Cô giáo trẻ sáng tạo trong dạy học

GD&TĐ - Cô giáo Trần Thị Phương Diệp - giáo viên môn Hóa học, Trường TH-THCS-THPT Việt Úc (TPHCM) luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo trong dạy học để mang đến cho học trò những tiết học bổ ích. Năm học 2017-2018, cô đã giành giải Nhất cho phần thi Bài giảng điện tử tại Cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức, đồng thời giành giải Nhì tại Diễn đàn giáo dục sáng tạo Việt Nam 2018.

Cô Trần Thị Phương Diệp tại Cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT 2018
Cô Trần Thị Phương Diệp tại Cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT 2018

Hạnh phúc với nghề “gõ đầu trẻ”

Tốt nghiệp THPT tại Huế, nữ sinh Trần Thị Phương Diệp thi đậu vào cả hai trường ĐH Y và Sư phạm, nhưng với sự tư vấn của gia đình, Phương Diệp đã quyết định theo đuổi ngành Sư phạm.

Khi được hỏi, có thấy tiếc nuối hay muốn chọn lại nghề của mình, cô giáo sinh năm 1989 vui vẻ trẻ lời ngay “tôi cảm thấy mình rất hợp với nghề “gõ đầu trẻ”. Mỗi ngày tiếp xúc với học trò, nhìn thấy các em say sưa với tiết học của mình, tôi lại càng yêu nghề giáo hơn. Quả thật, nếu quay lại thời gian, được phép lựa chọn lại, tôi vẫn chọn học Sư phạm”.

Theo cô Phương Diệp, mọi người thường nghĩ Hóa học là môn học khô khan, nhưng thực chất, đây là môn học liên quan rất gần với thực tiễn, mọi hiện tượng trong cuộc sống đều gắn với nó. Theo học và nghiên cứu sâu môn này sẽ được thực hành rất nhiều trong phòng thí nghiệm, có nhiều trải nghiệm rất thú vị từ lý thuyết đến thực hành, chứ không hề nhàm chán.

Từ những gì mình được học và trải nghiệm, cô đã truyền ngọn lửa say mê môn Hóa học cho các em HS của trường Việt Úc. Theo cô, ngày nay các em HS rất sáng tạo và năng động, có nhiều kênh thông tin để tìm kiếm kiến thức bài học, vì vậy giáo viên nên đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng, cũng như khơi gợi sự sáng tạo, truyền đi ngọn lửa học tập cho các em, chứ không phải “cầm tay chỉ việc”.

Không chỉ vậy, ngoài giờ lên lớp, giáo viên còn phải là người bạn lớn của học trò, nơi các em có thể tin tưởng gửi gắm những tâm tư về mọi chuyện trong cuộc sống, về tình cảm bạn bè, gia đình, về thay đổi tâm lý của tuổi mới lớn…

Cô Phương Diệp cho hay, khi chuẩn bị cho một bài giảng, cô luôn suy nghĩ và trăn trở về việc: Học sinh cần gì? Tùy vào mức độ học tập của các em, giáo viên sẽ cung cấp những gì để các em tiếp nhận bài học một cách hứng khởi thoải mái.

“Mỗi học trò sẽ có mức độ học tập khác nhau nên bản thân tôi phải điều chỉnh cách dạy. Không thể bắt các em khả năng chỉ khoảng 6 điểm học giống như các em luôn đạt 9-10 điểm. Bản thân tôi luôn nghĩ, mỗi em có năng khiếu khác nhau, các em có thể không giỏi môn Hóa học, có thể không giỏi Toán, nhưng lại có khả năng vượt trội ở môn Mĩ thuật, giao tiếp tiếng Anh… Tất cả đều đáng được trân trọng, cần khuyến khích và phát huy tối đa sự vượt trội đó”.

Cô Trần Thị Phương Diệp (bìa trái) và các em HS trong một dự án dạy học

Cô Trần Thị Phương Diệp (bìa trái) và các em HS trong một dự án dạy học

Tích cực đổi mới giảng dạy

Để mang đến cho học trò cách học thú vị, cô đã không ngừng đổi mới, ứng dụng CNTT cho việc giảng dạy của mình.

