Truyền cảm hứng cho người học

GD&TĐ - Học tập là quá trình tiếp thu kiến thức, kĩ năng để nâng cao tầm hiểu biết, phát huy khả năng cống hiến, sáng tạo, phục vụ tốt nhất cho xã hội…

Được truyền cảm hứng từ người thầy sẽ giúp học sinh hứng thú hơn với môn học. Ảnh: Thanh Long
Được truyền cảm hứng từ người thầy sẽ giúp học sinh hứng thú hơn với môn học. Ảnh: Thanh Long

Tuy nhiên hiện nay, những áp lực nhất định trong học tập đang khiến học sinh mất đi phần nào háo hức, thậm chí bão hòa cảm xúc trong các giờ học. Việc truyền cảm hứng học tập trong môn Ngữ văn đã được cô giáo Nguyễn Thị Minh Yến (Trường THPT Trần Phú - Vĩnh Phúc) áp dụng và mang lại hiệu quả.

Nhìn từ thực tế

Có thể thấy một thực tế, Ngữ văn là một bộ môn có nhiều đặc thù. Môn học này không chỉ giúp học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới mà còn tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách, bồi đắp cho học sinh những tình cảm lẽ sống trong sáng, cao đẹp… Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của những giá trị nhân văn có ý nghĩa thầm lặng ấy.

Chính vì vậy trên thực tế, nhiều học sinh không tha thiết, không có hứng thú với việc học môn Ngữ văn, các em học tập trung nhiều vào khoa học tự nhiên. Mặt khác, ý thức học tập môn Ngữ văn của nhiều học sinh không cao, không chịu khó đọc tác phẩm, không soạn bài, làm bài tập về nhà, lười luyện bút trong những giờ dạy thực hành, vận dụng.

Tình trạng, học sinh học và làm bài của các môn học khác trong giờ Ngữ văn; chấp nhận điểm số thấp như một điều tự nhiên, thậm chí nhiều em còn lấy đó làm niềm vui hứng thú; Tách rời giá trị của văn học với đời sống, ít sáng tạo trong cảm thụ văn học, lười tư duy, suy nghĩ…

Bên cạnh những học sinh đam mê với việc học môn Ngữ văn có không ít học sinh tỏ ra uể oải, chán chường khi học bộ môn này. Vì thế hơn bao giờ hết, những người đã chọn con đường gắn bó với nghề giáo, tâm huyết với nghiệp văn không có cách nào khác ngoài việc phải khơi dậy cho học sinh nguồn cảm hứng.

Đặc biệt, với người giáo viên tài năng, việc truyền cảm hứng cho học sinh là con đường đi đến thành công. Người thầy giỏi không chỉ là người thầy có kiến thức chuyên môn giỏi mà còn là người khơi dậy đánh thức tiềm năng. Thầy không chỉ tỏa sáng bằng kiến thức của mình mà còn giúp học sinh biết cách tỏa sáng.

Truyền cảm hứng vào môn học ngữ văn

Theo cô Nguyễn Thị Minh Yến, muốn học trò tiếp nhận bài học, trước hết người thầy phải lên lớp với một sự hứng khởi tràn đầy. Sự hứng khởi ấy không phải là một điều gì quá xa vời mà tỏa ra một cách tự nhiên từ niềm đam mê nghề nghiệp, ý thức và tinh thần trách nhiệm với mỗi bài giảng và cả cái nhìn lạc quan của người thầy về cuộc sống.

Với môn học Ngữ văn, để bài học hấp dẫn, truyền cho học sinh niềm cảm hứng, say mê, thích thú trước hết người thầy phải dành nhiều thời gian thích hợp cho quá trình soạn bài, nghiên cứu sách giáo khoa, sách bài tập, sách nghiên cứu, tham khảo thêm nhiều nguồn tài liệu, tri thức khác nhau.

Giáo viên cần căn cứ vào đối tượng giảng dạy và xác định nội dung trọng tâm, không nên dàn trải, cung cấp quá nhiều kiến thức mà không có điểm nhấn, kiến thức sẽ giống như dòng nước chảy ào ạt nhưng khó đọng lại, học rất nhiều nhưng hiểu chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, để có thể giúp học sinh nắm vững kiến thức, mỗi nội dung, mỗi bài giảng giáo viên cần cô đọng kiến thức bằng một vài từ khóa hoặc câu văn ngắn gọn.

