Nghiệp “trồng” người
Dù thời tiết khắc nghiệt, đường sá không thuận lợi, sống xa gia đình người thân, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần… song biết bao thầy cô giáo vẫn hàng ngày đến với những bản làng vùng cao để dạy học. Mỗi câu chuyện về cuộc sống, chuyện trường lớp, dạy dỗ học trò... của họ nếu một lần được tận mắt chứng kiến, được nghe họ tâm sự sẽ không khỏi cảm phục, xúc động. Mỗi thầy cô là một minh chứng sống động về sự vượt khó để gieo chữ trồng người.
Cô Nguyễn Thị Nhuận, quê quán xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), sau khi tốt nghiệp CĐSP Thái Nguyên được phân công lên xã Nghĩa Thuận công tác tại Trường Mầm non Nghĩa Thuận. Khi ấy địa bàn Nghĩa Thuận đang là điểm trắng mầm non.
Xuống địa bàn, để có học sinh mở lớp cô phải đến từng nhà trong thôn bản vận động bà con cho trẻ đi học. Vận động một lần không được, thì phải trở lại nhiều lần, kiên nhẫn tâm sự thuyết phục đến khi nào phụ huynh hiểu mà cho trẻ tới lớp. Nhiều khi trèo đèo, lội suối, men rừng, chân tay xước xát bật máu, vừa đi vừa khóc vì vất vả mà tới nơi bà con vẫn một mực nói: “Con tao cho ở nhà thôi, nó còn bé tí học hành cái gì? Chẳng cần phải học, khi nào nó lớn bằng sào bằng gậy học cũng chưa muộn…”.
Cảnh trượt ngã giữa đường như thế này đã quá quen thuộc với giáo viên cắm bản |
Năm đầu tiên mở lớp chưa có điểm trường, cô Nhuận lại phải đứng ra mượn tạm nhà dân để dạy học. Nhà trường không điện, thiếu ánh sáng, một mình cô xoay xở với 11 học sinh. Giáo viên dạy học theo chương trình 26 tuần và dựa theo nghiệp vụ sư phạm để dạy. Năm đầu tiên xã hỗ trợ một phần đồ dùng học tập. Chưa đủ để dạy học, cô lại tự mày mò nghiên cứu, tạo đồ dùng dạy học bằng vật liệu có sẵn…
Hai năm công tác tại điểm trường Tả Súng Chư, cô giáo Nguyễn Thị Nhuận trải qua biết bao khó khăn, thử thách từ điều kiện sinh sống tới việc dạy học. Khi điểm trường thôn Tả Súng Chư đã đi vào ổn định, dạy và học đã đi vào quy lát thì cô lại được lãnh đạo nhà trường tin tưởng cử tới điểm trường xa và khó khăn hơn để tiếp tục thử thách và phát huy hết năng lực.
Cô Lê Thị Đặng – Trường TH số 1 Mường Mươn – Điện Biên kể: Mới lên có lẽ chẳng ai hình dung hết sự khó khăn phía trước mà họ sẽ phải đối diện. Nhiều cô giáo trẻ đã ứa nước mắt mỗi khi gặp câu hỏi: Cô giáo trẻ, xinh thế mà lên đây công tác à? Bố mẹ lên thăm con cũng không cầm được lòng trước thực tế quá khó khăn chỉ biết khuyên nhủ: “Bỏ nghề về xuôi”. Ấy thế mà các cô chuyển từ lạ thành quen rồi trụ vững, và chẳng ai bỏ nghề.
Vừa dạy vừa dỗ |
Gặp hai cô giáo trẻ Vi Thị Lý, Lò Thị Cam tại điểm trường mầm non Na Mèo khu Son, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được các cô chia sẻ: Nơi đây dân cư sống rải rác, đường lên thôn bản chưa được bê tông hóa, có xóm chưa có điện nước sinh hoạt. Tại điểm trường mầm non Na Mèo khu Son, hai cô chịu trách nhiệm dạy 2 lớp ghép: 3 và 4 tuổi; một lớp nhà trẻ với tổng số 20 học sinh.
Đáng nói, cơ sở vật chất của điểm trường vô cùng khó khăn, đồ chơi, đồ dùng dạy học giáo viên và học sinh đều thiếu. Để khắc phục phần nào cho hoạt động giảng dạy, hai cô giáo phải tạo đồ chơi đồ dùng dạy học từ nhiều vật phẩm. Thế nhưng điều ái ngại hơn cả là điểm trường vẫn không có điện nước gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động chăm sóc, dạy học cho học sinh. Nhà công vụ giáo viên cũng không có, hai cô giáo phải thuê hoặc tá túc nhờ dân cách xa trường.
Nhiều thầy cô lên với vùng cao Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa… dạy học đã tâm sự rằng, người thân bạn bè không ít lần đặt câu hỏi vì sao họ lại chọn những nơi rừng núi xa xôi, thiên nhiên khắc nghiệt để công tác. Sự ái ngại ấy có lý bởi hầu hết ở vùng núi cao, đi lại vô cùng khó khăn, các điểm trường đều chung tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn.