Các em HS của trường rất thích thú với dự án học tập ứng dụng phương pháp giáo dục STEM có tên “Tay đua siêu hạng” do cô giáo Trần Thị Phương Diệp và thầy Phan Thành Luân (GV Vật lý của trường) triển khai.

Theo đó, dự án kết hợp các kiến thức Toán học, Vật lý, Hóa học, Công nghệ, Kỹ thuật và cả yếu tố nghệ thuật vào. Học sinh sau khi đã học về axit axetic (Hóa học lớp 9) và định luật Newton (Vật lý 10)..., sử dụng các vật liệu tái chế như que đũa, que đè lưỡi, ống hút, xiên que, bánh xe đồ chơi, chai nước suối..)..để thiết kế nên một chiếc xe.

Chiếc xe có thể di chuyển dựa vào phản ứng hóa học xảy ra giữa giấm (axit axetic) và baking soda (bột này thường có trong gian bếp của mọi nhà). Khi cho hai hóa chất này vào chai nước thì chúng tác dụng với nhau sinh ra khí cacbonic, tạo áp lực vào thân xe, đẩy xe di chuyển.

Học sinh cũng sẽ vận dụng kiến thức Vật lý 10 để phân tích các lực tác dụng lên xe, giải thích nguyên nhân làm xe di chuyển. Để triển khai hoạt động dạy học, cô Phương Diệp và thầy Thành Luân đã cùng soạn giáo án vận dụng mô hình dạy học 5E. Bộ giáo án này cũng đã giành giải Ba tại cuộc thi “Thiết kế sáng tạo bài giảng theo phương pháp STEM” do Sở Khoa học công nghệ TPHCM tổ chức mới đây.

Cô Phương Diệp chia sẻ, dự án kết thúc rồi, nhiều em vẫn luôn hỏi cô: Cô ơi, khi nào thực hiện dự án mới cô nhớ kêu tụi con nhé, tụi con thích tham gia…

Bên cạnh vận dụng phương pháp giáo dục STEM, cô Diệp rất chủ động ứng dụng CNTT vào từng bài giảng của mình. Cô cho biết, chủ yếu sử dụng bộ Office 365 của Microsoft. Với Office 365, khi giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu sẽ thấy được nhiều ứng dụng rất hay trong dạy học, quản lý học sinh. Từ những tính năng mới của nó, bài giảng được thiết kế sẽ có hình ảnh đẹp, video mô phỏng rất sắc nét, thu hút được sự chú ý của HS. Ngoài giờ học, cô Phương Diệp đã sử dụng ứng dụng Kahoot-với nhiều câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức sau mỗi bài học. Điều khác biệt là nó được thiết kế như một game show khiến các em HS thích thú khi chơi, không có cảm giác mình đang làm bài tập về nhà.

Tại đây, giáo viên sẽ đặt thời gian cho mỗi game (tương ứng 1 bài tập), hết thời gian, game sẽ tự đóng, HS có thể thách đấu với nhau tại các game… Từ đó, giáo viên với vai trò là người quản lý game sẽ nắm được thời gian trả lời của HS, nắm được mức độ hiểu bài của các em để điều chỉnh các câu hỏi.

Việc ứng dụng thành công CNTT vào bài giảng đã giúp cô giành giải Nhất, phần thi Bài giảng điện tử tại Cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức vào tháng 2 vừa qua.

Lần đầu tiên tham gia hai cuộc thi lớn và giành được giải thưởng, với cô Diệp đó là động lực rất lớn để cô tiếp tục gắn bó với nghề và có nhiều ý tưởng sáng tạo trong dạy học. “Trên những phần kiến thức chung của bộ môn, bản thân tôi đều tự tìm tòi cập nhật kiến thức mới để đưa vào bài giảng của mình. Sự sáng tạo trong dạy học luôn được tôi đặt lên hàng đầu. Tôi vẫn luôn học từ học sinh, học từ đồng nghiệp và học từ mọi người… để tạo nên những ý tưởng cho mình” - cô Diệp chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