Không mặc đồng phục ngày giá rét
Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến cho biết: Sở đã hướng dẫn các đơn vị, trường học căn cứ vào dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và thực tế tại địa phương, để cho học sinh nghỉ học hay không. Cụ thể, học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ học khi thời tiết dưới 10 độ C; dưới 7 độ C cho học sinh THCS nghỉ học để phòng chống rét.
“Trong những ngày rét đậm, rét hại và căn cứ điều kiện thời tiết tại mỗi vùng, các trường chủ động điều chỉnh thời gian học buổi sáng muộn hơn so với thời gian quy định” – bà Tuyến nói, đồng thời thông tin: Nhà trường tăng cường biện pháp bảo đảm sức khỏe cho học sinh như: Kiểm tra tu sửa cơ sở vật chất, phòng học chống rét; tăng cường công tác truyền thông, bổ sung cơ số thuốc tại các phòng y tế học đường; đồng thời phối hợp với cha mẹ học sinh nhắc nhở con, em mặc đủ ấm khi đến trường, hạn chế các hoạt động ngoài trời. Trong những ngày rét đậm, rét hại, các trường không được yêu cầu học sinh mặc đồng phục.
Với những trường tổ chức ăn bán trú, cần quan tâm chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh cho học sinh. Theo đó, suất ăn đủ chất, chế độ ăn hợp lý; cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt; chỗ nghỉ trưa ấm áp; đặc biệt với các trường mầm non cần bố trí lớp học kín gió, ấm áp cho trẻ; có nước ấm để chăm sóc và phục vụ nhu cầu của trẻ.
“Nếu các trường cho học sinh nghỉ học từ 3 ngày trở lên phải báo cáo phòng GD&ĐT bằng văn bản kèm theo kế hoạch dạy bù, nhằm bảo đảm kế hoạch thời gian năm học; không được dạy dồn tiết hoặc rút ngắn chương trình” – Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình nhấn mạnh.
Không tổ chức hoạt động ngoài trời
Theo ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang, căn cứ vào bản tin dự báo thời tiết phát hàng ngày trên VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam (khoảng 6 giờ 15 phút hàng ngày và 19 giờ 45 phút ngày hôm trước) về nhiệt độ các tỉnh miền núi phía Bắc, thủ trưởng các đơn vị được phép quyết định: Cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời từ 10 độ C trở xuống; học sinh THCS được nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời từ 7 độ C trở xuống; đồng thời chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho phù hợp theo khung thời gian năm học.
“Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại, chúng tôi yêu cầu lãnh đạo các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc sở, kiểm tra, tu sửa lại phòng học, phòng học bộ môn, phòng ăn, phòng ở nội trú và bán trú cho học sinh, tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Các trường mầm non có đủ nước ấm, chăn ấm cho trẻ, có dép hoặc tất giữ ấm chân trong lớp học” – ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hưng, sở chỉ đạo các trường có học sinh ăn, ở nội trú và bán trú, cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống cho học sinh, có nước nóng để HS tắm; đủ quần áo mặc ấm, đủ nước ấm để uống.
Ngoài ra, các trường không tổ chức các hoạt động ngoài trời, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày mưa rét. Các giờ thể dục ngoài trời cần chú ý giữ sức khỏe cho học sinh. Trường hợp nghỉ học nhưng vẫn có một số học sinh đến trường đưa các em vào phòng để giữ ấm và quản lý đến khi phụ huynh đón về; không để học sinh đứng ở ngoài trời hay cổng trường trong thời tiết giá rét.
Ông Bế Đoàn Trọng – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Lạng Sơn chia sẻ: Ngày 18/12, có 102 trường với hơn 22.200 học sinh được nghỉ học để phòng chống rét; trong đó có 3 trường tiểu học và 99 trường mầm non. Khối trung học và giáo dục thường xuyên chưa có trường nào cho học sinh nghỉ học.
Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã ban hành hướng dẫn các trường phòng chống rét cho học sinh. Sở GD&ĐT yêu cầu các trường chủ động sửa sang cơ sở vật chất, chuẩn bị nước ấm, chăn ấm; trang bị thêm đồ dùng sinh hoạt và tăng khẩu phần ăn cho học sinh, đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, cần được trang bị cửa chắn gió lùa, lớp học phải đủ ánh sáng, nhất là ở những phòng học tạm, học nhờ. Ngoài ra, các trường phải trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết để chăm sóc học sinh khi có dấu hiệu bị cảm lạnh, sốt, ho.