Dạy - học "lựa" theo thời tiết giá rét ở miền Tây Bắc

GD&TĐ - Mỗi khi Đông đến, khí hậu ở Sơn La lại trở nên khắc nghiệt. Rét đậm kèm sương mù dày đặc khiến cho tiết trời càng buốt giá. Sợ trò ốm, thầy cô ở đây lại xây dựng “kịch bản” ứng phó.

Học sinh được đắp đủ chăn ấm đảm bảo sức khoẻ trong ngày giá rét. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Học sinh được đắp đủ chăn ấm đảm bảo sức khoẻ trong ngày giá rét. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đổi lịch học

Những ngày gần đây, nhiệt độ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La xuống thấp. Rét đậm vào đêm và sáng sớm kèm sương muối khiến cho mùa Đông càng thêm lạnh lẽo. Rút kinh nghiệm từ những đợt rét trước, năm nay một số trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động kế hoạch chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe cho trò.

“Mỗi khi mùa Đông đến, chúng tôi đều tập trung tuyên truyền đến phụ huynh để họ dành nhiều hơn sự quan tâm, chăm sóc sức khoẻ cho con em mình. Giáo viên cũng đề nghị với phụ huynh trang bị quần, áo ấm, quàng khăn, đi giày và tất cho học sinh, đảm bảo đủ ấm khi lên lớp”, thầy Trần Quốc Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 8/4, thị trấn Nông Trường (huyện Mộc Châu) chia sẻ.

Theo thầy Phương, nhà trường đã chủ động điều chỉnh lịch học. Trước đây, buổi sáng học sinh vào lớp từ 7 giờ 45 phút nay đổi sang 8 giờ. Những ngày nhiệt độ giảm sâu, giờ ra chơi cũng được rút ngắn. Thời gian nghỉ chỉ đủ để học sinh vệ sinh cá nhân, không để học sinh ra ngoài trời chơi lâu dưới thời tiết lạnh giá.

Cùng với đó, chế độ dinh dưỡng cũng được quan tâm hơn. Thầy Phương nói thêm: “Những hôm trời trở lạnh, nhân viên nhà bếp sẽ giữ ấm thức ăn bằng cách cho vào thùng giữ nhiệt. Khi học sinh ổn định tại bàn ăn, nhân viên mới mang đồ ăn lên. Như vậy, bữa nào cũng đảm bảo các em được ăn cơm, canh vẫn còn nóng”.

Ở Trường Tiểu học 8/4, ngoài việc giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm còn kiêm luôn vai trò “quản lý” học sinh bán trú. Mỗi dịp đầu năm, thầy cô phổ biến để phụ huynh chủ động trang bị cho con em mình 1 chiếc chăn đơn và 1 chiếc chăn dày dùng trong mùa Đông. Khi cần có thể mang cả hai ra sử dụng.

“Năm nay dự báo thời tiết có thể diễn biến phức tạp. Ban giám hiệu nhà trường cũng xây dựng kế hoạch chi tiết, sẵn sàng cho học sinh nghỉ học tránh rét trong trường hợp cần thiết. Khi đó, sẽ bố trí dạy học bù vào thời gian phù hợp” - thầy Phương cho hay.

Khi nhiệt độ xuống thấp, các hoạt động dạy học ngoài trời sẽ tạm dừng và có kế hoạch dạy bù.
Khi nhiệt độ xuống thấp, các hoạt động dạy học ngoài trời sẽ tạm dừng và có kế hoạch dạy bù.

Đảm bảo sĩ số và chất lượng giáo dục

Giống như Trường Tiểu học 8/4, các cơ sở giáo dục ở tỉnh Sơn La đều chủ động trong phòng, chống rét cho học sinh. Đơn cử như Trường Tiểu học và THCS Chiềng Dong (huyện Mai Sơn) có 547 học sinh, trong đó có 77 em ở bán trú. Mới đây, nhà trường đã tiếp nhận được 77 chiếc chăn ấm từ Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh hỗ trợ. Đảm bảo mỗi học sinh có được một chiếc để sử dụng trong mùa Đông năm nay.

Theo thầy Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường, Ban giám hiệu đã điều chỉnh lịch học, cho học sinh đến trường muộn hơn 15 phút so với đợt trước. Những hôm nhiệt độ xuống thấp, trường sẽ dừng các hoạt động tập trung ngoài trời.

“Trong trường, thầy cô cũng tự nguyện đóng góp một khoản quỹ. Nguồn quỹ này dành để mua đồ dùng như chăn, màn... hỗ trợ những học sinh khó khăn. Bên cạnh đó, gần đây trường cũng đón nhận được nhiều hỗ trợ từ các đoàn tình nguyện nên cơ bản đủ để giữ ấm cho học sinh. Cũng vì thế mà sĩ số các lớp luôn được duy trì, không còn tình trạng trò bỏ học vì giá rét”, thầy Tuấn cho hay.

Do nhiệt độ trung bình thấp hơn so với các huyện khác. Vì thế mỗi khi mùa Đông đến, phòng GD&ĐT lại tiến hành khảo sát nhu cầu tại từng đơn vị. Từ đó, tư vấn, định hướng để các tổ chức thiện nguyện lựa chọn những nơi còn khó khăn để hỗ trợ.

“Tất cả phần quà như: Chăn; màn; quần, áo ấm; thực phẩm… đều được chuyển đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả sử dụng”, ông Ngô Ngọc Toản, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mộc Châu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.