Nhiều năm trước và đến bây giờ tại nhiều điểm trường lẻ các thầy cô và trò vẫn phải dạy và học trong phòng học tạm bợ tranh tre nứa lá. Tình trạng thiếu điện nước, không có sóng điện thoại cũng phổ biến. 5 - 6 giờ chiều (đặc biệt vào mùa đông) những điểm trường nằm sâu trong bản làng đã tối om và như sắp chìm vào giấc ngủ. Các thầy cô giáo sau giờ lên lớp chỉ có ngọn đèn dầu để thắp sáng sinh hoạt và soạn giáo án…
Vượt lên thách thức
Đến nay các địa phương, ngành Giáo dục đã có sự quan tâm đầu tư đáng kể cho giáo dục. Tuy nhiên, đời sống của nhà giáo vùng cao ở nhiều nơi vẫn còn nhiều khó khăn phải khắc phục.
Để cải thiện và tăng thêm thu nhập cho cuộc sống, nhiều thầy cô đều trồng rau, nuôi gà, buôn bán nhỏ lẻ… Nhiều giáo viên vùng cao cho biết đồng lương cơ bản chỉ giúp họ chi tiêu tằn tiện tại nơi đang công tác sau khi đã gửi một phần tích cóp hàng tháng về gia đình nuôi con ăn học. Đã vậy, việc mua sắm lương thực, thực phẩm, các vật dụng cần thiết… ở vùng cao, nơi địa bàn đi lại khó khăn bao giờ giá cả cũng đắt đỏ hơn dưới xuôi bởi công vận chuyển lớn.
Dạy học trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn |
Một số lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất cho cuộc sống như thịt lợn tươi, rau xanh được bán với giá đắt gấp đôi. Ở nhiều nơi, địa hình đồi núi, khô cằn thiếu nước, người dân không thể chăn thả cá thì quanh năm cũng chẳng có cá để mua, muốn cải thiện bữa ăn hàng ngày bằng thức ăn tươi các thầy cô phải tranh thủ mua hoặc gửi người mua tận dưới xuôi mang lên, chế biến ăn cả tuần. Một số thực phẩm khô như: Trứng, lạc, cá khô, đồ hộp… là thức ăn quen thuộc vào các ngày cuối tuần của giáo viên khi đồ ăn tươi mang lên đầu tuần đã hết.
Không chỉ khó khăn về thực phẩm hàng ngày, nguồn nước sạch sinh hoạt hàng ngày cho đời sống giáo viên vùng cao ở nhiều nơi vẫn là bài toán khó. Khắc phục tình trạng này, các nhà trường đã tăng cường đầu tư đường ống dẫn nước từ khe suối chảy vào bể chứa. Tuy nhiên, nguồn nước xa, hệ thống ống dẫn hay hư hỏng, nước ít đặc biệt vào các mùa khô… nên nước sinh hoạt luôn trong tình trạng tiết kiệm.
Nhắc tới đội ngũ thầy cô giáo đang công tác giảng dạy ở vùng núi cao là nói tới tinh thần vượt khó, tình yêu thương học trò, yêu nghề hơn cả bản thân. Vì học trò, họ sẵn sàng vượt núi băng rừng, vượt suối, vượt mọi khó khăn thách thức. Con đường mang chữ đến học trò của họ là biết bao hy sinh thầm lặng, những mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu và sự nguy hiểm tới tính mạng.
Thầy Phùng Thế Tùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu (Lào Cai) cho biết: Các thầy cô giáo, cán bộ… đều 100% dùng nước mưa cho sinh hoạt, nấu ăn. Bể chứa nước mưa của nhà trường tích được bao nhiêu thì thầy cô giáo và học sinh dùng bấy nhiêu. Dù đã chắt chiu, tiết kiệm nhưng các hoạt động liên quan đến nước đều luôn trong tình trạng thiếu thốn. Nước để nấu ăn hàng ngày giáo viên phải mua nước sạch, nước thải sinh hoạt thải ra được dẫn vào các hố lắng lọc sau đó tái sử dụng để tưới cây. Không đủ và chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo nên giáo viên phải mang quần áo đủ mặc lên trường cả tuần, cuối tuần về nhà lại mang theo quần áo bẩn để giặt. Thiếu nước, nước không đảm bảo không chỉ gây bất tiện đến đời sống giáo viên và học sinh mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.
Môi trường sống của giáo viên vùng cao, giáo viên cắm bản thường trải qua trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt quanh năm. Hết nắng nóng lại đến giá lạnh khiến sức khỏe bị ảnh hưởng không nhỏ. Những căn bệnh mà giáo viên vùng cao thường mắc phải là viêm đường hô hấp, viêm phổi, các bệnh về cột sống, xương khớp...
