Về nội dung này, thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền (Viện Khoa học giáo dục Việt) cho rằng, phương pháp dạy học được gọi là tích cực phát triển trí tuệ nếu hội tụ được các yếu tố: Thể hiện rõ vai trò của nguồn thông tin và các nguồn lực sẵn có; thể hiện rõ được động cơ học tập của người học khi bắt đầu môn học; thể hiện rõ được bản chất và mức độ kiến thức cần huy động;
Đồng thời, thể hiện rõ được vai trò của người học, người dạy, vai trò của các mối tương tác trong quá trình học và thể hiện được kết quả mong đợi của người học.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền, để thúc đẩy và phát triển trí tuệ cho học sinh, hay để kích thích học sinh tư duy, cần đưa học sinh vào các tình huống có vấn đề. Đó là một điều kiện hết sức quan trọng trong phát triển tư duy cho học sinh và phát triển trí tuệ người học nói chung.
Dạy học phát triển trí tuệ đòi hỏi người học phải tích cực suy nghĩ, sử dụng các thao tác tư duy như: Phân tích và tổng hợp; so sánh; trừu tượng hoá và khái quát hoá.
Lúc này người học không còn thụ động tiếp thu tri thức theo lối một chiều, theo kiểu "rót mực" - người dạy truyền thụ và người học tiếp thu.
Mối quan hệ giữa người dạy và người học được cải thiện - trở thành mối quan hệ hợp tác, vai trò của người dạy là người điều khiển, hướng dẫn, cố vấn... và người học lúc này là người tích cực, chủ động trong việc tìm kiếm tri thức, hình thành kĩ năng, trên cơ sở mà trí tuệ người học được phát triển.
Từ phân tích trên, thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền nhận định: Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học phát triển trí tuệ không chỉ có tác dụng trong việc đem lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học, đạt được mục tiêu dạy học và tạo được tính tích cực nhận thức của người học, mà nó còn là yếu tố có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần phát triển trí tuệ người học một cách tích cực và có hiệu quả.