Thông tin này được đưa ra tại hội nghị tổng kết Chương trình đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 5, lớp 9, lớp 12 năm học 2019-2020 sáng nay (30/12). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tham dự Hội nghị.
Chia sẻ của ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng: Chương trình đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 5, lớp 9, lớp 12 năm học 2019-2020 được triển khai trong 2 năm. Năm 2019 xây dựng, thử nghiệm và chuẩn bị công cụ khảo sát, đánh giá diện rộng. Năm 2020 thực hiện khảo sát chính thức; phân tích xử lý dữ liệu và báo cáo; khảo sát thử nghiệm 3 môn lớp 12 và xây dựng ngân hàng câu hỏi bổ sung.
Mẫu khảo sát, đánh giá năm 2020 được triển khai ở cả 63 tỉnh/thành và được lựa chọn theo qui trình tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, với tiểu học tại 62 tỉnh/thành gồm 19.277 học sinh, 17.189 phụ huynh học sinh, 346 hiệu trưởng, 704 giáo viên; số trường tham gia là 346. Với THCS, mẫu khảo sát, đánh giá trên 61 tỉnh/thành với sự tham gia của 343 trường, 18.227 học sinh, 15.954 phụ huynh học sinh, 343 hiệu trưởng, 2192 giáo viên. Với THPT, mẫu khảo sát, đánh giá trên 62 tỉnh/thành với sự tham gia của 340 trường, 19.411 học sinh, 17.821 phụ huynh học sinh, 340 trường và 2388 giáo viên.
Thông tin về một số phát hiện từ kết quả đánh giá, ông Phạm Quốc Khánh cho biết: Có sự kế thừa tốt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; nhiều chuẩn đầu ra và nội dung có sự giao thoa. Học sinh đủ năng lực để học tập Chương trình mới: đa số học sinh đã nắm vững các kiến thức, kĩ năng cơ bản và vận dụng vào giải quyết tình huống thực tiễn quen thuộc, hoặc tương đối phức tạp…
“Kết quả đánh giá diện rộng giúp các nhà quản lý giáo dục có thông tin chuyên sâu về các nhân tố tác động đến chất lượng, hiệu quả giáo dục, cũng như những mảng kiến thức, kỹ năng, năng lực cần có chiến lược và giải pháp hỗ trợ để đạt được mục tiêu giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông.” – ông Phạm Quốc Khánh thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ GD&ĐT đang triển khai Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đã tích cực tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị quyết 44 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Quyết định 404 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Sau khi có đề án này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu để có Quyết định ban hành Dự án hỗ trợ đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông (RGEP) với 4 cấu phần quan trọng: Hỗ trợ phát triển chương trình giáo dục phổ thông; Hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình; Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông; Quản lí, giám sát, đánh giá Dự án.
Lần đầu tiên chúng ta có một chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng bài bản, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đã khắc phục được những hạn chế của chương trình tiếp cận nội dung hiện hành; bảo đảm nội dung giáo dục tinh giản, thiết thực, gắn với thực tiễn; tập trung đổi mới mạnh mẽ về phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá.
“Dự án RGEP với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước đã xây dựng được hệ thống câu hỏi, bảng hỏi, đề khảo sát theo hướng chuẩn hóa rất công phu; hướng tới xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Việc này, Bộ GD&ĐT cũng đã làm khi tham gia đánh giá PISA và chuẩn bị ngân hàng câu hỏi cho các Kỳ thi THPT quốc gia, thi tốt nghiệp THPT (năm 2020).” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biêt thêm.
Theo Thứ trưởng, đánh giá lần này là đánh giá kiến thức, kỹ năng học sinh học theo chương trình hiện hành nhưng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hệ thống câu hỏi do đó cũng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực và được xây dựng rất công phu.
Chia sẻ về mục tiêu của đánh giá trên diện rộng, Thứ trưởng nhấn mạnh đến việc đưa ra được những nhận xét, đánh giá về sự khác biệt giữa chương trình hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông 2018, đánh giá được chương trình và các nhân tố tác động, từ đó tham mưu xây dựng chính sách để phát triển bền vững chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đợt đánh giá cũng sẽ giúp chúng ta biết được các học sinh lớp 5, lớp 9 cần bổ sung kiến thức như thế nào để các em có thể tiếp cận ngay với chương trình mới khi lên lớp 6, lớp 10.
“Với số mẫu khá rộng - gần 60 nghìn học sinh tham gia, ở hơn 1.000 trường trên cả 63 tỉnh thành - kết quả đánh giá cho thấy học sinh đang học chương trình hiện hành đủ điều kiện để tiếp cận tốt với chương trình mới; với điều kiện giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học, cách đánh giá, đổi mới phương pháp quản trị nhà trường.” - Thứ trưởng nhận định.
Đánh giá những kết quả quan trọng của Chương trình, Thứ trưởng cho rằng, hoạt động đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập học sinh được thực hiện bài bản, khoa học, khách quan và thực chất. Qua hoạt động này, chúng ta có được một quy trình tổ chức đánh giá diện rộng. Đồng thời, nâng cao nhận thức của đội ngũ, từ lãnh đạo sở/phòng, các nhà trường, giáo viên về tầm quan trọng của đánh giá diện rộng nói riêng, hoạt động đánh giá nói chung với chất lượng giáo dục.
Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, vấn đề nâng cao nhận thức cho đội ngũ về đánh giá diện rộng nói riêng, đánh giá nói chung cần tiếp tục được quan tâm, chú trọng; phát huy kết quả đánh giá. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên có năng lực làm được việc này. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh cần xây dựng môi trường giáo dục tích cực, cởi mở, dân chủ, đặc biệt hướng tới môi trường giáo dục hạnh phúc.