Giáo viên cần thay đổi
Sau 1 học kỳ dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 1, cô Phạm Thị Bé – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (Chư Păh, Gia Lai) nhận thấy: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Do đó, mục tiêu chương trình được xác định bởi một hệ thống phát triển phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm). Và 3 nhóm năng lực: Tự chủ - tự học; giải quyết vấn đề - sáng tạo; giao tiếp – hợp tác. Từ các phẩm chất, năng lực đó mới xác định nội dung giáo dục, phương pháp hình thức giáo dục và kiểm tra đánh giá.
Từ những phân tích nêu trên, cô Bé cho rằng: Mấu chốt của vấn đề là GV cần thay đổi phương pháp dạy học và cách kiểm tra đánh giá HS. Theo đó, GV không nên bó buộc với các ngữ liệu trong sách giáo khoa và cũng không nên dập khuôn, “công thức” trong cách kiểm tra, đánh giá. Qua đó, giúp các em hứng khởi học tập và không bị “lỗi nhịp” với Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan trọng hơn là giúp các em không chỉ biết được gì, mà còn làm được gì.
Từ kinh nghiệm của bản thân, cô Chu Thị Minh Thảo – GV Trường tiểu học Thực nghiệm Victory (Hà Nội) cho rằng: Để HS thích nghi và bắt nhịp với Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, GV cần thay đổi phương pháp dạy học và cách kiểm tra, đánh giá.
Theo đó, đánh giá, xếp loại HS tiểu học áp dụng cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần kế thừa quan điểm “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh” của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT. Cụ thể, GV coi trọng động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của HS; giúp các em phát huy tốt nhất khả năng, năng lực của mình; kịp thời, công bằng, khách quan. Không nên so sánh HS này với HS khác, không tạo áp lực cho HS, GV và cha mẹ học sinh.
Việc đánh giá HS được thực hiện theo quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên, định kỳ và tổng hợp đánh giá. Trong đó, đánh giá thường xuyên được thể hiện bằng lời hoặc viết nhận xét; đánh giá định kì thể hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Cùng với GV, HS và phụ huynh đều được tham gia vào đánh giá HS tiểu học. “Với cách đánh giá như vậy, điểm số là một phần của kết quả học tập và rèn luyện. Quan trọng hơn là đánh giá được năng lực của HS thông qua quá trình học tập. Việc đánh giá như vậy sẽ góp phần thay đổi quá trình dạy học chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, tôn trọng khả năng của mỗi học sinh” – cô Thảo chia sẻ.
Thoát ngữ liệu SGK
Dưới góc độ của nhà quản lý, thầy Nguyễn Trọng Ngoạn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (Chư Păh, tỉnh Gia Lai) nêu quan điểm: Để HS bắt nhịp với Chương trình phổ thông 2018, GV cần phát huy quyền chủ động, sáng tạo, tự chủ của mình. Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, GV phải luôn đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức quá trình dạy học phù hợp với tiến trình nhận thức, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng HS; đồng thời kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp với ngoài giờ chính khoá và hoạt động thực hành trải nghiệm, ứng dụng kiến thức toán học vào thực tiễn; linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực. Mặt khác, khuyến khích sử dụng các phương tiện nghe nhìn, phương tiện kĩ thuật hiện đại hỗ trợ quá trình dạy học.
Cũng theo thầy Ngoạn, SGK mới có kênh hình, kênh chữ được sắp xếp khoa học, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi HS lớp 1. Các bài học được sắp xếp theo từng chủ đề tích hợp các vấn đề trong cuộc sống, có những gợi ý mở, tạo thuận lợi cho giáo GV tổ chức hoạt động dạy - học và định hướng phát triển phẩm chất năng lực. Đặc biệt, phiên bản điện tử của SGK, giúp GV tiết kiệm thời gian soạn giáo án. Các video sinh động của SGK điện tử giúp HS hứng thú hơn với bài học. Trên cơ sở đó, GV cần không ngừng đổi mới, sáng tạo; sử dụng thành thạo công nghệ thông tin (CNTT), biết ứng dụng và khai thác hiệu quả CNTT vào giảng dạy; biết đăng nhập vào Cloudbook để lấy hình ảnh minh họa, video để có những giờ dạy sinh động, giúp HS nắm được mục tiêu của bài học.
