Thái độ sống tích cực không phải tính cách. Thực tế, đó là sự rèn luyện từ khi còn nhỏ.
Cách giáo dục của cha mẹ sẽ góp phần định hình tính cách của trẻ rất nhiều. Đó là lí do cha mẹ nên dạy con với thái độ tích cực. Như vậy, trẻ sẽ có thể suy nghĩ lạc quan trong mọi tình huống.
Ảnh hưởng phụ thuộc tư duy
Không chỉ người lớn dễ rơi vào trạng thái tiêu cực bởi thất bại, lo toan. Thực tế, ngay cả trẻ em cũng không ngoại lệ. Bởi, khi đã được hình thành một hệ thống tư duy hoàn thiện, trẻ sẽ biết so sánh, buồn, chán. Tuy nhiên, nếu tình trạng đó xảy ra trong thời gian dài và liên tục, chắc chắn, tâm lý của trẻ sẽ ảnh hưởng tiêu cực; Từ đó, tác động không tốt tới tư duy, cũng như việc học và các mối quan hệ. Vì vậy, theo các chuyên gia, rèn luyện cho trẻ lối suy nghĩ tích cực là một việc cha mẹ nên làm ngay từ khi con còn nhỏ.
Chắc hẳn, bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng sẽ cảm thấy không vui khi nghe con chia sẻ những suy nghĩ tiêu cực, hay buồn bực, giận dữ, thất vọng. Song, một sự thật đáng buồn được khoa học chứng minh là: Con người chìm đắm trong suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn tích cực một cách tự nhiên. Trẻ em cũng vậy.
Thái độ tiêu cực này thường bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ hoặc xấu hổ. Những cảm giác này sẽ sinh ra các chất gây buồn chán trong não. Thực tế, thái độ tiêu cực hay tích cực có thể định hình cách một đứa trẻ nhìn nhận bản thân và thế giới.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, tư duy tích cực là nhìn mọi vật theo chiều hướng tốt, có khả năng tìm ra cái tốt trong cái xấu. Ngoài ra, đó cũng là khi chúng ta có thể hướng mọi suy nghĩ, nhận định theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
“Người ta thống kê rằng, mỗi ngày, trí óc sản sinh ra khoảng 30.000 - 50.000 ý nghĩ. Trong con số khá lớn này, liệu có bao nhiêu ý nghĩ là có ích và bao nhiêu đã làm mất năng lượng một cách vô ích?”, chuyên gia Lê Khanh dẫn chứng.
Để phân loại, các nhà khoa học đã chia ý nghĩ thành 4 nhóm: Tích cực, tiêu cực, lãng phí và tư duy cần thiết. Chuyên gia Lê Khanh lý giải, tư duy tích cực là những suy nghĩ có lợi không những cho mình mà cho cả người khác, như: Tự tin, lạc quan, yêu thương, bao dung, đoàn kết…
Trong khi đó, tư duy tiêu cực là những suy nghĩ làm tổn hại đến bản thân và người khác như: Tự ti, ghen tị, mặc cảm, ích kỷ… Ngoài ra, tư duy lãng phí là những suy nghĩ “rác”. Tư duy này có nghĩa là nghĩ về những gì đã qua hoặc chưa xảy đến. Từ đó, làm tiêu hao năng lượng và mất thời gian của bản thân ở hiện tại.
“Một thí sinh trong phòng thi, nhưng lại mơ tưởng đến chuyến đi nghỉ sắp tới, hay tưởng tượng thầy giám thị tặng cho đáp án thay vì tập trung vào làm bài. Đó là đang tư duy lãng phí”, chuyên gia này dẫn chứng.
Cuối cùng, tư duy cần thiết là những suy nghĩ cần thiết về công việc đang phải làm, phải giải quyết.
“Lối tư duy góp phần quyết định chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Tất cả các ý nghĩ sinh ra dù cần thiết hay không, dù tiêu cực hay tích cực thì nó cũng làm ảnh hưởng đến cảm xúc, lời nói và hành động. Và vô hình chung, nó cũng sẽ ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến chúng ta, tùy theo điểm xuất phát của nó thuộc loại tư duy nào”, ông Lê Khanh giải thích.
Do đó, chuyên gia này cho biết, việc hình thành và phát triển tư duy tích cực có thể tạo ra nhiều thuận lợi trong các mối quan hệ. Bởi vậy, ông Khanh gợi ý, có thể áp dụng tư duy tích cực thông qua việc vận dụng vào các hoạt động bản thân. Theo đó, có thể hình thành và vận dụng trong việc xây dựng các hoạt động cũng như ứng phó với những tác động bên ngoài. Ngoài ra, có thể vận dụng qua các hoạt động nhóm. Cụ thể, trong cách ứng xử với những thành viên khác trong các nhóm như bạn bè hay lớp học, trẻ nên có suy nghĩ tích cực về lời nói và hành động. Mặc dù không quá lạc quan, nhưng cũng không nên có những suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực về cách ứng xử của mọi người.
