Vai trò đầu tàu trong triển khai dạy học trực tuyến

GD&TĐ - Triển khai dạy học trực tuyến, không chỉ giáo viên cần thay đổi để thích ứng mà công tác quản lý, chỉ đạo trong nhà trường cũng phải đổi mới, sát sao và đồng hành cùng đội ngũ.

Thầy và trò cùng vượt qua Covid-19 bằng hình thức dạy và học trực tuyến.
Thầy và trò cùng vượt qua Covid-19 bằng hình thức dạy và học trực tuyến.

Vai trò đầu tàu

Triển khai dạy học trực tuyến, lãnh đạo nhà trường, đặc biệt hiệu trưởng đóng vai trò “đầu tàu”, quyết định phương án, kịch bản dạy học phù hợp với điều kiện thực tế từng trường. Hoạt động chuyên môn hiệu quả hay không, có phần quan trọng từ sự chỉ đạo, sắp xếp, điều tiết của lãnh đạo nhà trường.

Năm học 2021 - 2022, Trường THPT Võ Thị Sáu, TP Châu Đốc, An Giang có 36 lớp với 1.550 HS. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, HS không thể đến trường, để bảo đảm công tác dạy học, nhà trường triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến ở 3 khối lớp: Khối 12 bắt đầu học từ 6/9; khối 10 và 11 học từ 20/9 theo hướng dẫn chung của Sở GD&ĐT. Mọi kế hoạch hoạt động của nhà trường bởi vậy đều phải thay đổi để phù hợp và thích ứng với thực tiễn.

Chia sẻ của Hiệu trưởng Trương Thị Nguyện, dạy học trực tuyến, không chỉ giáo viên mà lãnh đạo nhà trường cũng vất vả vì phải luôn chủ động và thay đổi linh hoạt trong quản trị, quản lý nhà trường. Mỗi thành viên trong ban giám hiệu phụ trách một mảng công việc về chuyên môn, hoạt động giáo dục ngoài giờ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch, lãnh đạo nhà trường phải thường xuyên tham mưu, gắn kết với chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ HS và phụ huynh HS.

“Ban giám hiệu bố trí dự giờ, thăm lớp để động viên thầy cô, HS; định kỳ tổ chức họp rút kinh nghiệm từ các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong việc dạy học. Kịch bản dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện dạy học trong dịch bệnh cũng cần sự chủ động, nhanh nhạy của lãnh đạo nhà trường.

Tại Trường THPT Võ Thị Sáu, kế hoạch dạy học trực tuyến được sắp xếp phù hợp hơn, chỉ dạy 1 buổi trong ngày, 1 ngày không quá 4 tiết (mỗi tiết từ 30 - 40 phút) để tránh HS tiếp xúc quá lâu với máy tính. Dạy học tập trung nội dung kiến thức trọng tâm, cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Khi thiết kế bài học trực tuyến, giáo viên lượng hóa nội dung trọng tâm, cốt lõi của bài học, có kế hoạch củng cố, bổ sung kiến thức khi đi học trực tiếp trở lại” - cô Trương Thị Nguyện chia sẻ.

Là cơ sở giáo dục thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn của Đắk Lắk, Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar) hiện có 67,3% HS tham gia học trực tuyến. Để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả, nhất là với HS đồng bào dân tộc, cô Lương Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban giám hiệu bên cạnh cập nhật, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên còn nhanh chóng tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến, giúp thầy cô nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như nắm bắt công nghệ thông tin kịp thời.

Lãnh đạo nhà trường đồng thời chịu trách nhiệm sắp xếp thời khóa biểu hợp lý với từng HS; phân công giáo viên có chuyên môn về công nghệ thông tin giúp đỡ giáo viên khác; tuyên truyền hướng dẫn phụ huynh HS cài đặt phần mềm trên điện thoại, Ipad và máy tính.

“Nhờ sự sát sao của ban giám hiệu để đồng hành cùng giáo viên, điều chỉnh chương trình, thời gian phù hợp với từng đối tượng HS cùng với nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, sự đồng thuận của phụ huynh HS, số HS tham gia học trực tuyến từ 314 HS nay tăng lên 452 em, đạt tỷ lệ 67,3%. Số HS còn lại cũng tham gia học bài, làm bài đầy đủ” - cô Lương Thị Hồng cho hay.

Lãnh đạo TP Việt Trì trực tiếp kiểm tra công tác dạy và học trực tuyến tại một số trường học trên địa bàn. Ảnh minh họa: ĐVT
Lãnh đạo TP Việt Trì trực tiếp kiểm tra công tác dạy và học trực tuyến tại một số trường học trên 
địa bàn. Ảnh minh họa: ĐVT

Tăng hiệu suất quản lý

Trong điều kiện dịch bệnh, ngành Giáo dục đã linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp, bảo đảm quyền được học của HS. Tại Vĩnh Long, theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, HS được hỗ trợ học tập tại nhà qua 2 hình thức chủ yếu là dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. HS không có điều kiện học trực tuyến sẽ được thầy cô liên hệ gửi tài liệu và hướng dẫn học tập tại nhà..

Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh, theo ông Trịnh Văn Ngoãn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các cơ sở giáo dục, vì đây là nơi cụ thể hóa các chủ trương, quyết sách của ngành. Nếu lãnh đạo, giáo viên các cơ sở tâm huyết, trách nhiệm và linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ thành công.

Riêng lãnh đạo nhà trường cần tổ chức tập huấn cho giáo viên, phân công hỗ trợ nhau trong quá trình dạy học trực tuyến; phải gương mẫu đi đầu trong triển khai dạy học trực tuyến. Lãnh đạo nhà trường cũng cần lựa chọn hình thức tổ chức lớp học phù hợp để mọi HS đều có cơ hội tiếp cận kiến thức (lớp học ảo, lớp học không khoảng cách, lớp học tại nhà...); cũng như chuẩn bị điều kiện để tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá không trực tiếp khi HS tạm dừng đến trường.

Ngoài ra, việc chủ động liên hệ để hỗ trợ HS của đơn vị đang học tạm ở nơi khác và giúp đỡ HS nơi khác đang học tạm tại trường mình cũng phải được quan tâm đúng mức, với quan điểm không để HS nào bị bỏ lại phía sau.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết: Thực tế cho thấy, dạy học hiện nay không thể chỉ dựa vào một mô hình (hay phương thức) duy nhất để vận hành hệ thống phân phối tri thức, kĩ năng.

Điều này dẫn đến sự cần thiết phải “cấu hình lại”, “khởi động lại” và thậm chí “tăng hiệu suất chức năng” của hệ thống quản lý dạy học trong nhà trường để thích ứng và ứng đáp trước các tác động vào quá trình giáo dục đang diễn ra hiện nay. Cần thống nhất xây dựng nền tảng quản lý học tập chung cho các cấp học giáo dục phổ thông.

Theo kinh nghiệm một số nước, Bộ Giáo dục là cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt và quản lý khoảng 2 - 4 hệ quản lý học tập chung. Trên nền tảng chung này, nhà trường có thể chủ động đề xuất tích hợp thêm các hạ tầng và giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện cụ thể. - Ông Tôn Quang Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.