Dù Chương trình giáo dục, SGK giáo dục phổ thông chưa triển khai đến THPT, nhưng cô Bùi Thị Ngọc Lan – GV Ngữ văn Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) đã chuẩn bị tâm thế, chủ động đón nhận. Cô chủ động đổi mới kiểm tra, đánh giá bằng cách đưa ngữ liệu nằm ngoài SGK vào đề kiểm tra định kỳ, thường xuyên.
“Chúng tôi đã xây dựng ma trận đề kiểm tra một cách khoa học, bảo đảm các cấp độ tư duy: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng thấp - Vận dụng cao” – cô Lan cho biết, đồng thời nhấn mạnh: Mặc dù chất lượng tuyển sinh đầu vào còn hạn chế, nhưng Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, điểm trung bình môn Ngữ văn của Trường THPT Hoàng Cầu đạt 7,48, cao hơn nhiều so với toàn quốc và thành phố Hà Nội. Đặc biệt, tỉ lệ HS đạt trên 5 điểm của bộ môn Ngữ văn là 100%. “Chúng tôi thực hiện đúng phương châm: Không để HS nào bị bỏ lại phía sau” – cô Lan quả quyết.
Dạy học phân hóa
GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Phó Giám đốc Kĩ thuật Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) nhận định: Bất kỳ đổi mới nào cũng phải vượt qua thách thức và khó khăn. Phải xem đó là quy luật tự nhiên. Khi đã là quy luật mọi người phải phấn đấu nhưng không nên đặt họ vào trạng thái bị áp lực về tâm lý. Muốn vậy, trước hết GV phải được tạo điều kiện để tự chủ về chuyên môn, không bị đè nặng những áp lực về quản lý hành chính. Và tự chủ sáng tạo là kinh nghiệm thành công của Phần Lan.
“Giáo viên phải được tạo điều kiện để có môi trường phát triển nghề nghiệp trong tập thể sư phạm nhà trường. Đương nhiên cũng cần có động viên về tinh thần, vật chất. Kinh nghiệm các nước thành công trong giáo dục là mọi yếu tố ưu tiên được dành cho GV” - GS.TS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.
Khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, GS.TS Đinh Quang Báo bày tỏ: GV cần đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, để HS nắm bắt kiến thức tốt nhất, nguyên tắc đầu tiên là dạy học phân hóa theo đối tượng. Nghĩa là, GV phải dạy học phù hợp theo từng HS. Tiếp đến, khi dạy học, GV cần vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn. Tức là các em phải được thực hành, xóa bỏ rào cản tâm lý chán học. Vừa qua, HS ở nhiều trường phổ thông được giao đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp như: Nghiên cứu xử lý rác thải… và tham gia các hoạt động giáo dục STEM.
Ngoài ra, để HS khắc phục được rào cản về tâm lý, trong kiểm tra, đánh giá, thầy cô không nên tạo áp lực về điểm số mà nên sử dụng đánh giá bằng nhận xét, cho học sinh tự đánh giá mình và đánh giá lẫn nhau… “Nói cách khác, khi chương trình chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, GV phải đổi mới phương pháp dạy học. Từ chỗ đã quen với việc dạy học cung cấp kiến thức, nay phải chuyển sang dạy học kiến thức ấy để phát triển phẩm chất năng lực của HS” - GS.TS Đinh Quang Báo trao đổi.
Cũng theo nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nếu như trước đây, GV dạy kiến thức mang tính cung cấp cái có sẵn, thì khi thực hiện chương trình phát triển năng lực, GV phải tổ chức cho HS tự tìm hiểu kiến thức bằng hoạt động kiến tạo, khám phá. Thông qua đó, HS sẽ đạt được mục tiêu kép: Có được kiến thức, khoa học và cách để tự mình kiến tạo nên kiến thức ấy giống với nhà khoa học. Nói theo cách ẩn dụ là: Không chỉ được ăn món ăn ngon mà còn biết tự chế biến cho mình món ăn ngon.