Chuyện thường ngày ở những điểm trường đặc biệt

GD&TĐ - Cách trở đường sá, liên lạc khó khăn, khác biệt về ngôn ngữ văn hóa và cách xa cả về nhận thức của phụ huynh đối với việc học của con em, nên các giáo viên bám bản ở vùng khó không chỉ dạy học, mà còn kiêm thêm nhiều nhiệm vụ, vai trò khác…

Lớp học có thêm thành viên nhí ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4, Quế Phong, Nghệ An
Lớp học có thêm thành viên nhí ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4, Quế Phong, Nghệ An

Những điểm trường lẻ ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa luôn chứa đựng những câu chuyện đặc biệt. Ngoài dạy học, các thầy giáo ở đây còn rất đa năng khi thành thạo mọi chuyện từ bếp núc, trông trẻ, khâu vá áo quần cho các em học sinh…

Vừa dạy học, vừa trông trẻ

Tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, Nghệ An), thỉnh thoảng lên lớp, các thầy giáo lại thấy xuất hiện một số học sinh nhí mới chỉ 2- 3 tuổi, thậm chí có em nhỏ hơn, đang phải bế trên tay. Vừa dạy học, vừa làm bảo mẫu trông trẻ trở thành một kỹ năng đặc biệt của các thầy giáo ở ngôi trường vùng biên này.

Vi Mạnh Hùng là thầy giáo trẻ, mới chuyển từ Trường Tiểu học Tiền Phong đến công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4 vào năm học 2017 – 2018. Một buổi học, thầy Hùng lên lớp và bất ngờ thấy xuất hiện thêm một học sinh nhí, mới khoảng hơn 2 tuổi. Hỏi thì mới biết đó là em gái của trò Thò Lầu, theo chị đi học. “Ở bản vùng sâu này, điểm trường mầm non thiếu giáo viên, phòng học, nên mới chỉ đón nhận trẻ ở 4 – 5 tuổi. Những đứa trẻ bé hơn hoặc theo bố mẹ lên rẫy, hoặc ở nhà và được giao cho anh, hoặc chị trông nom. Anh chị đi học, em theo lên lớp cùng” -thầy Hùng nói.

Những thầy giáo trẻ khi mới về Trường Tiểu học Tri Lễ 4, đều trải qua điều lạ lùng như thế. Nhưng sau đó thì quen, “trường đặc biệt, nên mới có chuyện đặc biệt như thế”, thầy giáo hóm hỉnh nói. “Mọi hoạt động dạy học được tiến hành bình thường. Các bé ở trong lớp hình như cũng nhận ra là anh chị đang đi học, nên ngồi ngoan lắm, ít quấy khóc. Thỉnh thoảng chán quá thì hơi nghịch một chút thôi”.

Công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4 hơn 10 năm, thầy Nguyễn Hồng Hiệp là một trong những giáo viên cắm bản lâu nhất, và nhiều kinh nghiệm ở đây. Thầy chia sẻ: Nhiều em đến lớp phải bế em theo. Các thầy cũng không thể từ chối thành viên ngoài danh sách này, vì nếu không cho các bé vào lớp cùng, thì anh chị lại phải nghỉ học ở nhà trông em.

Có lần, em Và Ý Dâu đi học, cậu em Và Ý Dũng cũng theo chị gái đi học. Đến lớp, cậu bé nhất quyết đòi chị bế. Thầy Hiệp nói bằng tiếng Mông: “Lò nó xầy pùa chìa tu mùa cởn tớ” nghĩa “lại đây thầy bế cho chị học bài”, nhưng cậu bé không chịu.

Thầy cũng đành phải để chị một tay viết bài, một tay ôm em trai. Đến khi cậu em ngủ ngon lành trên tay chị, thầy mới nhẹ nhàng đưa về phòng ký túc của mình cho bé ngủ.

Ngoài việc trông trẻ, các thầy giáo ở các điểm trường của Tiểu học Tri Lễ 4 còn làm nhiều việc khác từ sửa xe đến chải đầu, cắt móng tay cho học sinh. Những điều lạ thường ấy là điều bình thường ở ngôi trường đặc biệt: Không điện, không đường, không chợ, không cô giáo này.

Thầy giáo khâu áo cho trò

Điểm trường Huồi Máy (Trường Tiểu học Cắm Muộn 2) cũng chưa bao giờ từng có giáo viên nữ. Cho đến bây giờ, Huồi Máy vẫn “không điện, không đường, không sóng điện thoại...”. Nơi đây, chỉ là một cụm dân cư lẻ của một bản, nằm sâu hút nơi đầu nguồn con khe Quẹ. Từ trường chính vào đến đây, phải đi ít nhất 4 tiếng đồng hồ, vượt qua hơn chục quãng suối.

Lẽ ra, với một cụm dân cư với hơn 20 hộ dân này, thì sẽ không có điểm trường. Nhưng do quá xa xôi, nên hàng chục năm qua, điểm Huồi Máy vẫn duy trì, dù mỗi năm, chỉ có tất cả mười mấy học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Có lớp sĩ số 1 – 2 em.

Năm học 2017 – 2018 có 2 thầy giáo phụ trách điểm này là thầy Lô Văn Tường và Lô Văn Thanh. Một người dạy lớp ghép 1 - 2 - 3, người kia dạy 4 - 5. Cứ vậy, thầy trò dạy học, gắn bó với nhau như người thân. Dạy bọn trẻ không chỉ chữ nghĩa, phép tính, mà từ cách ăn uống, vệ sinh, tắm rửa và kể cả thầy xắn tay lên khâu quần áo cho trò.

Trong một lần, hình ảnh giản dị này được thầy Lô Văn Tường chụp lại, đăng lên mạng xã hội, bỗng trở thành điều đặc biệt đối với mọi người. Trong ảnh, cậu học trò đi chân đất, cởi chiếc áo rách với tâm trạng háo hức đứng bên cạnh nhìn thầy Lô Văn Thanh đang vá chiếc quần cho mình ở ngay trước cửa phòng công vụ giáo viên được dựng tạm bằng tre nứa. Em học sinh là Moong Văn Châu (học sinh lớp 1). Gia đình khó khăn, bố mẹ ở trên nương rẫy, quần áo trong nhà ít, nên Châu cứ mặc đi mặc lại bộ quần áo đã sờn rách.

Những điểm trường khác, có thể đường đi hiểm trở, những ít nhất xe máy có thể vào được. Nhưng ở đây thì chịu. Dạy học trong này, có khi cả tháng thầy mới ra ngoài một lần. Bởi vậy, nấu nướng, giặt giũ và nhiều công việc của phụ nữ, các thầy đều làm hết. Thiếu thốn, vất vả là vậy, nhưng các thầy và Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 vẫn không bỏ trò, không bỏ điểm trường. “Chỉ mong các cháu đến trường đầy đủ, học biết cái chữ, sau này tương lai các em khá hơn là các thầy mừng rồi” - thầy Thanh chia sẻ.

Những điều bình dị mà thân thương ấy đã vẽ nên hình ảnh người thầy giáo cắm bản đã dành trọn tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm đối với những đứa trẻ nơi tận cùng rừng núi, sông suối miền Tây xứ Nghệ.

(Kỳ 2: Thắp sáng Cà Moong)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.