Hơn nữa, để nội dung bài học phong phú, phát huy hết năng lực tiềm ẩn của người học giáo viên có thể đặt một đơn vị kiến thức trong bài học soi chiếu với kiến thức của các môn học liên quan. Tích hợp liên môn trong bài học một cách khéo léo, hiệu quả cùng là cách tạo cảm hứng cho người học.

Cùng đó, giáo viên có thể vận dụng phương pháp dạy học tích cực trong nghệ thuật truyền cảm hứng cho học sinh trong giảng dạy Ngữ văn. Cụ thể, trong kĩ thuật vấn đáp, giáo viên cần tránh những câu hỏi đơn điệu, nhàm chán, khó chạm tới vùng tư duy, không kích thích được sự hứng khởi. Để bài học hấp dẫn không nhất thiết phải đặt quá nhiều câu hỏi vấn đáp, nhưng đã hỏi câu nào thì câu đó phải thực sự phát triển trí tuệ, khả năng tư duy, lập luận, khả năng ngôn ngữ của học trò.

Thuyết trình cũng là một trong những kĩ thuật quan trọng góp phần khơi gợi được hứng thú của học sinh trong quá trình học tập, tạo nên thành công của một giờ dạy Văn. Để có được những lời thuyết giảng hay, nhất định thầy không chỉ có kiến thức sâu rộng mà còn phải có cả những cảm nhận văn học rất riêng với giọng điệu riêng, cách nói riêng…

Nghệ thuật sư phạm của thầy cô cũng được cô Yến đánh giá như nguồn động lực bất tận của cảm hứng. Nói đến nghệ thuật sư phạm là nói đến tài năng tổng hợp trên nhiều phương diện của thầy cô. Tài năng đó không chỉ được thể hiện qua kiến thức sâu rộng, phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo có tác dụng khơi nguồn cảm hứng mà tài năng đó còn được thể hiện trong rất nhiều cảnh huống diễn ra khi thực hiện các hoạt động giáo dục. Tiêu biểu nhất là tài năng ứng xử các tình huống sư phạm.

Cụ thể đó là tình huống nảy sinh trong giờ học. Trong mỗi giờ học có rất nhiều tình huống có thể xảy trong đó có tình huống liên quan đến kiến thức, phương pháp giải quyết vấn đề. Vì vậy, giáo viên cần hết sức tránh tư tưởng áp đặt, cưỡng chế nhận thức và phủ nhận tuyệt đối với những ý kiến trái chiều của học trò.

Bởi những ý kiến trái chiều, những thắc mắc dường như “vớ vẩn” rất có thể là kết quả của những khám phá, phát hiện bất ngờ và về những bí ẩn của khoa học và đời sống. Muốn truyền cảm hứng cho học sinh người giáo viên cần biết cách khích lệ, động viên học sinh nêu lên những thắc mắc của mình.

Tình huống nảy sinh qua các bài kiểm tra. Muốn truyền cảm hứng cho học sinh, người thầy cần khách quan, công bằng chính xác trong đánh giá. Việc đánh giá cũng không chỉ đơn thuần là ghi nhận điểm số mà còn qua việc ghi nhận xét, lời phê và chữa bài học học sinh. Lời phê phải thể hiến sự ghi nhận những cố gắng của học sinh so với bản thân các em và có tác dụng truyền cảm hứng.

Mặt khác, với người thầy giỏi không chỉ truyền cảm hứng cho học sinh trên bục giảng, qua các bài học trong khuôn khổ nhà trường. Đố tượng lao động của nghề giáo không phải là những tư liệu sản xuất mà là con người.

Vì thế, người thầy chỉ có thể truyền cảm hứng cho học sinh khi học sinh yêu mến, kính trọng, tin tưởng thầy. Muốn đạt được điều đó, mỗi thầy cô giáo phải thực sự là một nhà tâm lý trong giáo dục. Mỗi khi học sinh gặp vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống gia đình, tình cảm bạn bè, thầy không chỉ là người giúp các em tháo gỡ mà còn trở thành người bạn tâm tình đáng tin cậy…

 Với cách dạy học truyền cảm hứng, học sinh sẽ phấn khởi, vui vẻ yêu thích bộ môn, mong mỏi được học tập, tìm hiểu, khám phá những kiến thức phong phú, sinh động, hấp dẫn từ bộ môn và các lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt, sẽ khơi dậy được niềm đam mê sáng tạo và có khát khao chiếm lĩnh tri thức, khẳng định tài năng, bản lĩnh của mình trong học tập và đời sống. Các em trưởng thành về nhân cách lẫn phong cách, đồng thời góp phần tạo nên sức mạnh, niềm tin và sự hứng khởi cho học sinh trong suốt cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.