Bước đi đồng bộ, toàn diện để đưa giáo dục phổ thông phát triển

GD&TĐ - Cùng với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng GD ĐH, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT); từ việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp và hình thức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả theo hướng đánh giá năng lực HS, nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường nguồn lực đầu tư cho GD…

Bước đi đồng bộ, toàn diện để đưa giáo dục phổ thông phát triển

Những kết quả đáng ghi nhận

Từ những chỉ đạo quyết liệt và sự chuyển động trong toàn ngành thời gian qua, đã mang tới các kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động GD trong các nhà trường đã có những chuyển biến rõ rệt. Phương pháp, hình thức dạy học tích cực đã được giáo viên sử dụng thường xuyên, hiệu quả hơn.

Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã được nâng cao, sẵn sàng tiếp nhận Chương trình GDPT mới. Năng lực thực hành sư phạm, tổ chức hoạt động dạy học tích cực của giáo viên được nâng cao.

Thực tế ghi nhận chất lượng GDPT đại trà có sự tiến bộ rõ rệt. Trước hết, chất lượng phổ cập (PC) GD tiểu học được giữ vững và nâng cao: 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3. Chất lượng PCGD THCS được duy trì bền vững: Có 63/63 tỉnh đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1, trong đó có một số tỉnh đạt chuẩn THCS mức độ 2 và mức độ 3. Cơ hội tiếp cận GD có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong GD.

Chất lượng GD về kiến thức văn hóa từng bước được cải thiện, nâng cao. HS Việt Nam được nhiều trường ĐH ở các quốc gia chấp nhận vào học và học tập đạt kết quả tốt. GD đạo đức, lối sống được chú trọng trong các môn Đạo đức, GD công dân và lồng ghép trong các môn học/hoạt động GD đầy đủ, phù hợp và hiệu quả ngày càng cao.

Đến hết năm học 2016 - 2017, chương trình Tiếng Anh 10 năm đã được tiếp tục triển khai dạy và học ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ HS phổ thông theo học chương trình Tiếng Anh 10 năm đủ 4 tiết/tuần trở lên (đối với tiểu học) và 3 tiết/tuần trở lên (đối với THCS và THPT) đạt 76% tổng số HS phổ thông (trong đó tiểu học đạt 37%; THCS đạt 30,7% và THPT đạt 10%). Tỷ lệ HS lớp 3 được học chương trình Tiếng Anh 10 năm với thời lượng đủ 4 tiết/tuần, đạt 63,6% số HS lớp 3 được học tiếng Anh.

Kết quả đánh giá HS quốc tế (PISA) của Việt Nam đứng thứ hạng cao. Kết quả PISA chu kỳ 2015 ghi nhận: Lĩnh vực Khoa học xếp thứ 8/70 so với các quốc gia/vùng lãnh thổ; lĩnh vực Toán học xếp thứ 22/70 so với các quốc gia/vùng lãnh thổ; lĩnh vực Đọc hiểu xếp thứ 32/70 so với các quốc gia/vùng lãnh thổ. Kết quả đánh giá từ Chương trình phân tích các hệ thống GD của Hội nghị các Bộ trưởng GD các nước sử dụng tiếng Pháp (PASEC) dành cho HS lớp 2 và lớp 5 cho thấy HS Việt Nam làm chủ được năng lực ở cấp độ thấp và cao, được đo lường qua các bài kiểm tra môn Tiếng Việt và Toán.

Cùng với đó, chất lượng GD mũi nhọn cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác thi chọn HS giỏi cấp quốc gia, tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế, thi khoa học, kỹ thuật quốc tế dành cho HS trung học trong những năm qua được tập trung chỉ đạo, tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt...

Nâng cao hơn nữa chất lượng GD

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế cũng đòi hỏi GDPT phải nâng cao hơn nữa chất lượng để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Xuất phát từ yêu cầu đó, Bộ GD&ĐT cũng đã có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng GDPT trong thời gian tới.

Thứ nhất: Phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT và phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng. Đối với khu vực thành phố, quy hoạch trường, lớp cần theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại ô để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất.

Tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Đối với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cần có lộ trình sắp xếp điểm trường, lớp hợp lý, trong đó chú ý đối với cấp học mầm non và tiểu học.

Chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Xác định thực trạng và nhu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho từng địa phương, từng vùng miền; các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình đổi mới Chương trình GDPT.

Thứ hai: Ban hành các chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý làm cơ sở để các địa phương thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Các địa phương xây dựng quy hoạch và chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh để xảy ra thừa, thiếu cục bộ; phối hợp với các trường sư phạm có kế hoạch linh hoạt về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, GDTX đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ QLGD các cấp.

Thứ ba: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, ban hành chương trình GDPT mới; triển khai biên soạn SGK theo Chương trình GDPT mới; tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong Chương trình GDPT hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng chương trình GDPT mới.

Chỉ đạo các địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT mới; các trường sư phạm tích cực tham gia vào đổi mới Chương trình GDPT.

Triển khai thực hiện hiệu quả phương pháp và hình thức GD tích cực, trong đó tăng cường hoạt động học tích cực, tự lực của HS; xây dựng và thực hiện GD STEM trong GDPT phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng đánh giá năng lực người học, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác khảo thí, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học; đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở GDPT, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác GD tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường và môi trường GD nhà trường lành mạnh, dân chủ, kỷ cương.

Thứ tư: Triển khai thực hiện các giải pháp GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông theo Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GDPT.

Thứ năm: Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân theo Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2017 - 2025.

Thứ sáu: Nghiên cứu đề xuất, xây dựng trình Chính phủ Nghị định đổi mới quản lý các cơ sở GDMN và GDPT. Tăng cường tự chủ của các nhà trường trong việc xây dựng, phát triển kế hoạch GD nhà trường; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở GD.

Một trong những kết quả đáng chú ý của GDPT thời gian qua là vào ngày 15/3/2018, Ngân hàng Thế giới đã ra Thông cáo báo chí, theo đó khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống GD hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống GD của Trung Quốc và Việt Nam (hai quốc gia tiên phong trong đổi mới GD). Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