Bên cạnh đó, thái độ tích cực có thể được vận dụng qua cách giao tiếp và ứng xử. Trong cách giao tiếp, cần luôn có thái độ tự nhiên, lạc quan và chú ý lắng nghe nhiều hơn là nói. Đặc biệt, không nên áp đặt cách nói của bản thân lên người khác. Điều quan trọng là nhìn ra những điểm tích cực trong lời nói và hành vi của người khác. Từ đó, đáp ứng lại theo chiều hướng này.
“Tư duy tích cực - yếu tố đem lại cho chúng ta không chỉ niềm vui, sức khỏe mà còn là cánh cửa mở ra những khả năng giao tiếp tốt đẹp, đem lại kết quả cho cuộc sống và dẫn đến sự thành công”, chuyên gia Lê Khanh nhấn mạnh.
Lợi ích từ tư duy tích cực
Trong khi đó, chuyên gia tư vấn phụ huynh Nguyễn Tú Anh chia sẻ, cha mẹ là tấm gương để con noi theo. Do đó, nếu muốn con thành người như thế nào, trước tiên, phụ huynh phải thành một người như vậy. Lời nói và hành động của cha mẹ cần luôn song hành. Như vậy, khi đó, phụ huynh sẽ có thể giáo dục con một cách toàn diện nhất.
Khi suy nghĩ tích cực, phụ huynh sẽ truyền được cho con sự lạc quan và yêu đời. Tuy nhiên, trước đó, cha mẹ phải là người luôn tin tưởng vào cuộc sống. Nữ chuyên gia này cho biết, có vô vàn lợi ích khi dạy con suy nghĩ tích cực. Trước hết, mối quan hệ của con sẽ được mở rộng. Những đứa trẻ luôn luôn lạc quan và yêu đời sẽ khiến bản thân trở nên vui vẻ và thoải mái hơn.
“Ngay cả đối với chúng ta cũng vậy. Không cần phải nhìn nhận đâu xa, chỉ cần tham chiếu vào bản thân cũng có thể nhận ra điều đó. Một đứa trẻ cũng vậy. Chúng thích ở bên cạnh và giao tiếp với những đứa trẻ hay chơi cùng mình. Hay, những cá thể có thể giúp đỡ nhau trong vấn đề giải bài tập, cùng nhau sửa một món đồ chơi nào đó…”, bà Tú Anh cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, phần lớn những đứa trẻ cởi mở và có suy nghĩ tích cực sẽ luôn thu hút được nhiều bạn bè hơn. Bởi, chúng luôn giữ trên khuôn mặt nét tươi tắn, rạng ngời. Điều này luôn gây thiện cảm đối với người đối diện. Trong khi đó, những trẻ trầm tĩnh, có suy nghĩ tiêu cực có xu hướng đẩy lùi các mối quan hệ, không muốn giao du nhiều với các bạn cùng lứa.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là những đứa trẻ lạc quan sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc, ngay cả với những điều rất nhỏ. Bà Tú Anh chia sẻ, niềm vui của một đứa trẻ rất đơn giản, chúng không cần điều gì quá xa xỉ. Đơn giản là nhận được những sự yêu thương của mọi người, hay lắp ráp được một món đồ chơi thành công, trẻ cũng có thể hò reo lên trong sung sướng.
Ngoài ra, những trẻ có suy nghĩ tích cực thường có xu hướng giải quyết các vấn đề một cách êm đẹp. Đối với những đứa trẻ có suy nghĩ tiêu cực, mỗi khi gặp chuyện khó khăn hay thất vọng, chúng thường có ý nghĩ tìm đến các phương pháp để giải thoát cho bản thân. Những suy nghĩ này có lẽ không chỉ xảy ra ở trẻ em, bởi, nhiều người lớn cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Do đó, phụ huynh được khuyến khích nên tập cho trẻ thói quen nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực. Nhờ đó, giúp con luôn giải quyết được các vấn đề một cách dễ dàng.
Không những mang lại niềm vui cho bản thân, những đứa trẻ tích cực cũng có khả năng lan toả sự lạc quan sang những người xung quanh.
“Có bao giờ bạn tự hỏi, một số trẻ có thể lạc quan và yêu đời suốt mà không thấy chúng buồn. Chúng luôn luôn đi an ủi và động viên những người xung quanh mình. Không lẽ chúng không bao giờ gặp phải chuyện gì ư? Có đấy. Nhưng trẻ luôn biết tự mình giải quyết mọi khúc mắc. Chỉ có người luôn suy nghĩ tích cực mới có thể tự đưa ra những lời khuyên chính xác và hợp lí nhất”, chuyên gia nhận định.
Có lẽ, không ai có thể phủ nhận rằng, những cử chỉ đáng yêu kèm theo lời nói của trẻ sẽ như một liều thuốc ngọt ngào. Điều này sẽ giúp những người xung quanh trẻ luôn vui và hạnh phúc.