Thêm một nỗi lo của giáo viên vùng cao đó là đường sá giao thông đi lại. Những con đường đá hộc, đá răm… khiến những chiếc xe máy dù mới tốt đến đâu cũng nhanh chóng hỏng hóc. Vào mùa mưa, sự vất vả của người thầy vùng cao trên con đường tới các điểm trường lại tăng lên đáng kể. Bùn lầy bám đầy chặt bánh xe, nhông xích, trơn trượt khiến những thầy giáo cứng tay lái nhất cũng bị ngã chứ chưa kể tới nữ giáo viên. Nhiều đoạn đường xe không thể tiến, cũng chẳng thể lùi, không thể đi cũng không thể dắt.
Đường xấu lại xa xôi, nhiều cô giáo khi chuẩn bị vào cữ sinh nở thường phải xin nghỉ sớm 1 tháng về dưới xuôi. Nhưng cũng có giáo viên trở dạ sớm chưa kịp về, lúc có dấu hiệu trở dạ thuê ô tô về đến bệnh viện tuyến huyện, tỉnh chỉ kịp vào thẳng phòng đẻ. Có trường hợp cô giáo chưa kịp vào viện thì trở dạ, con tím tái, bác sĩ kết luận chỉ chậm chục phút nữa sẽ ảnh hưởng tới tính mạng cả mẹ lẫn con.
Nói tới giáo viên vùng cao, giáo viên cắm bản là nói tới biết bao sự vất vả trăm bề không kể hết từ tinh thần tới vật chất. Cuộc sống không điện, thiếu nước, không sóng điện thoại vẫn diễn ra ở nhiều nơi và chưa thể khắc phục.
Với giáo viên cắm bản, việc nấu cơm cho học sinh ăn khi các em nhỡ bữa, lăn lộn đến từng nhà học sinh để vận động các em tới trường, bỏ thời gian công sức để bồi dưỡng thêm cho những học sinh yếu kém, đến tận nhà vận động phụ huynh và học sinh quay lại trường, không bỏ học... cũng là câu chuyện đời thường.
Trong bản năng của những người thầy vùng cao, giáo viên cắm bản họ luôn biết chấp nhận khó khăn, vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả mà xã hội gửi gắm, kỳ vọng và đặt lên vai. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc của mình, những người thầy vùng cao ấy luôn nỗ lực hết mình. Ở họ tình yêu nghề, yêu trẻ, sự chịu đựng, cống hiến… chắc chắn gấp bội phần những người giáo viên khác.
Hạnh phúc của thầy là tiến bộ của trò
Khó khăn, thách thức từ cuộc sống thực tế càng lớn thì chắc chắn càng đòi hỏi sự tâm huyết yêu nghề của những người thầy vùng cao, giáo viên cắm bản càng cao. Và chắc chắn, hạnh phúc và động lực lớn nhất để họ vượt qua mọi vất vả tiếp tục bám trường lớp chính là ước mong mang kiến thức đến cho trò, là sự tiến bộ của mỗi học trò qua mỗi ngày lên lớp.
Một đặc điểm của học sinh dân tộc là sử dụng chủ yếu tiếng dân tộc nên khi học tiếng Việt còn hạn chế vốn từ. Mặt khác tư duy nhận thức tiếp thu chậm so với học sinh miền xuôi. Vì vậy, để dạy học đạt kết quả thì giáo viên phải vất vả tốn thời gian gấp nhiều lần, phải dạy các em từ điều đơn giản nhất, hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ từng vấn đề để học sinh kịp tiếp thu.
Hai cô giáo tại điểm trường Khằm 1 - Mường Lát - Thanh Hóa |
“Học sinh dân tộc còn có đặc tính hay tự ái, tự trọng cao. Nếu chỉ cần một lời lẽ của thầy cô, bạn bè không vừa ý các em sẵn sàng bỏ học. Bởi vậy, thầy cô không chỉ đóng vai trò người thầy truyền thụ kiến thức trên lớp, mà còn phải trở thành người cha, mẹ, người thân quen để nắm bắt tâm lý, động viên chia sẻ khuyến khích các em học tập…” - cô giáo Hoàng Thị Đan – Điểm trường Nặm Tát –Trường TH Quang Long – xã Quang Long (Hạ Lang – Cao Bằng) chia sẻ.
Giáo viên vùng cao, cô giáo cắm bản chẳng cầu vọng và chẳng mấy ai biết tới quà to, thưởng lớn trong các dịp lễ Tết. “Học sinh tặng thầy cô mấy bông hoa rừng, một hai mớ rau, vài bắp ngô, củ khoai, một lời chúc, lời hứa học tốt... cũng đủ khiến họ vui mừng. Sự tri ân lớn nhất của học trò dành cho người thầy vùng cao quý hơn tất thảy là sự tiến bộ trong học tập, sự chuyên cần lên lớp của học trò. Từng sự tiến bộ của học trò, dù là nhỏ nhất cũng là niềm hạnh phúc, trở thành động lực phần thưởng để họ tiếp tục vượt khó, gắn bó với nghiệp trồng người...” - cô Nguyễn Thị Hoa – Mù Cang Chải (Yên Bái) trải lòng.