu để nâng cao chất lượng giảng dạy…
Đối với học sinh khó khăn, các trường lập danh sách đề nghị hỗ trợ theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bên cạnh đó, giáo viên hướng dẫn học sinh tự học trong sách giáo khoa, học các bài học trực tuyến trên truyền hình…”, Trưởng phòng GD&ĐT Phúc Thọ Hoàng Mạnh Cường.