Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Với việc chuyển đổi mục tiêu giáo dục theo tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, hướng đến phát triển năng lực người học, các trường học đã bắt đầu có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc dạy học theo hướng phát triển tính tích cực sáng tạo cho HS, cá biệt hóa đối tượng với việc lấy HS làm trung tâm, hướng vào người học.
"Với các phương pháp đổi mới dạy học như Dạy học theo dự án, Bàn tay nặn bột, mô hình lớp học không tường vách, lớp học ngoài đồng ruộng, ở bảo tàng… đã được các địa phương ủng hộ, áp dụng trong các trường học tạo sự ổn định cho chất lượng giáo dục, GV rất tự tin, HS phấn khởi trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học. GV thay vì chỉ đóng vai trò chuyển tải kiến thức trong sách giáo khoa thì chuyển sang hướng dẫn cho HS tự tìm tòi, sáng tạo, khám phá và lĩnh hội kiến thức” - Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc Hội nghị |
Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tăng cường chỉ đạo việc khắc phục những hạn chế của Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; giao quyền tự chủ trong việc thực hiện chương trình, xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học theo định hướng tăng cường hoạt động dạy học tích cực, tự lực và sáng tạo của HS; đổi mới quản lý dạy học và giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.
Nhiều cơ sở giáo dục đã tích cực đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng CNTT và truyền thông. Ngoài việc tổ chức cho HS thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, nhiều nơi đã bước đầu coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn HS học tập ở thực tiễn ngoài nhà trường; thực hiện tốt việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học.
Các chủ đề học tập được các địa phương xây dựng tập trung vào một số hướng như: tham gia sản xuất bằng cách lựa chọn một số công đoạn phù hợp trong sản xuất thủ công mỹ nghệ, nông – lâm – ngư – nghiệp có tại địa phương; tham gia dịch vụ: như làm quảng cáo, tờ rơi, giới thiệu sản phẩm, hạch toán kinh doanh…
Ở mức độ cao hơn, HS có thể tìm hiểu hoặc tham gia các dịch vụ sửa chữa nhỏ như chữa xe đạp, xe máy, đồ điện gia dụng, máy tính; tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo vệ môi trường như dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng, tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ môi trường, đề xuất biện pháp chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường; tổ chức cho HS đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn sản xuất và đời sống như về môi trường, về giao thông…
Từ việc giao quyền chủ động cho cơ sở và GV trong điều chỉnh nội dung, thời gian giáo dục, các nhà trường đã có điều kiện áp dụng các hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục – dạy học tiên tiến trong đó yêu cầu HS vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân mà tiêu biểu là hoạt động nghiên cứu khoa học và Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật các cấp cho HS THCS và THPT được tổ chức hàng năm. HS Việt Nam năm nào cũng có giải cao trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF.
Từ thực tế triển khai tại địa phương, CBQL các trường học, các Sở GD&ĐT đều thống nhất ý kiến rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học phải bắt đầu từ GV, CBQL các trường ngoài khuyến khích sự sáng tạo của GV còn phải hỗ trợ tối đa các điều kiện, CSVC phục vụ dạy học, tuyên truyền rộng rãi trong phụ huynh học sinh về chủ trương đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng tăng cường hoạt động tích cực, tự lực và sáng tạo của HS.
"Chúng ta phải xác định, đổi mới giáo dục là nhu cầu tự thân, là cơ hội để chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển về phẩm chất, năng lực HS. Quá trình thực hiện đổi mới giáo dục cũng đã huy động được các nguồn lực xã hội chăm lo cho giáo dục. Việc cải thiện các điều kiện, thành tố giáo dục đã có hiệu quả rõ rệt khi chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu, xã hội đánh giá cao và được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận GV chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và một bộ phận CBQL còn ngại thay đổi, chưa làm hết trách nhiệm, CSVC, trang thiết bị còn hạn chế" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.